Tầm nhìn Franklin Roosevelt đang bị tham vọng Trung Nam Hải phủ nhận?

03/09/2016 09:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Roosevelt cũng không thể ngờ, tầm nhìn và thiện chí của mình ngày nay đang bị Trung Nam Hải phủ nhận. Tham vọng của chính quyền Trung Quốc ngày nay đã vượt...

The Straits Times ngày 3/9 đăng bài bình luận của bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc với tiêu đề: "Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành nhau những gì ở Biển Đông?" Bà Oánh viết:

"Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp gặp nhau ở Hàng Châu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20, nhiều người muốn biết liệu sự khác biệt trên Biển Đông có làm mờ quan hệ song phương hay không.

Câu hỏi đặt ra là, hai quốc gia chính xác đang cạnh tranh những gì trong khu vực? Và quan trọng hơn, họ có thể tìm thấy một cách tiếp cận hai bên chấp nhận được để có thể di chuyển về phía trước hay không?

Mỹ tuyên bố rằng lợi ích của mình ở Biển Đông là đảm bảo tự do hàng hải. Thật vậy, tuyến đường hàng hải quan trọng chạy qua khu vực này và giữ cho chúng luôn thông suốt là điều quan trọng đối với tất cả các nước.

Trung Quốc, một cường quốc thương mại lớn trên toàn cầu, cũng gắn với tầm quan trọng của tự do hàng hải không kém gì Hoa Kỳ, thậm chí còn hơn Mỹ.

Tuy nhiên rõ ràng đó không phải là tất cả những gì nước Mỹ đang lo ngại. Lo lắng chủ yếu của Mỹ về tự do hàng hải là bảo vệ cho các tàu hải quân và các tàu phi thương mại khác.

Bà Phó Oánh, ảnh: asiamedia.lmu.edu.
Bà Phó Oánh, ảnh: asiamedia.lmu.edu.

Ở đây phải thừa nhận rằng, có một khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc diễn giải các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), cũng như những quy tắc khác trong tập quán của luật pháp quốc tế.

Đặc biệt là hai bên có quan điểm khác nhau về các hoạt động quân sự được phép trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, hay còn gọi là EEZ.

Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển, coi trọng chủ quyền và an ninh quốc gia. Trung Quốc cho rằng, theo UNCLOS thì các nguyên tắc tự do hàng hải không nên được sử dụng để phá hoại an ninh của quốc gia ven biển.

Mặt khác Mỹ là một cường quốc hàng hải toàn cầu, có truyền thống tin rằng quân đội có quyền tự do tuyệt đối về hàng hải trong EEZ của nước khác, kể cả hoạt động khảo sát hải dương học, giám sát và các bài tập quân sự.

Hiện tại đơn giản là không có tranh chấp nào về tự do hàng hải đối với các tàu thương mại trên Biển Đông, không có lý do gì để hai bên không tìm ra một cách quản lý sự khác biệt khôn ngoan trong quy chế cho các tàu hải quân.

Những gì Mỹ thực sự muốn thực ra vượt ra ngoài những cái Mỹ bày tỏ quan ngại. Trong thực tế, họ xem ma sát với Trung Quốc từ góc độ địa chiến lược, nhìn những tranh chấp ở Biển Đông như là một thử nghiệm về sức mạnh nào sẽ chiếm ưu thế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Kể từ khi các nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu nói về một trục hoặc chính sách tái cân bằng sang châu Á, họ đã làm việc theo giả định rằng một Trung Quốc mạnh hơn chắc chắn sẽ theo đuổi chủ nghĩa bành trướng, và do đó cần phải phản đối.

Trong bối cảnh này, bất kỳ động thái nào của Trung Quốc tự nhiên đều trông giống như một nỗ lực để làm suy yếu tính ưu việt của Mỹ trong khu vực.

Đồng thời những hùng biện và hoạt động có mục tiêu rõ ràng của Mỹ nhằm vào Trung Quốc đang kích hoạt một phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Với một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, nguy cơ căng thẳng leo thang thậm chí trở thành xung đột đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Phán quyết Trọng tài gần đây trong vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS) ở Biển Đông đã dấy lên những phản ứng hùng biện mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Phản ứng đó không phải là chống lại UNCLOS hay phán quyết với tư cách một phương tiện giải quyết tranh chấp, mà chỉ đơn giản là phản ứng với cách tòa án đặc biệt này được lựa chọn và ra phán quyết, điều đã được coi là một sự lạm dụng quyền lực.

Tầm nhìn Franklin Roosevelt đang bị tham vọng Trung Nam Hải phủ nhận? ảnh 2

Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh

(GDVN) - 1,3 tỉ dân Trung Quốc không thiếu nhân tài cương trực, chỉ tiếc rằng những tiếng nói của họ chưa đến được với ông Tập Cận Bình bởi chính rào cản từ bộ máy.

Hy vọng rằng với những cuộc tranh luận gay gắt về phán quyết của tòa án, người dân ở khu vực này sẽ thấy sự khôn ngoan để xử lý vấn đề thông qua đối thoại thân thiện chứ không phải là phương tiện đối đầu.

Các quốc gia xung quanh Biển Đông chắc chắn biết rất rõ rằng, sự căng thẳng đang ngăn cản con đường hội nhập khu vực và hợp tác kinh tế và chẳng ai có lợi.

Gần đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bổ nhiệm cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên tới Trung Quốc trong chuyến đi phá băng.

Khi tôi được mời gặp ông Ramos ở Hồng Kông với tư cách cá nhân, tôi cảm nhận rõ sự sẵn sàng của chính quyền mới ở Philippines muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Trung Quốc và Philippines là hai quốc gia châu Á. Tôi tin rằng miễn là có lòng tin, không có gì quá tầm tay để chúng tôi khôi phục mối quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Cho dù Biển Đông vẫn yên bình, tuy nhiên sự yên bình ấy phần lớn phụ thuộc vào cách Mỹ và Trung Quốc chọn để tương tác với nhau. 

Cụ thể khi chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc được coi là mâu thuẫn vơi những gì Mỹ coi là lợi ích quốc gia cốt lõi của họ, điều quan trọng là hai nước hiểu chính xác tình hình, nắm rõ nguyên tắc, tìm ra góc độ thích hợp để đánh giá quan điểm của phía bên kia.

Đó là không gian để Trung Quốc và Mỹ quản lý mối quan hệ của mình tốt hơn. Mỹ thiếu kinh nghiệm trong việc ứng phó với sức mạnh không phải là đồng minh hay kẻ thù, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ tương tác với siêu cường thế giới từ góc độ của một siêu cường.

Cả hai bên vẫn đang khám phá, những gì họ nói và làm sẽ định hình các ý kiến và hành động của nhau. Cả hai bên đều cần từ tốn, tiếp tục học hỏi và đơn giản để tránh dùng đến những niềm tin, hành vi cũ.

Biển Đông quá rộng để có thể kiểm soát bởi bất kỳ quốc gia duy nhất nào. Bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng một không gian độc quyền ảnh hưởng đều có thể dẫn đến khả năng đối đầu và thậm chí là xung đột quân sự.

Cách duy nhất là tìm kiếm khả năng cùng chung sống, hài hòa tổng thể của quyền lực, quyền lợi và nguyên tắc.

Trung Quốc là quốc gia ven biển lớn nhất giáp Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và kiểm soát một số hòn đảo, rặng san hô ở đó.

Trung Quốc được hưởng các quyền lợi hàng hải hợp pháp trong khu vực là điều công bằng. Mỹ nên tôn trọng những điều này và không nên cản trở những nỗ lực của Trung Quốc và các nước láng giềng để tìm cách giải quyết hòa bình các khác biệt giữa họ.

Trong khi đó Trung Quốc và Mỹ phải tiếp tục theo đuổi các cuộc đối thoại có ý nghĩa, dựa trên một cam kết chung để đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và truy cập các tuyến hàng hải ở Biển Đông mà không bị cản trở.

Cách tốt nhất để giải quyết những khác biệt về quy tắc hàng hải là bằng cách nói chuyện với nhau, thay vì diễn trò hay nắn gân nhau bằng các lực lượng quân sự.

Tầm nhìn Franklin Roosevelt đang bị tham vọng Trung Nam Hải phủ nhận? ảnh 3

"Trung Quốc không thể từ bỏ yêu sách sau một đêm, cần thời gian để thay đổi"

(GDVN) - Nên tạo không gian cho Trung Quốc chấp nhận phán quyết một cách dần dần theo thời gian, thông qua một quá trình phát triển các chuẩn mực mới.

Một mối quan tâm liên tục khiến Hoa Kỳ cảm thấy khó khăn là việc Trung Quốc đang cố gắng để thay thế họ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Tuy nhiên những gì Mỹ phấn đấu để giữ gìn là một trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, dựa trên các giá trị Mỹ, cấu trúc liên minh quân sự toàn cầu và mạng lưới các tổ chức quốc tế tập trung vào Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc bị loại trừ khỏi trật tự này trong ít nhất là 2 khía cạnh: Thứ nhất, Trung Quốc đang bị tẩy chay vì có một hệ thống chính trị khác; Thứ hai, bố trí phòng thủ tập thể của Mỹ không bao gồm lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Nên để Trung Quốc và Mỹ tránh được cái bẫy của một cuộc đối đầu trực diện giữa một cường quốc đang lên và một sức mạnh hiện có, họ sẽ cần phải tạo ra một khái niệm mới toàn diện hơn, có thể chứa các lợi ích và mối quan tâm của tất cả các nước, cung cấp một mái nhà chung cho tất cả.

Đối với Trung Quốc, chúng tôi phải làm cho thế giới hiểu rõ hơn về mình là điều bắt buộc. Trung Quốc đã phát triển từ một quốc gia nghèo thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong gần 30 năm qua.

Hiện đại hóa đất nước đã được rút ngắn với mức độ chưa từng có trước đây. Tuy nhiên việc "nén" sự tiến bộ trong tư duy và ngôn ngữ không dễ dàng như vậy.

Chúng tôi ở Trung Quốc phải nâng cao ý tưởng và cách suy nghĩ của mình nhanh hơn, hình thành một tầm nhìn quốc tế rộng lớn hơn với các phương thức hiệu quả hơn trong biểu hiện, hành vi.

Bằng cách này, phần còn lại của thế giới sẽ có thể đánh giá cao hơn về văn hóa của chúng tôi, và lý do tại sao chúng tôi nói và hành động như những gì chúng tôi đang làm.

Điều này cũng sẽ giúp họ hiểu rõ mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới, nơi Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu." [1]

Ngụy biện, xảo ngôn không giúp gì cho hình ảnh Trung Quốc trên toàn cầu

Người viết cho rằng bà Phó Oánh là một nhà ngoại giao có tài của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên bà được giao viết bài vận động "dư luận chiến" về Biển Đông trước thềm G-20.

Trước khi Tòa Trọng tài công bố Phán quyết Trọng tài của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7, bà Phó Oánh và ông Ngô Sĩ Tồn cũng "liên thủ" viết một bài khá dài thanh minh về lập trường của Trung Quốc, tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền bành trướng ở Biển Đông.

Mới đây, cũng chính bà Phó Oánh và ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Hải Nam, Trung Quốc cũng được Trung Nam Hải tin tưởng giao nhiệm vụ gặp gỡ đặc sứ Tổng thống Philippines, ông Fidel Ramos tại Hồng Kông.

Những gì bà Oánh trình bày về cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông, trong đó có việc ứng dụng, giải thích UNCLOS về hoạt động của tàu chiến trong phạm vi EEZ nước khác người viết xin không bàn ở đây.

Tuy nhiên, có một số nội dung liên quan đến luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS ở Biển Đông, Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 mà bà Oánh đề cập người viết nhận thấy có những sự ngụy biện, xảo ngôn cần phải làm rõ.

Thứ nhất, ngay cả vấn đề hoạt động của tàu quân sự trong phạm vi 200 hải lý EEZ mà bà Oánh đưa ra cũng phải được xem xét trong bối cảnh cụ thể, phạm vi cụ thể.

Tầm nhìn Franklin Roosevelt đang bị tham vọng Trung Nam Hải phủ nhận? ảnh 4

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập

(GDVN) - "Tiêu chuẩn kép" từ lâu vẫn tồn tại như một cách hành xử khôn lỏi của một số nước lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột, chiến tranh.

Ví dụ 200 EEZ của đảo Hải Nam hay đất liền Trung Quốc thành lập theo UNCLOS và không chồng lấn với quốc gia khác thì chẳng nói làm gì. Đó là chuyện riêng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhưng nếu cái gọi là EEZ mà Trung Quốc "yêu sách" có thể bao gồm cả khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thì chưa nói đến mặt chủ quyền, ngay việc áp dụng UNCLOS đã hoàn toàn sai trái và không có hiệu lực.

Bản thân 2 quần đảo này không thể tạo ra một vùng biển chung, đồng thời không có thực thể nào trong 2 quần đảo này đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý EEZ cho một đảo, theo Điều 121, UNCLOS.

Nếu bà Oánh muốn ám chỉ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực Trường Sa, xung quanh một số thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp và bồi lấp thành đảo nhân tạo, thì Mỹ không sai so với quy định của UNCLOS.

Thứ hai, bà Oánh nói Trung Quốc phản ứng chống lại Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 không có nghĩa là chống lại UNCLOS là kiểu ngụy biện, lấp liếm không thể chấp nhận được.

Bởi lẽ Hội đồng Trọng tài được thành lập một cách hợp pháp, đúng quy định trong Phụ lục VII, UNCLOS để xử lý tranh chấp về giải thích, ứng dụng Công ước giữa các thành viên UNCLOS, bất luận bên bị kiện có tham gia hay không.

Về quy trình thành lập Tòa và quá trình lựa chọn 5 Trọng tài viên, Trung Quốc từ chối tham gia và nghiễm nhiên từ bỏ quyền lợi hợp pháp của mình, điều đó không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài.

Thứ ba, bà Oánh lặp lại quan điểm của Trung Quốc về đàm phán trực tiếp mà phớt lờ vai trò của cơ quan tài phán quốc tế là một thủ đoạn chính trị nhằm cô lập các nước nhỏ. Bởi lẽ Philippines đã theo đuổi đàm phán trực tiếp với Trung Quốc 18 năm không có kết quả.

Một ví dụ điển hình nữa là từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách câu giờ, trì hoãn việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mặc dù ASEAN đã sẵn sàng và liên tục hối thúc.

Thứ tư, những tranh cãi hay phản ứng của Trung Quốc không làm thay đổi suy nghĩ, lập trường thượng tôn pháp luật của khu vực và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông. Phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hoa Kỳ vừa qua về Phán quyết Trọng tài là ví dụ cụ thể nhất.

Ngay cả việc Philippines sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc không có nghĩa là sẽ làm giảm giá trị và hiệu lực của Phán quyết Trọng tài.

Hôm qua 2/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố với báo giới, nước ông sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, nhưng phải trên cơ sở Phán quyết Trọng tài hôm 12/7. [2]

Thứ năm, cái gọi là chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Biển Đông là do nước này tự nhận và tìm kiếm thông qua hành động chiếm đoạt bằng vũ lực đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong các năm 1956, 1974, 1988, 1995 và nó không có giá trị trong luật pháp quốc tế.

Thứ sáu, bà Oánh cổ súy cho lập trường "chia đôi Thái Bình Dương" với Hoa Kỳ mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra. Trong khi để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc đã dựa vào hòa bình và ổn định, trật tự quốc tế sau Chiến tranh thế giới II mà Mỹ là nước đang bảo vệ.

Nay đủ lông đủ cánh, Trung Quốc muốn đập bỏ trật tự quốc tế đa cực hiện tại để xưng hùng xưng bá toàn cầu và gây ra không ít căng thẳng trong khu vực.

Bà Oánh muốn biện bạch cho âm mưu thống trị toàn cầu của Trung Quốc bằng lập luận, trật tự hiện nay do Mỹ dẫn đầu, bảo vệ các giá trị Mỹ và Trung Quốc không có phần, Trung Quốc bị gạt ra khỏi trật tự hiện hành.

Nhưng thực tế thì sao? Ngay khi Mỹ bắt đầu tham gia Chiến tranh Thế giới II từ khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng năm 1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đã bắt đầu suy ngẫm về trật tự toàn cầu sau chiến tranh.

Ông biết rằng, để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài cho nhân loại sẽ là thử thách sau chiến thắng của Thế chiến II. Để hiện thực hóa tầm nhìn, Tổng thống Franklin Roosevelt đã phải chia sẻ con đường với Winston Churchill và Joseph Stanlin.

Trọng tâm của trật tự thế giới mới Roosevelt xây dựng là một hội đồng toàn cầu cải cách, ủy thác của kẻ mạnh. 4 cường quốc lớn sẽ tạo nên cơ chế này để bảo đảm cho nền hòa bình, ổn định lâu dài trên thế giới.

Roosevelt đã có một lựa chọn đáng ngạc nhiên, đó là ngoài Mỹ, Liên Xô và Anh thì Trung Quốc đã lọt vào tầm nhìn của ông ngay từ thời điểm phần lớn lãnh thổ nước này còn bị quân đội Nhật chiếm đóng và nội chiến Quốc - Cộng.

Churchill nghi ngờ và chế nhạo kế hoạch này của Roosevelt, nổi giận với đề nghị của Rossevelt rằng Anh hãy trả Hồng Kông cho Trung Quốc, và sau đó quốc tế hóa nó thành một cảng tự do.

Joseph Stalin cũng chia sẻ suy nghĩ này của Churchill. Ông nhận xét rằng, người châu Âu sẽ bực bội nếu Trung Quốc nói với họ về những gì họ phải làm. Nhưng Roosevelt vẫn giải thích, Trung Quốc yếu lúc đó thôi, nhưng sẽ trở thành cường quốc sau 30 đến 50 năm.

Trật tự toàn cầu trong tương lai sẽ an toàn hơn với Trung Quốc là một thành viên cốt lõi hơn là để Trung Quốc như một kẻ ngoài cuộc. 

Chính nhờ có Franklin Roosevelt can thiệp mạnh mẽ, đoàn Trung Quốc mới được tham gia cùng Mỹ, Anh và Liên Xô soạn thảo kế hoạch xây dựng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an tại Dumbarton Oaks, Washington năm 1944. [3]

Nhưng có lẽ cụ Roosevelt cũng không thể ngờ, tầm nhìn và thiện chí của mình ngày nay đang bị Trung Nam Hải phủ nhận. Tham vọng của chính quyền Trung Quốc ngày nay đã vượt qua cả dự báo, nỗ lực xây dựng "tứ cường", "ngũ cường" của Roosevelt bảo đảm hòa bình cho nhân loại, để trở thành bá chủ toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/opinion/what-the-us-and-china-are-fighting-over-in-south-china-sea

[2]http://www.wsj.com/articles/philippines-duterte-says-arbitration-ruling-to-be-basis-of-south-china-sea-talks-1472822919

[3]http://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/1999152/what-roosevelt-got-right-about-china-70-years-ago

Hồng Thủy