Tại sao chủ nghĩa dân tộc cực đoan TQ tác động lên Biển Đông khác hẳn Hoa Đông?

24/09/2015 14:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh vẫn có thể tạo ra mồi lửa oán giận cho đám đông dân chúng khi họ nói với người dân rằng Việt Nam hoặc Philippines "xâm phạm" (cái gọi là) vùng biển...

Giáo sư Allen R. Carlson từ đại học Cornell ngày 24/9 bình luận trên The Natinonal Interest về lý do tại sao chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc lại có những tác động khác hẳn nhau lên Biển Đông và Hoa Đông.

Nếu không may trượt vào một kỷ nguyên mới xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, chắc chắn một cuộc đối đầu sẽ xảy ra trên các vùng biển châu Á, nơi Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ yêu sách bành trướng lãnh thổ của họ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc thổi lên và nuôi dưỡng trong dân chúng để dễ bề điều khiển đám đông?
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc thổi lên và nuôi dưỡng trong dân chúng để dễ bề điều khiển đám đông?

Không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản, Việt Nam và Philippines kịch liệt phản đối những động thái bành trướng này. Cho đến nay Washington vẫn tránh để bị trực tiếp kéo vào một cuộc đối đầu như vậy. Nhưng Mỹ sẽ vấp phải khó khăn hơn nhiều nếu Washington không sẵn sàng tham gia.

Trong cả hai trường hợp Hoa Đông và Biển Đông, động lực chính của nguy cơ xung đột chính là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhưng nói như vậy chưa đủ và còn có thể gây hiểu nhầm.

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan không phải một đối tượng duy nhất ở Trung Quốc. Cách Bắc Kinh xác định quan hệ với các nước láng giềng châu Á cũng thay đổi đáng kể.

Có một nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay là chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc đối với Nhật Bản lại có tác dụng đóng băng cách tiếp cận của Bắc Kinh ở Hoa Đông. Ngược lại, ở Biển Đông nơi Trung Quốc ít bị đe dọa thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan yếu hơn nhưng lại có khả năng gây nguy hiểm hơn nhiều.

Rào cản xung đột ở Hoa Đông

Chính sách chống Nhật Bản là một nền tảng (mà các nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng để phát triển) chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc đương đại. Hiện rất khó có thể làm giảm tâm lý thù hằn chống Nhật Bản ở Trung Quốc.

Rất dễ nhận thấy điều này trong cuộc sống thường nhật tại quốc gia này, từ các cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu cho đến các chương trình thời sự, phim truyền hình liên tục tái hiện cảnh Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong quá khứ.

Điển hình cho tâm lý chống Nhật Bản ở Trung Quốc thể hiện ngay trong cuộc duyệt binh ngày 3/9 vừa qua khi Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II mà họ cho rằng Trung Quốc mới thực sự có công lớn và là người "chiến thắng".

Dư luận có xu hướng nghĩ rằng những trào lưu tâm lý chống Nhật leo cao như thế dễ làm bùng nổ mâu thuẫn Trung - Nhật xung quanh vấn đề chủ quyền nhóm đảo Senkaku ở Hoa Đông.

Tuy nhiên, trong những lúc quan hệ Trung - Nhật khủng hoảng nhất, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kiểm soát không để nổ ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nhật Bản. Chỉ một cái chết do đối đầu Trung - Nhật ở Hoa Đông có thể kích động một làn sóng phản ứng mất kiểm soát trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Nói cách khác, chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm vào Nhật Bản lại rất nguy hiểm và độc hại với chính Bắc Kinh.

Dường như Trung Nam Hải đã nhận thấy rằng, đối đầu trực tiếp với Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ hiện nay có thể gây ra quá nhiều rủi ro (với sự tồn tại của đảng Cộng sản Trung Quốc). Sau cuộc khủng hoảng Senkaku tháng 9/2012, quan hệ Trung - Nhật dù giá lạnh nhưng vẫn hòa dịu.

Bắc Kinh đã thực sự nản ở Hoa Đông bởi không thể kiểm soát được chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước.

Tâm lý thù hằn Nhật Bản đã trở nên thâm căn cố đế, mọi vật dụng có liên quan đến Nhật Bản cũng có thể trở thành đối tượng để dân Trung Quốc trút giận.
Tâm lý thù hằn Nhật Bản đã trở nên thâm căn cố đế, mọi vật dụng có liên quan đến Nhật Bản cũng có thể trở thành đối tượng để dân Trung Quốc trút giận.

Chính điều này làm cho tranh chấp Hoa Đông bị đóng băng, dù triển vọng hòa bình vĩnh viễn thì quá xa nhưng lại đóng băng được nguy cơ xung đột. Do đó trong trường hợp này, chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc lại đóng vai trò rào cản xung đột ở Hoa Đông, nguyên nhân tạo ra một tình trạng tương tự như "ổn định" trong khu vực Đông Á.

Thúc đẩy gây rối trên Biển Đông

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc cũng đã được bắc Kinh thiết lập đất sống trên Biển Đông và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bành trướng bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo. Tuy nhiên rõ ràng độ nhạy cảm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc ở Biển Đông thua xa Hoa Đông.

Nhưng Bắc Kinh vẫn có thể tạo ra mồi lửa oán giận cho đám đông dân chúng khi họ nói với người dân rằng Việt Nam hoặc Philippines "xâm phạm" (cái gọi là) vùng biển chủ quyền Trung Quốc. Việt Nam và Philippines rõ ràng là đối thủ yếu hơn nhiều so với Nhật Bản trong câu chuyện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Éo le thay, chính cái sự ít cực đoan hơn (của dân Trung Quốc) lại càng làm cho Biển Đông đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn nhiều hơn. Chỉ một cái chết của người Trung Quốc ở Biển Đông dù trong một cuộc đối đầu với Việt Nam hay Philippines cũng có thể làm tăng sự giận dữ của dân chúng Trung Quốc, nhưng không đến mức mất kiểm soát nội bộ như sự cố tương tự liên quan đến Nhật Bản.

Kết quả là các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể hỗ trợ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước bằng cách gây áp lực lớn hơn đối với Việt Nam và Philippines mà không phải lo ngại rủi ro mất kiểm soát gây ra bạo loạn trong nước. Bởi vậy Biển Đông trở nên nguy hiểm hơn và kém ổn định hơn so với Hoa Đông.

Giáo sư Carlson cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có ít mối lo ngại nguy cơ mất kiểm soát trong nước một khi nổ ra xung đột ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ chớp cơ hội với các chính sách leo thang cứng rắn nhằm vào Việt Nam và Philippines nếu có bất kỳ một sự cố nào đó bất ngờ hoặc có âm mưu kế hoạch trước xảy ra. Bởi lẽ đó Tập Cận Bình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho chiến lược mạo hiểm bành trướng trên Biển Đông.

Vì vậy, Mỹ không nên quá quan tâm vào nguy cơ đối đầu Trung - Nhật ở Hoa Đông, thay vào đó cần phải tập trung cao độ vào cục diện ngày càng mong manh hơn ở Biển Đông. Bất chấp những nguy hiểm và rủi ro, Mỹ vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng và kéo khu vực này khỏi bờ vực chiến tranh.

Hồng Thủy