Tập Cận Bình họp Bộ chính trị, triệt để loại bỏ chiến lược giấu mình chờ thời

15/10/2015 07:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong bài phát biểu của mình ông Tập Cận Bình đã tỏ ra bất mãn với thể chế quản trị toàn cầu hiện nay, đồng thời để lộ ý đồ, tham vọng Trung Quốc sẽ thay đổi.
Các ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia học tập tập thể, ảnh: Tân Hoa Xã.
Các ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc tham gia học tập tập thể, ảnh: Tân Hoa Xã.

Đa Chiều ngày 14/10 đưa tin, sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng trước, ngày 12/10 ông Tập Cận Bình triệu tập Bộ chính trị tham gia khóa học tập tập thể về tư duy mới trong chiến lược ngoại giao Trung Quốc. Qua những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc thể hiện có thể thấy, hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ vừa qua không mang lại "tuần trăng mật" cho quan hệ 2 nước, chiến lược giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã "biến mất không dấu vết".

Đây là lần học tập tập thể lần thứ 12 của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, nội dung chủ yếu tập trung vào cục diện và thể chế quản trị toàn cầu. Nó diễn ra ngay sau khi Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ sau nhiều căng thẳng, ma sát giữa 2 nước và sau khi ông Bình có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nên có ý nghĩa tổng kết và tính chất tập trung vào chiến lược đối ngoại.

Theo tường thuật của truyền thông Trung Quốc, trong bài phát biểu của mình ông Tập Cận Bình đã tỏ ra bất mãn với thể chế quản trị toàn cầu hiện nay, đồng thời để lộ ý đồ, tham vọng Trung Quốc sẽ thay đổi để tham dự vào quá trình định ra luật chơi toàn cầu, có nhiều tiếng nói cũng như quyền kiểm soát hơn trước. Ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh các nỗ lực Trung Quốc cần làm để thúc đảy cơ chế quản trị toàn cầu, tập trung vào các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế.

Suốt thời gian học tập tập thể, Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc không nhắc một chữ nào đến "giấu mình chờ thời", Đa Chiều lưu ý. Nhờ chiến lược này của Đặng Tiểu Bình mà Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong mấy chục năm qua, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cũng chính vì sự phát triển nhanh chóng thực lực kinh tế, Trung Quốc cho rằng lợi ích của họ mở rộng ra toàn cầu đang bị uy hiếp.

Từ khi lên nắm quyền, chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình được giới quan sát xem như triệt để xóa bỏ tư tưởng "giấu mình chờ thời". Năm 2012 tàu hải quân Trung Quốc bật radar ngắm bắn tàu quân sự Nhật ở Hoa Đông. Năm 2013 Bắc Kinh đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Năm 2014 tăng tốc hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Đa Chiều cho rằng dư luận xem đó là những bằng chứng quan trọng cho thấy điều này.

Không chỉ như vậy, ông Bình còn đang thúc đẩy ý tưởng "Một vành đai, một con đường" để đối phó với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương và TPP mà chính quyền Obama khởi xướng. Đặc biệt là tuyên bố của Obama vừa qua rằng Mỹ không thể để Trung Quốc định luật chơi kinh tế toàn cầu, tranh chấp quyền năng trên biển cũng như trên lục địa giữa 2 cường quốc ngày càng gay gắt.

Giảng bài cho Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc trong phiên học tập tập thể này là Tần Á Thanh, Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, từng bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành chính trị tại Đại học Missouri, Hoa Kỳ.

Còn theo South China Morning Post ngày 15/10, giáo sư Jingdong Yuan từ Đại học Sydney, Úc cho rằng, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong đợt học tập tập thể Bộ chính trị cho thấy, ông muốn Trung Quốc được công nhận là một thành viên quan trọng trong trật tự thế giới mới. Benjamin Herscovith, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn chính sách ở Bắc Kinh bình luận, Tập Cận Bình muốn có "quan hệ bình đẳng" với Hoa Kỳ.

Hồng Thủy