Tazania báo động vấn nạn khủng khiếp chặt chân tay người bạch tạng

27/01/2015 10:20
Nguyễn Hường
(GDVN) - Nhiều bậc cha mẹ cũng tham gia vào các kế hoạch tấn công... Chúng tôi còn có thể tin tưởng ai?... Bạn không thể biết ai là kẻ thù của bạn".

Tờ Daily Mail ngày 26/1 đưa tin cho biết, những người mắc chứng bạch tạng ở Tanzania đang bị săn lùng như động vật bởi những kẻ hám tiền, đôi khi là chính người thân của họ.

Trẻ em và phụ nữ bị bạch tạng là mục tiêu tấn công nhiều nhất vì họ không có khả năng chống cự.
Trẻ em và phụ nữ bị bạch tạng là mục tiêu tấn công nhiều nhất vì họ không có khả năng chống cự.

Tình trạng này xuất phát từ niềm tin mù quáng ở Tanzania và nhiều nơi khác tại châu Phi rằng người bị bệnh bạch tạng là những người bị nguyền rủa, các bộ phận cơ thể của những người bạch tạng có thể đem lại sự giàu có hoặc may mắn cho những người sở hữu chúng.

Các bộ phận cơ thể của người bạch tạng được xem như bùa hộ mệnh của thợ mỏ. Những kẻ đào vàng tin rằng chôn các chi của người bạch tạng ở nơi họ đang tìm kiếm thì sẽ được may mắn. Các ngư dân thì cho biết, nếu buộc tóc của người bạch tạng vào lưới thì sẽ bắt được nhiều cá hơn.

Nhiều người Tanzania giàu có mê tín sẵn sàng trả số tiền lên tới 3.000 USD hoặc 4.000 USD cho một cánh tay hoặc chân của người bạch tạng.
Nhiều người Tanzania giàu có mê tín sẵn sàng trả số tiền lên tới 3.000 USD hoặc 4.000 USD cho một cánh tay hoặc chân của người bạch tạng.

Do đó, nhiều người Tanzania giàu có mê tín sẵn sàng trả số tiền lên tới 3.000 USD hoặc 4.000 USD cho một cánh tay hoặc chân của người bạch tạng, hoặc lên tới 75.000 USD cho tất cả các chi của họ.

Ngoài ra, cũng đã ghi nhận các trường hợp nạn nhân bị chặt đầu, bị lấy đi bộ phận sinh dục, tai, da, lưỡi, mắt và tim.

Mức giá khổng lồ này đã khiến những người bạch tạng ở Tanzania trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bạo lực chặt chân tay khiến họ trở thành người tật nguyền hoặc thậm chí là mất mạng.

Người ta tin rằng những kẻ bỏ tiền ra mua các bộ phận cơ thể của người bạch tạng là những chính trị gia, doanh nhân giàu có.
Người ta tin rằng những kẻ bỏ tiền ra mua các bộ phận cơ thể của người bạch tạng là những chính trị gia, doanh nhân giàu có.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania là khoảng 1/1.400 người, chủ yếu là kết quả của sự giao phối cận huyết trong các khu vực hẻo lánh và vùng nông thôn. Ở phương Tây, tỷ lệ này là 1/20.000 người.

Theo thống kê gần đây, đã có 74 người bạch tạng Tanzania đã chết và 56 người sống sót sau các vụ tấn công cướp bộ phận cơ thể. Ngay cả những người chết cũng không được an toàn, bởi 16 ngôi mộ của người mắc bệnh bạch tạng đã bị cướp.

Trường hợp gần đây nhất xảy ra với bé gái Pendo Emmanuelle Nundi, 4 tuổi, tại nhà của mình hồi tháng 12/2014. Cha và chú của Pendo đã bị bắt giữ do tình nghi có liên quan tới sự biến mất bí ẩn của cô bé này.

Pendo Sengerema, 15 tuổi, bị tấn công chặt mất tay phải hồi năm 2014.
Pendo Sengerema, 15 tuổi, bị tấn công chặt mất tay phải hồi năm 2014.

Cảnh sát địa phương đã trao thưởng 1.600 USD, nhưng họ vẫn chưa tìm thấy cô bé. Các tổ chức từ thiện trong khu vực tin rằng Pendo đã bị sát hại.

Mwigulu Matonange, một người bạch tạng Tanzania bị hai người đàn ông lạ tấn công vào năm 10 tuổi trên đường đi học về hồi tháng 2/2014. Những kẻ tấn công đã chặt cánh tay trái của cậu bé rồi biến mất nhanh chóng như khi xuất hiện.

Một phụ nữ Tanzania 38 tuổi bị chồng và bốn người đàn ông khác dùng dao chặt tay khi cô đang ngủ hồi tháng 2/2013. Bi thảm hơn là chính cô con gái 8 tuổi của họ đã chứng kiến cảnh cha mình rời phòng ngủ với cánh tay đầy máu của mẹ, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.

Trẻ em bị bạch tạng được bảo vệ trong một trung tâm trú ẩn an toàn giúp họ tránh được các cuộc tấn công bạo lực.
Trẻ em bị bạch tạng được bảo vệ trong một trung tâm trú ẩn an toàn giúp họ tránh được các cuộc tấn công bạo lực.

Năm ngoái, ba người bạch tạng liên tiếp bị tấn công trong vòng 11 ngày. Một nạn nhân là nam giới, khoảng 20 tuổi, được tìm thấy chết trên bãi cỏ với cơ thể không còn nguyên vẹn. Ngày hôm sau, một bà mẹ bị mất một cánh tay. Một bé gái 15 tuổi khác bị tấn công ngay khi đang ăn tối cùng gia đình.

Tình trạng nghèo đói, kém hiểu biết đã thúc đẩy các vụ tấn công nhằm vào những người bạch tạng tại Tanzania.

"Nhiều bậc cha mẹ cũng tham gia vào các kế hoạch tấn công... Chúng tôi còn có thể tin tưởng ai?... Bạn không thể biết ai là kẻ thù của bạn. Chúng tôi vẫn đang sống trong huy hiểm", Josephat Torner - một người bạch tạng đang đấu tranh cho quyền của người bạch tạng tại Tanzania nói.

Trẻ mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania không được đến trường và sống bình thường vì bị kỳ thị và đe dọa tấn công.
Trẻ mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania không được đến trường và sống bình thường vì bị kỳ thị và đe dọa tấn công.

Theo Josephat Torner và Peter Ash, một người Canada thành lập tổ chức từ thiện Theo Same Sun trong năm 2009, Tanzania là một trong 25 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Do đó, họ tin rằng chính các chính trị gia và những doanh nhân giàu có là những người thúc đẩy các vụ tấn công người bạch tạng bằng tiền của mình.

Hàng trăm người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bạo lực, nhưng chỉ có 10 kẻ tấn công và phù thủy đã bị xét xử cho đến nay. Tuy nhiên, không trường hợp nào người ta tìm ra được kẻ mua.

Liên Hợp Quốc cũng từng đưa ra cảnh báo rằng các nhà vận động chính trị ở Tanzania đứng sau các vụ tấn công vào người bạch tạng vì tin rằng các bộ phận cơ thể của họ sẽ giúp họ chiến thắng trong cuộc bầu cử./.

Nguyễn Hường