TQ âm thầm rút tàu khỏi Scarborough, 2 bài học cho Philippines

26/06/2012 07:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong đấu tranh ngoại giao, nếu đẩy người cao nhất – nguyên thủ quốc gia lộ diện và trực tiếp tuyên bố, phản ứng với nước khác, tức là Philippines đã không để khoảng lùi cần thiết cho mình. Nhất là khi chơi với Trung Quốc, Tổng thống một nước, đại diện cho quốc gia không thể nói đùa, nếu đã “chốt” tức là không còn chuyện gì để đàm phán nữa.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Hai 25/6 cho biết, Trung Quốc đã rút tất cả tàu thuyền của họ, bao gồm tàu công vụ chính phủ và tàu cá ra khỏi lòng đầm phá bên trong bãi đá Scarborough trên biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nỗ lực rất nhiều trong đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ Scarborough
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nỗ lực rất  nhiều trong đấu tranh với Trung Quốc bảo vệ Scarborough

“Trên cơ sở phối hợp giữa Philippines và Trung Quốc, hai ngày trước đây chúng tôi đã nhận được báo cáo rằng tất cả tàu thuyền đã rời khỏi đầm phá bãi Scarborough”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho hay trong một thông báo đến các phương tiện truyền thông nước này.

“Không còn bất cứ tàu thuyền nào của Philippines hay Trung Quốc ở lại trong đầm phá”, ông Albert del Rosario cho biết thêm. Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ngày 25/6 đã đưa ra phản ứng trước thông tin này, dù che đậy rất khéo vẫn bộc lộ bản chất sự việc.

Tình hình căng thẳng trên đảo Hoàng Nham (bãi đá Scarborough – PV) về cơ bản đã hòa hoãn. Tàu công vụ chính phủ Trung Quốc vẫn luôn luôn thực hiện nhiệm vụ quản lý và cảnh giới đối với vùng biển đảo Hoàng Nham”, Hồng Lỗi cho hay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi

Như vậy có thể thấy rằng, thông tin từ phía Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario là chính xác, tuy nhiên cách đưa tin và đấu tranh ngoại giao của Philippines cũng bộc lộ sơ hở.

Mặc dù về mặt tuyên bố, cả Philippines và Trung Quốc đều rất mạnh miệng trong việc duy trì tàu thuyền của mình trên bãi cạn Scarborough để dè chừng nhau, “gầm gừ” nhau bất chấp mùa mưa bão trên biển đã bắt đầu.

Nhưng chỉ một cơn bão đầu tiên đi qua khu vực, nó đã là một phép thử hiệu nghiệm về thực lực so với những tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh.

Vào thời điểm căng thẳng Philippines – Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough vẫn đang trong độ cao trào, bão Butchoy xuất hiện và hướng về phía Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển này.

Những thuyền viên có kinh nghiệm đều xác nhận, thời tiết đó sẽ khiến họ đau đầu, buồn nôn, thậm chí gây nguy hiểm cho các thủy thủ.

Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải đối với Scarborough trước âm mưu của Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của một nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Philippines, tuy nhiên việc tuyên bố, phản ứng ngoại giao chính thức nên để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao thực hiện, Ngoại trưởng và Tổng thống mới có khoảng lùi phù hợp để đàm phán
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải đối với Scarborough trước âm mưu của Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của một nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Philippines, tuy nhiên việc tuyên bố, phản ứng ngoại giao chính thức nên để cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao thực hiện, Ngoại trưởng và Tổng thống mới có khoảng lùi phù hợp để đàm phán

Ngày 15/6 Tổng thống Philippines Aquino ra lệnh rút 2 tàu công vụ về bờ tránh bão, việc 2 tàu này có quay lại Scarborough hay không sẽ xem xét sau. Mấy ngày sau ông cho hay, nếu không thấy tàu nước khác (Trung Quốc – PV) tại Scarborough thì 2 tàu này không cần quay lại Scarborough nữa.

Sau 1 ngày, Trung Quốc tuyên bố rút tàu cá về tránh bão và không đề cập đến việc có hay không rút tàu công vụ chính phủ khỏi lòng đầm phá. Ngày 17/6, Trung Quốc phái tàu cứu hộ ra hộ tống tàu cá nước này về bờ tránh bão.

Không có bất cứ thông báo công khai nào về việc Trung Quốc rút tàu công vụ, cho đến bây giờ khi phóng viên đề nghị xác minh thông tin này, Hồng Lỗi chỉ nói:

“Tàu công vụ Trung Quốc luôn luôn thực hiện nhiệm vụ quản lý và cảnh giới đối với vùng biển đảo Hoàng Nham” mà không nói rõ, cái gọi là “thực hiện nhiệm vụ” ấy là ở bên trong đầm phá hay ngoài bãi cạn Scarborough và nó có diễn ra liên tục bất chấp thời tiết hay không.

Tàu Cảnh sát biển Philippines và tàu Cục Thủy sản nước này neo đậu tại vịnh Zambamles
Tàu Cảnh sát biển Philippines và tàu Cục Thủy sản nước này neo đậu tại vịnh Zambamles

Đằng sau hậu trường, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, Bắc Kinh nói với Manila rằng họ rút 2 trong số 8 tàu công vụ của họ trong 24h, 2 chiếc tiếp theo rút ngày hôm sau và cứ như vậy cho đến khi toàn bộ số tàu công vụ của Trung Quốc được rút về.

Mọi việc sẽ êm đẹp hơn nếu như không có thông báo công khai của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói rằng Trung Quốc thông báo rút quân là “phù hợp với thỏa thuận của Philippines với chính phủ Trung Quốc, hai bên rút hết tàu thuyền để xoa dịu căng thẳng trong khu vực”.

Khi cơn bão ập đến là lúc cả hai có cớ rút tàu khỏi Scarborough trong danh dự, vừa đảm bảo an toàn cho thủy thủ vừa giảm căng thẳng đối đầu trên bãi đá Scarborough, Trung Quốc cũng cần giữ “sĩ diện” với người dân của họ, đồng thời bỏ ngỏ cơ hội leo thang sau này, nếu tình huống căng thẳng xảy ra.

Phát biểu trên của ông Raul Hernandez vô hình chung đẩy giới chức ngoại giao Trung Quốc vào thế bí, đặc biệt là với phe theo đuổi quan điểm cứng rắn trong quân đội nước này về chủ quyền biển đảo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đưa ra phản ứng lấy nốt chút "sĩ diện" nước lớn của Trung Quốc khiến Hồng Lỗi phản ứng gay gắt: "Philippines nên cẩn trọng trong phát ngôn và hành động"
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez đưa ra phản ứng lấy nốt chút "sĩ diện" nước lớn của Trung Quốc khiến Hồng Lỗi phản ứng gay gắt: "Philippines nên cẩn trọng trong phát ngôn và hành động"

Nếu công khai thỏa thuận, lực lượng đó sẽ “tố” Bộ Ngoại giao Trung Quốc là đã “lùi bước” trước Philippines.

Chính vì thế, gần như ngay lập tức giới ngoại giao Trung Quốc phản ứng gay gắt khi Hồng Lỗi đăng đàn tuyên bố: “Philippines nên cẩn trọng trong phát ngôn và hành động”, một động thái rất hiếm gặp trong giới ngoại giao khi một quốc gia này lớn tiếng nói về một quốc gia khác.

“Ngoại giao là một nghệ thuật khiến người khác làm theo cách của bạn/cách bạn muốn”, nhận xét của Danifele Vare, một nhà ngoại giao kỳ cựu của Italia rất giàu kinh nghiệm giao thiệp với người Trung Quốc trong trường hợp này là cái giới ngoại giao Philippines cần học hỏi.

Rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough là một bước tiến lớn nhằm hạ nhiệt căng thẳng, nhưng có lâu dài hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phát ngôn và hành động từ hai phía. Nếu Philippines lấy nốt chút “sĩ diện” của Trung Quốc trong vụ này, khả năng Bắc Kinh sớm quay trở lại sẽ tăng lên.

Trong đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc xung quanh vụ Scarborough, từ Tổng thống, Ngoại trưởng cho đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Phó phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines đều phản ứng
Trong đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc xung quanh vụ Scarborough, từ Tổng thống, Ngoại trưởng cho đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Phó phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines đều phản ứng

Bài học thứ hai mà Philippines cần lưu ý khi làm việc với Trung Quốc, đó là tính tương đồng cấp bậc phản ứng và nên tập trung vào một kênh phát ngôn – người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi đưa ra các tuyên bố, phản ứng chính thức.

Phía Trung Quốc, mọi quan điểm, lập trường, tuyên bố, phản ứng chính thức với Philippines xưa nay chỉ thông qua một vị trí duy nhất, đó là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hoặc Lưu Vị Dân, hoặc Hồng Lỗi.

Chưa bao giờ người ta thấy Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hay ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng, mặc dù đương nhiên họ đặc biệt quan tâm theo dõi vấn đề căng thẳng song phương.

Trong đấu tranh ngoại giao, nếu đẩy người cao nhất – nguyên thủ quốc gia lộ diện và trực tiếp tuyên bố, phản ứng với nước khác, tức là Philippines đã không để khoảng lùi cần thiết cho mình.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì chưa bao giờ lên tiếng về vụ căng thẳng Scarborough
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì chưa bao giờ lên tiếng về vụ căng thẳng Scarborough

Nhất là khi chơi với Trung Quốc, Tổng thống một nước, đại diện cho quốc gia không thể nói đùa, nếu đã “chốt” tức là không còn chuyện gì để đàm phán nữa.

Và khi đó, Bắc Kinh có đủ cớ chứng minh trước công luận rằng đối phương hùng hổ và hiếu chiến chứ không phải họ.

Trong sự vụ Scarborough vừa qua, có ít nhất 4 vị trí quyền lực ở Philippines thường xuyên tuyên bố, phản ứng về vụ việc, ngoài người phát ngôn Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phủ Tổng thống còn có Ngoại trưởng và Tổng thống nước này.

Có thể nói bước đầu Philippines đã thành công nhất định khi kéo người hàng xóm khổng lồ xuống thang trên bãi cạn Scarborough trong khi mình yếu thế, bất lợi hơn.

Tuy nhiên, diễn biến tranh chấp Scarborough nói riêng và biển Đông, quần đảo Trường Sa nói chung sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều đợt sóng ngầm, nhất là khi Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực này.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theoGiaoduc.net.vn" Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy