"Tập Cận Bình đã sẵn sàng cho 1 đến 2 cuộc chiến tranh"

05/06/2014 14:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã một lần nữa chứng minh rằng ông là một đối thủ khó nhằn, và "nếu bị khiêu khích", ông thực sự có thể tiến hành 1 hoặc 2 cuộc chiến tranh.
Theo Đa Chiều, ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng cho 1 đến 2 cuộc chiến nhỏ nhằm khẳng định vị thế của Trung Quốc và thực hiện cái ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa".
Theo Đa Chiều, ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng cho 1 đến 2 cuộc chiến nhỏ nhằm khẳng định vị thế của Trung Quốc và thực hiện cái ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa".

Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 5/6 dẫn phân tích của tờ Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại bình luận, Chủ tịch nước Trung Quốc ông Tập Cận Bình có thể sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh để tái khẳng định vị thế của Bắc Kinh trong khu vực.

Căng thẳng đã bùng lên một lần nữa giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin (CICA) lần thứ 4 tại Thượng Hải hôm 20, 21/5 và Đối thoại Shangri-la từ 30/5 đến 1/6 tại Singapore.

Trong hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh sẽ đưa ra một thông cáo chung lên án những nỗ lực của Trung Quốc hòng thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế tránh gây bất ổn trong khu vực.

Đa Chiều cho rằng đây sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Mỹ muốn làm rõ chính sách châu Á - Thái Bình Dương của mình vẫn không thay đổi và Hoa Kỳ vẫn giữ quyền kiểm soát trên Thái Bình Dương cũng như thế giới. Trung Quốc dù ngạc nhiên với những diễn biến này, nhưng đang chuẩn bị để phản ứng lại.

Kể từ khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã tiến hành một loạt các chuyến thăm viếng ngoại giao và tham dự các hội nghị thượng đỉnh để phát triển vị thế quốc tế mới cho Trung Quốc. Với đề xuất xây dựng cấu trúc an ninh mới ông đưa ra tại CICA vừa qua, các nỗ lực hợp tác của Bắc Kinh và Moscow trong xây dựng một trật tự thay thế rõ ràng cho thấy thời kỳ bị động và tự vệ đã qua.

Thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc đã làm khác với tư duy ngoại giao truyền thống và xác định lại việc Trung Quốc cần phải thích ứng với vai trò của một siêu cường đang lên.

Tập Cận Bình đã tự đặt ra cho mình 2 mục tiêu tham vọng, đó là khiến cho mọi người dân Trung Quốc sẽ có cuộc sống khá giả vào năm 2020 và xây dựng Trung Quốc thành đất nước "dân chủ hiện đại" vào năm 2049. Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc cần phải tránh xung đột, mặc dù căng thẳng gần đây với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản vẫn đang trỏ đến một cuộc chiến bất ngờ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 làm thay đổi cục diện bàn cờ chính trị quốc tế. Theo Đa Chiều, đường lối đối ngoại của Mao Trạch Đông ban đầu là cùng Liên Xô chống Mỹ, sau đó lại quay sang chơi với Mỹ chống Liên Xô và cuối cùng là chống lại cả hai.
Cuộc gặp lịch sử giữa Mao Trạch Đông và Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 làm thay đổi cục diện bàn cờ chính trị quốc tế. Theo Đa Chiều, đường lối đối ngoại của Mao Trạch Đông ban đầu là cùng Liên Xô chống Mỹ, sau đó lại quay sang chơi với Mỹ chống Liên Xô và cuối cùng là chống lại cả hai.

Tư tưởng ngoại giao của Mao Trạch Đông ban đầu là liên minh với Liên Xô chống Mỹ, sau lại chơi với Mỹ để chống Liên Xô, cuối cùng là tham gia vào "thế giới thứ 3" chống lại cả Hoa Kỳ và Liên Xô.

Ban đầu Đặng Tiểu Bình cũng theo chính sách của Mao Trạch Đông chống Hoa Kỳ và Liên Xô, nhưng từ hội nghị trung ương 3 khóa 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã thay đổi đường lối lãnh đạo Trung Quốc từ đấu tranh giai cấp sang phát triển kinh tế và cải cách. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cũng theo xu hướng này. Từ năm 1982, Trung Quốc đã tránh xa những liên minh, ưa thích sự độc lập để phát triển quan hệ với các nước láng giềng.

Các khái niệm về an ninh châu Á tại Trung Quốc dần thay đổi theo thời gian. Khi Giang Trạch Dân lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã tập trung vào hợp tác khu vực, an ninh và lợi ích chung. Vào giữa những năm 1990, Giang Trạch Dân nỗ lực rất lớn để thúc đẩy các kênh đối thoại, hợp tác tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Chiến lược này được tiếp tục dưới thời Hồ Cẩm Đào với quan điểm "cùng hội cùng thuyền" mà ông phát biểu tại kỳ họp đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 64, năm 2009.

Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại CICA vừa qua theo truyền thống của các biện pháp an ninh "kiểu Trung Quốc". Con đường tơ lụa trên biển mà ông đề xuất được hiểu rằng, nó không chỉ là động lực kinh tế mà còn là chiến lược, phù hợp với tư duy truyền thống của các hoàng đế Trung Hoa là "bảo vệ chư hầu, cả về kinh tế và quân sự". Và tất nhiên, chẳng quốc gia nào muốn làm một "chư hầu" của Trung Quốc để nhận sự "bảo hộ" của "hoàng đế Trung Hoa" cả (PV)!

Thời cổ đại, Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc tranh luận về cách cai trị tốt nhất của hoàng đế. Mô hình Nho giáo ca ngợi một hoàng đế vị tha nhưng thực dụng, vừa là người "có đạo đức", nhưng vẫn luôn để ý đến lợi ích kinh tế trong tâm trí.

Mặc dù trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn nhấn mạnh đến hòa bình, chính sách ngoại giao thực tế của họ đã "tích cực hơn" kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền (Tập Cận Bình phát biểu mới đây, "không có gen xâm lược trong máu người Trung Quốc"). Ông Bình nhiều lần nói rằng lợi ích quốc gia của Trung Quốc không cho phép bất cứ ai xâm phạm.

Ví dụ rõ ràng nhất là việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông ngày 23/11/2013 bao gồm quần đảo Senkaku hiện Nhật Bản đang kiểm soát.

Tập Cận Bình cùng các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc thị sát một cuộc tập trận quân sự ở Tân Cương.
Tập Cận Bình cùng các quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc thị sát một cuộc tập trận quân sự ở Tân Cương.

Tập Cận Bình đã một lần nữa chứng minh rằng ông là một đối thủ khó nhằn, và "nếu bị khiêu khích", ông thực sự có thể tiến hành 1 hoặc 2 cuộc chiến tranh khu vực, Đa Chiều dẫn phân tích của giới truyền thông cho biết.

Theo Đa Chiều, Mao Trạch Đông đã từng gọi việc tham chiến của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là "cú đấm phòng ngừa" và quyết định của Đặng Tiểu Bình tấn công xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979 cũng dựa trên cùng 1 logic mặc dù thương vong rất lớn.

Cần phải nhấn mạnh rằng, năm 1979 Trung Quốc đã vô cớ cất quân xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, một cuộc chiến phi nghĩa bị cả nhân loại tiến bộ lên án. Việt Nam hoàn toàn không làm gì khiêu khích Trung Quốc để họ phải có cái gọi là "cú đấm phòng ngừa" như Đa Chiều bình luận, hay "phản kích tự vệ" theo luận điệu phản động của Bắc Kinh - PV.

Tăng trưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc cùng với sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của họ đã dẫn đến việc Mỹ coi Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh, và sự xâm nhập của Mỹ vào châu Á sẽ tiếp tục "làm phức tạp ổn định và an ninh khu vực", Đa Chiều bình luận.

Thực tế hoàn toàn trái ngược với bình luận của Đa Chiều. Không phải sự can dự của Mỹ vào châu Á "làm phức tạp ổn định và an ninh khu vực". Chính các hành động gây hấn, bành trướng của Trung Quốc mới là nguyên nhân số 1 gây bất ổn trong khu vực. Các quốc gia trong khu vực đều chào đón sự hiện diện của Mỹ, một nhân tố cân bằng chiến lược quan trọng để Bắc Kinh phải ngó trước ngó sau, không phải cứ thích là làm càn - PV.

Với những căng thẳng đang diễn ra gần đây với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản, trong thực tế Trung Quốc có thể đang mong muốn có 1 xung đột nhỏ mà Bắc Kinh có thể kiểm soát để khẳng định sức mạnh của họ trong khu vực một lần nữa, Đa Chiều kết luận.

Hồng Thủy