Tại sao Mỹ không công bố ảnh vệ tinh bằng chứng bắn rơi MH17?

23/07/2014 12:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ông Parry cho biết, thật khó có thể tin được rằng với sự chú ý mà tình báo Mỹ đã tập trung vào Đông Ukraine trong nửa năm qua lại không phát hiện thấy Buk.

Tờ Consortium News mới đây dẫn lời nhà báo điều tra nổi tiếng của Mỹ đưa tin cho biết, truyền thông Mỹ rõ ràng đang đứng về phía chính phủ Kiev đổ lỗi cho Nga và lực lượng ly khai gây ra vụ bắn rơi chuyến bay MH17. 

Tuy nhiên, với sự tham gia của các tin tức kém chất lượng, tình hình đang ngày càng phát triển nguy hiểm hơn, tờ báo dẫn lời nhà báo Mỹ Robert Parry cho biết thêm.

Nhà báo Robert Parry.
Nhà báo Robert Parry.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là vệ tinh tình báo của Mỹ có ghi lại được hình ảnh về thời điểm xảy ra thảm họa hay không khi Nga tuyên bố vệ tinh tình báo Mỹ đã di chuyển qua khu vực MH17 bị bắn rơi đúng thời điểm bi kịch xảy ra.

Theo ông Parry, thật khó có thể tin được rằng với sự chú ý mà tình báo Mỹ đã tập trung vào Đông Ukraine trong nửa năm qua và từng cáo buộc có bằng chứng cho thấy một số hệ thống Buk đã được vận chuyển từ Nga sang Ukraine và rút trở lại Nga sau thảm kịch lại không thể phát hiện được gì.

Mặc dù thực tế tầm nhìn của vệ tinh tình báo Mỹ có thể có hạn chế, nhưng không khó có thể phát hiện ra một hệ thống phòng không Buk cao tới 4,8 mét thường được gắn trên xe tải hoặc xe tăng. Hơn nữa, vụ việc lại xảy ra vào buổi chiều, điều đó có nghĩa là tầm nhìn không bị cản trở bởi bóng tối.

Vậy tại sao Mỹ lại không tiết lộ những gì họ phát hiện được? Lý giải cho điều này, ông Parry dẫn nguồn tin đáng tin cậy từng cung cấp cho ông nhiều thông tin chính xác trước đó cho biết, tình báo Mỹ không có chi tiết ảnh vệ tinh của hệ thống tên lửa đã gây ra vụ tấn công định mệnh, nhưng có thông tin rằng hệ thống tên lửa thực hiện vụ tấn công dường như nằm dưới sự kiểm soát của quân đội chính phủ Ukraine hoặc lực lượng mặc quân phục Ukraine.

Các nguồn tin cho biết, các nhà phân tích CIA vẫn không loại trừ khả năng phe ly khai giả mạo mặc đồng phục của lực lượng an ninh Ukraine, nhưng theo đánh giá ban đầu, nhiều khả năng đó là quân đội Ukraine.

Hệ thống Buk-M1.
Hệ thống Buk-M1.

Cũng có ý kiến cho rằng các binh sĩ thực hiện vụ tấn công trên trong tình trạng vô kỷ luật và có thể là đang say rượu vì hình ảnh cho thấy có những vật giống như chai bia nằm rải rác xung quanh hiện trường, nguồn tin cho biết thêm.

Nhà báo Parry cho biết, những thông tin chính quyền Kiev thu thập được cũng góp phần rất lớn trong việc làm sáng tỏ thảm kịch. Tuy nhiên, độ tin cậy trong các tuyên bố của chính phủ Kiev đã giảm mạnh theo sự lập lờ của họ về danh tính của các tay súng bắn tỉa nhắm mục tiêu vào cảnh sát tại Maidan trong cuộc biểu tình lật đổ chính phủ hồi tháng 2/2014.

Chính phủ Kiev cũng lừa tờ The New York Times (và dường như là Bộ Ngoại giao Mỹ) một cú ngoạn mục khi cung cấp cho tờ báo này các hình ảnh được cho là nhân viên quân sự Nga hiện diện trong lực lượng ly khai Ukraine. Nhưng sau đó, chúng lại được xác nhận là ảnh chụp tại Nga chứ không phải Ukraine khiến tờ báo hàng đầu của Mỹ trở thành chủ đề châm biếm một thời gian dài.

Ông Parry cho rằng một lần nữa, các hãng tin lớn của Mỹ, dẫn đầu là The Washington Post và The New York Times, lại tiếp tục đăng tải những bài báo cáo buộc Nga và lực lượng ly khai liên quan tới vụ bắn rơi MH17 dựa trên các nguồn tin không đáng tin cậy trong giới chức Ukraine.

Ông còn cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ là "kẻ xúi giục chính" trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 

Parry cho biết, sự cẩu thả của báo chí Mỹ đã dẫn đến cuộc tàn sát hàng loạt tại Iraq và góp phần vào sự xung đột giữa Mỹ với Syria và Iran. Nhưng không giống như Saddam Hussein, Bashar al-Assad, Ali Khamenei, lần này nước Mỹ đang đụng độ với Vladimir Putin - một chính trị gia mạnh mẽ hơn nhiều. Sự liều lĩnh này, theo Parry có thể đưa thế giới đến bối cảnh nguy hiểm hơn mà không ai có thể hình dung ra kết cục của nó./.

Nguyễn Hường