Tại sao đầu năm nay Tập Cận Bình chọn đi đốc quân ở Vân Nam?

23/01/2015 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã thấy rõ "sự nguy hiểm" của một quân đội 30 năm không tham chiến đã gây ra sự kiêu ngạo, buông lỏng.
Ông Tập Cận Bình thăm hỏi úy lạo sĩ quan binh sĩ Tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam.
Ông Tập Cận Bình thăm hỏi úy lạo sĩ quan binh sĩ Tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam.

Đa Chiều ngày 22/1 đưa tin, chuyến rời kinh đô tuần du thị sát đầu năm 2015 của ông Tập Cận Bình đã lựa chọn Vân Nam làm đích đến. Sau khi thăm hỏi người dân vùng bị động đất, hôm 21/1 Tập Cận Bình đã tới thị sát lực lượng quân sự đóng tại Côn Minh. Tại đây ông Bình nhấn mạnh, các đơn vị này phải quán triệt tinh thần hội nghị công tác chính trị toàn quân, bảo đảm chắc chắn binh sĩ nghe đảng chỉ huy, thống nhất cao độ và củng cố sự trong sạch.

Lo lắng quân đội 30 năm không tham chiến, xóa bỏ tàn dư Bạc Hy Lai

Theo tờ Quân giải phóng Trung Quốc ngày 22/1, đây là chuyến thị sát quân đội đầu tiên của ông Tập Cận Bình, ông đã tới Bộ tư lệnh Tập đoàn quân 14 và một căn cứ tên lửa chiến lược. Sau khi nghe chỉ huy 2 đơn vị này báo cáo, Tập Cận Bình chỉ thị, phải kiên quyết xây dựng tốt từ cơ sở theo tinh thần chỉ thị nghị quyết của Trung ương, Quân ủy trung ương.

Đa Chiều bình luận, Vân Nam lâu nay là đất dụng võ của cha con Bạc Hy Lai. Tập đoàn quân 14 đóng tại Vân Nam vốn là thế lực ảnh hưởng của Bạc Nhất Ba, thân phụ ông Bạc Hy Lai. Đầu tháng 2/2012 khi xảy ra vụ việc Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, Bí thư Trùng Khánh khi đó là Bạc Hy Lai đang có mặt ở Tập đoàn quân 14 đã dấy lên nhiều suy đoán.

Chỉ trong 2 năm ngắn ngủi sau đó, Tập đoàn quân 14 đã 2 lần phải thay Tư lệnh, gây ra những chấn động không nhỏ đối với đơn vị này. Trước khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình cũng từng có nhiều năm giữ các trọng trách trong quân đội, từ thời làm thư ký riêng cho Cảnh Tiêu - Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã chứng kiến cảnh tham nhũng hủ hóa trong quân đội.

Có lẽ ở vị trí công tác của mình, Tập Cận Bình đã thấy rõ "sự nguy hiểm" của một quân đội 30 năm không tham chiến đã gây ra sự kiêu ngạo, buông lỏng. Ngay sau đại hội 18, chỉ trong vài tháng Tập Cận Bình đã đi thị sát 6 đại quân khu, binh chủng Tên lửa chiến lược, Cảnh sát vũ trang, đồng thời ban bố một loạt biện pháp thiết quân luật, từ cấm tiệc rượu cho đến đổi một loạt biển xe quân sự đến chiến dịch chống tham nhũng như vũ bão ngày nay.

Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai khi còn đương chức.
Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai khi còn đương chức.

Tính đến thời điểm hiện tại những con hổ lớn trong quân đội đã bị Tập Cận Bình công khai xử lý gồm Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Cốc Tuấn Sơn - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Dương Kim Sơn - Phó Tư lệnh quân khu Thành Đô vì tội lạm dụng chức vụ, mua quan bán chức. Có thể thấy cường độ "chỉnh quân" của ông Tập Cận Bình là không hề nhỏ.

Chỉ sau một năm siết chặt kỷ cương quân đội, tính đến tháng 2/2014 Tập Cận Bình đã buộc các sĩ quan phải trả lại 27000 căn hộ vượt tiêu chuẩn, giảm 29 ngàn xe công vụ, cắt 25 ngàn biển xe quân sự, chi phí tiêu hao hành chính các đơn vị cấp quân đoàn giảm 48%.

Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền suốt 10 năm trời quân đội Trung Quốc nằm trong tay Từ Tài Hậu - Quách Bá Hùng, ảnh hưởng và chân rết của 2 viên tướng này được cho là "thâm căn cố đế", khó có thể một sớm một chiều mà dọn cho sạch. Mặc dù gần đây đã rộ lên tin đồn sẽ bắt tiếp Quách Bá Hùng, việc công bố chính thức điều tra viên cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương này chỉ trong sớm tối nhưng vẫn có quan điểm cho rằng hiện tại chưa phải lúc.

Công khai bắt Quách Bá Hùng lúc này có thể gây chấn động toàn quân

Chỉ mỗi việc loại bỏ tàn dư ảnh hưởng của Từ Tài Hậu trong quân đội, ông Bình đã cần ít nhất 1 năm. Trong khi số vị trí nhân sự lãnh đạo chỉ huy các đơn vị phải điều chỉnh quá rộng, thậm chí gần đây hoạt động điểu chính nhân sự quy mô lớn đã gây ra tình trạng "không dám dùng người". Nên lúc này nếu quyết định bắt Quách Bá Hùng thì trước tiên nên bí mật, đợi dọn sạch ảnh hưởng tàn dư của Từ Tài Hậu mới nên công bố, Đa Chiều bình luận.

Quách Bá Hùng (giữa) chụp ảnh với 2 cha con nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Quách Bá Hùng (giữa) chụp ảnh với 2 cha con nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Hôm 20/1 vừa qua tờ Quân giải phóng Trung Quốc lại đăng "tâm thư" của lãnh đạo chỉ huy 7 đại quân khu bày tỏ lòng trung thành, ủng hộ hết mình đối với ông Tập Cận Bình. Thậm chí Sái Anh Đĩnh, Tư lệnh đại quân khu Nam Kinh còn lớn tiếng chỉ trích Từ Tài Hậu là đại gian thần trong quân đội Trung Quốc đương đại với nhiều từ ngữ mang tính mạt sát. Tuy nhiên "tâm thư" của các tướng lĩnh hàng đầu cùng các chỉ thị của Quân ủy trung ương, Tổng cục Chính trị quân đội Trung Quốc cho thấy trọng tâm công việc năm 2015 vẫn là dọn sạch tàn dư của Từ Tài Hậu.

Có thể thấy dự kiến triển khai cuộc chiến loại bỏ tàn dư Từ Tài Hậu kéo dài cả năm 2015, nếu lại bắt thêm Quách Bá Hùng thì tác động tâm lý đối với đội ngũ sĩ quan cũng như binh lính Trung Quốc là không thể tưởng tượng nổi, Đa Chiều bình luận. Riêng việc điều chỉnh nhân sự cấp cao các đơn vị chủ lực cuối năm 2014, đầu năm 2015 đã có ít nhất 44 tướng lĩnh hàng đầu bị luân chuyển, thay thế, đề bạt các tướng trẻ nhằm thay dần tay chân của Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng.

Quay trở lại với nhân sự Tập đoàn quân 14, Thạch Hiểu là một ví dụ cho thấy quá trình điều chỉnh nhân sự xoay như chong chóng cũng có vấn đề. Tướng Hiểu khi đang là Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn quân 14 thì năm 2008 bị điều về quân khu Thành Đô, tháng 3/2014 quay trở lại Vân Nam làm Chính ủy quân khu tỉnh. Chưa được nửa năm, đến tháng 12/2014 Thạch Hiểu lại bị điều sang làm Phó Chính ủy đại quân hu Lan Châu. Thời gian công tác cưỡi ngựa xem hoa như vậy dù là vì liên quan đến Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai hay chỉ luân chuyển thuần túy cũng đều ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tướng sĩ.

Hồng Thủy