LỊCH SỬ XUNG ĐỘT TRUNG ĐÔNG:

Tại sao Israel luôn xung đột với thế giới Ả Rập? (Kỳ 1)

26/11/2011 09:05
Nguồn gốc dẫn đến các cuộc xung đột không chấm dứt giữa các quốc gia Ả Rập và chính quyền Do Thái Israel trong hàng thập kỷ qua là vấn đề Palestine.
Thực chất và nguồn cội dẫn đến cuộc xung đột không chấm dứt giữa các quốc gia Ả Rập và chính quyền Do Thái Israel trong hàng thập kỷ qua là vấn đề Palestine. Đây là cuộc tranh chấp lãnh thổ tồn tại nhiều mâu thuẫn đan xen và lâu đời nhất trong lịch sử thế giới thời kỳ đương đại.

Sự tranh chấp ấy đã gây ra các cuộc chiến tranh và xung đột tranh giành liên miên có lúc chấm dứt, lúc tiếp tục làm cho Trung Đông trở thành một trong những điểm nóng mà cả thế giới đều quan tâm.

Xin giới thiệu loạt bài tư liệu có tính chất lịch sử giúp độc giả nắm thêm thông tin về nguồn gốc cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine.

Kỳ 1: Lịch sử hình thành vùng đất Palestine

Palestine có lịch sử văn minh lâu đời, Jerusalem là nơi hội tụ của ba tôn giáo lớn là đạo Ki tô; đạo Do Thái và đạo Hồi. Tên gọi xa xưa của Palestine là Canaan. Tổ tiên của người Palestine và người Do Thái đã xây dựng quốc gia ở đây. 3.000 trước Công Nguyên, một số người Canaan của bộ lạc bán du mục từ bán đảo Ả Rập chuyển đến sinh sống và định cư tại đây.

Năm 2.000 trước Công Nguyên họ lập ra nhà nước Canaan, sau đó người Phoenicia chuyển đến sinh sống tại khu vực ven biển Palestine và thành lập nhà nước Phoenicia. Từ Phoenicia theo tiếng Hy Lạp là Palestine và tên gọi này vẫn được sử dụng cho đến tận bây giờ.

Khoảng thế kỷ thứ XIX trước Công Nguyên, tổ tiên của người Do Thái là người Ebrai sinh sống gần sông Phơrát chuyển đến vùng đất của người Palestine sinh sống. Bộ tộc đầu tiên của người Do Thái tiếp nhận nền văn hoá của người Palestine và bắt đầu cuộc sống định cư tại khu vực này. Người Ebrai liên tục đánh nhau với người Canaan và người Phoenicia đã sinh sống ở khu vực này từ trước.

Người Do Thái (ảnh minh họa - AP)
Người Do Thái (ảnh minh họa - AP)
Năm 1023 trước Công Nguyên, vương quốc đầu tiên của người Ebrai được thành lập trên đất Palestine và đóng đô ở Jerusalem (Từ Jerusalem theo ngôn ngữ Do Thái có nghĩa Thành phố hoà bình). Người Do Thái từ đó đã xây dựng ở đây thánh điện riêng có quy mô rất bề thế. Chính vì vậy, Jerusalem đã trở thành một trung tâm tôn giáo và chính trị đầu tiên của tộc người Do Thái.

Năm 64 trước Công Nguyên, đế quốc La Mã đánh chiếm Palestine và thực hiện chế độ thống trị tàn bạo đối với vùng đất Palestine. Người Do Thái vùng lên chống lại chế độ thống trị của La Mã và đã tiến hành lần lượt 4 cuộc khởi nghĩa quy mô lớn.

Tuy nhiên, người La Mã thực thi các biện pháp đàn áp đẫm máu, giết chết cả triệu người Do Thái, rất nhiều trong số họ được đưa sang châu Âu làm thân phận nô lệ. Nhiều nhóm người Do Thái chạy trốn được sang các nước thuộc Tây Âu ngày nay là Anh, Pháp, Đức, Italia.

Một số khác chạy sang khu vực Đông Âu và Nga, thậm chí cả sang khu vực Bắc Mỹ. Thánh địa của người Do Thái bị tàn phá chỉ còn lại vài bức tường phế tích. Đối với người Do Thái ở khắp nới trên thế giới Jerusalem được xem như vùng đất thánh thiêng liêng.

Thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên, đạo Hồi ra đời và phát triển mạnh mẽ ở bán đảo Ả Rập, phong trào Ả Rập nổi lên và chủ nghĩa Ả Rập ra đời. Năm 637 người theo đạo hồi đưa quân sang chinh phục vùng đất Palestine biến nơi đây thành một bộ phận của thế giới Ả Rập.

Năm 692, Vua Halipha tiến hành xây dựng tại thánh điện Jerusalem nhà thờ hồi giáo Al Aqsa – nhà thờ đạo Hồi lớn thứ 3 sau thánh địa Mecca và Đền tiên tri Medine. Về sau này người Ả Rập từ bán đảo Ả Rập liên tục kéo đến sinh sống tại Palestine.

Người Ả Rập từng bước đồng hoá dân cư bản địa hình thành người Ả Rập Palestine hiện đại như ngày nay. Từ đời này qua đời khác, họ sinh sôi nảy nở và định cư tại đây, và nghiễm nhiên trở thành những chủ nhân của mảnh đất Palestine.

Từ năm 1096 đến năm 1291, Palestine đã từng bị Thập tự chinh châu Âu tiến đánh về phía Đông. Năm 1518 lại bị quân đội của Đế chế Oman xâm chiếm, thống trị trong 400 năm liên tục. Tuy nhiên, cả nửa thế kỷ bị thống trị nhưng người Ả Rập Palestine vẫn không bị đồng hoá và thay đổi thuộc tính.

Đón đọc: Kỳ 2: Sự trở về của người Do Thái