"Tâm lý chiến là cách đối phó hiệu quả với Triều Tiên"

27/08/2015 14:09
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hàn Quốc nên sử dụng chương trình tuyên truyền một cách khôn ngoan khi đàm phán với Bình Nhưỡng nếu xảy ra các hành động khiêu khích trong tương lai.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 27/8 đưa tin cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đang đánh giá lại sức mạnh quân sự và kế hoạch hành động của Triều Tiên dựa trên việc triển khai quân đội và vũ khí của nước này trong thời gian diễn ra vụ căng thẳng xuyên biên giới mới nhất.

Tờ Chosun dẫn nguồn tin quân sự cho biết: "Gần đây đã có một cơ hội để nhìn vào một phần của kế hoạch và sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên". Do đó, giới chức quân sự Hàn Quốc muốn cải thiện cách đánh giá hiện tại về quân đội và sức mạnh của Triều Tiên xem có bị quá cao hay quá thấp hay không.

Sự cố vừa qua cho thấy quân đội Mỹ-Hàn Quốc có thể phát triển chiến tranh tâm lý chống lại Triều Tiên thông qua hệ thống loa phát thanh. Ảnh Yonhap
Sự cố vừa qua cho thấy quân đội Mỹ-Hàn Quốc có thể phát triển chiến tranh tâm lý chống lại Triều Tiên thông qua hệ thống loa phát thanh. Ảnh Yonhap

​Theo đánh giá của quân đội Hàn Quốc, sự kiện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vừa qua cho thấy một số bộ phận của quân đội Triều Tiên đã thể hiện khả năng có thể huy động cao hơn so với dự kiến, nhưng phục vụ cho chiến tranh toàn diện là không đủ.

Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng dường như đang quan tâm tới chiến lược ngắn hạn hơn là chiến lược dài hạn cho một cuộc chiến tranh toàn diện. 

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc thừa nhận rằng để đánh giá được toàn diện khả năng chiến tranh của Triều Tiên là không thể vì đội quân 1,02 triệu người, 4.300 xe tăng, và 820 máy bay chiến đấu của Bình Nhưỡng vẫn không có bất cứ chuyển động bất thường nào trong sự kiện vừa qua.

Triều Tiên sở hữu lực lượng pháo binh áp đảo so với quân đội Hàn Quốc, trong đó có khoảng 8.600 khẩu pháo và 5.500 rocket đa nòng. Nhưng trong sự cố vừa qua, Bình Nhưỡng đã không huy động pháo tầm xa có thể đe dọa các khu vực đô thị như Seoul mà chỉ sử dụng pháo cỡ nòng 76,2 mm bắn vào khu DMZ và loa phóng thanh Hàn Quốc.

Giáo sư Kim Yeol-su của Đại học Sungshin Women cũng thừa nhận rằng phía Hàn Quốc chưa từng thực sự có cơ hội để hoàn toàn nắm bắt sức mạnh quân sự của Triều Tiên. 

Ông Kim đã dành nhiều lời ca ngợi cho hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên. Trong đợt căng thẳng vừa qua, Triều Tiên đã huy động khoảng 50 trong tổng số 70 tàu ngầm của nước này ra khỏi căn cứ, nhưng quân đội Hàn Quốc đã không thể định vị được vị trí của chúng. 

Theo ông Kim, nếu tất cả những chiếc tàu ngầm này đã trở lại căn cứ chứ không phải đang ẩn trong hang động dưới nước mà quân đội Hàn Quốc không biết, thì đó sẽ là một khả năng xuất kích tốt hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến có thể làm được.

Liệu có phải chỉ cần dựa vào loa tuyên truyền là có thể ép được Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán và thỏa hiệp? Ảnh Yonhap
Liệu có phải chỉ cần dựa vào loa tuyên truyền là có thể ép được Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán và thỏa hiệp? Ảnh Yonhap

Chosun Ilbo lưu ý, quân đội Hàn Quốc-Mỹ không xem xét thay đổi kế hoạch hoạt động quân sự của mình chỉ dựa trên các thông tin trên.

Theo nguồn tin của Chosun, sự cố vừa qua cho thấy quân đội Mỹ-Hàn Quốc có thể phát triển chiến tranh tâm lý chống lại Triều Tiên thông qua hệ thống loa phát thanh.

Nguồn tin này nói rằng loa phát thanh có thể là một vũ khí chiến lược bất đối xứng, nhưng có thể phát triển sức mạnh không đối xứng này để đối phó với Bình Nhưỡng.  

Lập trường này cũng đã nhận được sự ủng hộ của David Eunpyoung Jee, tác giả bài viết được Diplomat hôm 26/8 đăng tải. Ông Jeee cho rằng việc Bình Nhưỡng bày tỏ hối tiếc về vụ nổ mìn trên biên giới để đổi lấy việc Hàn Quốc dừng phát thanh chương trình tuyên truyền cho thấy Triều Tiên rất sợ loại vũ khí tâm lý này.

Các chương trình phát sóng tuyên truyền có chứa nội dung nhạy cảm nghiêm trọng có thể làm giảm tinh thần chiến đấu của quân đội Triều Tiên như: các bài hát K-pop, tin tức từ khắp nơi trên thế giới, và quan trọng nhất là những tin tức từ Seoul. 

Khi được tiếp xúc với những thông tin bên ngoài qua sự tuyên truyền của Hàn Quốc, binh sĩ Triều Tiên sẽ đặt ra những câu hỏi và sự so sánh giữa đất nước của họ với thế giới bên ngoài, lòng trung thành với chính phủ hiện nay sẽ bị lung lay.

Theo ông Jee, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu hợp tác Triều Tiên thuộc Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh châu Mỹ mới, Hàn Quốc nên sử dụng chương trình tuyên truyền này một cách khôn ngoan khi đàm phán với Bình Nhưỡng nếu xảy ra các hành động khiêu khích trong tương lai. 

Nếu Bình Nhưỡng lặp lại hành động khiêu khích, Seoul nên sử dụng chương trình phát thanh tuyên truyền sâu rộng hơn trong nhiều lĩnh vực để đối phó.

Sau nhiều thập kỷ, Hàn Quốc đã tìm thấy biện pháp hiệu quả ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Và giờ đây, Triều Tiên nên hiểu rằng những hành động khiêu khích của họ sẽ tạo cơ hội cho Hàn Quốc khám phá thêm các biện pháp đáp trả mới, ông nhấn mạnh.

Ông Jee từng là một sĩ quan quân đội tại Lực lượng Tên lửa Quân sự ROK và Trung tâm Hoạt động của Bộ Tham mưu Hàn Quốc. 

Nguyễn Hường