Thành lập Hội đồng Hòa giải và Hòa bình châu Á, Biển Đông thêm cơ hội?

07/09/2012 05:50
Bảo Thành (Nguồn: The Nation)
(GDVN) - Trong lúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông đang hình thành nhiều điểm nóng, tổ chức này có thể giúp các bên liên quan xử lý những xung đột lợi ích.
Tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan ngày 06/9 đưa tin, Hội đồng Hòa giải và Hòa bình châu Á (APRC) đã chính thức được thành lập hôm 05/9 và sẽ đặt trụ sở tại Thái Lan.
Các đại biểu trong hội nghị thành lập APRC
Các đại biểu trong hội nghị thành lập APRC
Sau 2 ngày họp chuẩn bị ở Bankok, Thái Lan, các cựu chính khách, các nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu cấp cao đến từ châu Á và châu Âu đã thông báo thành lập tổ chức hòa bình này nhằm thực hiện chính sách “ngoại giao thầm lặng” để giải quyết xung đột cũng như vãn hồi hòa bình và hòa giải ở châu Á và trên toàn thế giới. Thông tin chi tiết về cơ cấu của hội đồng này sẽ được hoàn chỉnh trước cuối năm nay. Các thành viên của hội đồng như cựu Tổng thống Đông Timor và nhân vật được nhận giải Nobel Hòa bình Jose Ramos Horta, cựu Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi và cựu Thủ tướng Pakistan Shaukat Aziz đều nhất trí sẽ gặp nhau một năm một lần. Theo cựu Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surakiart Sathirathai, Chủ tọa cuộc họp ngày hôm qua, văn phòng hội đồng sẽ được đăng ký với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận theo luật pháp của Thái Lan. Ông Surakiart bổ sung thêm: “Các thành viên của APRC đến từ khắp nơi trên thế giới và không đại diện cho bất kỳ chính phủ, đất nước hay đảng phái chính trị nào.”
Ông Surakiart Sathirathai phát biểu trong hội nghị UNCTAD XI
Ông Surakiart Sathirathai phát biểu trong hội nghị UNCTAD XI
Các nước châu Á hiện nay đang tồn tại và tiềm ẩn nhiều xung đột liên quan tới dân tộc, tôn giáo, biên giới lãnh thổ, tranh chấp biển đảo và các bất đồng chính trị, đó là những vấn đề mà hội đồng mới được thành lập này phải giải quyết. Trong lúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Biển Đông đang hình thành nhiều điểm nóng, tổ chức này có thể giúp các bên liên quan xử lý những xung đột lợi ích. Cựu Thủ tướng Pakistan Aziz phát biểu rằng hội đồng này sẽ chỉ tham gia vào một cuộc xung đột theo yêu cầu cầu của các bên xung đột và được các bên cho phép tiến hành công việc. Theo ông Surakiart, hội đồng này sẽ hoạt động trên nguyên tắc không can thiệp, ngoại giao thầm lặng, đồng thuận và toàn diện. Ông nói rằng: “Hội đồng có thể lựa chọn tham gia vào tiến trình giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào, miễn là các bên liên quan thể hiện sự chấp thuận.” Ông cũng nói rằng trên thế giới có nhiều tổ chức và cơ chế tham gia giải quyết xung đột. Tuy nhiên, APRC độc đáo ở chỗ các thành viên sáng lập tổ chức này là những người có tri thức, kinh nghiệm và hiểu biết phong phú về bộ máy, cấu trúc chính trị xã hội và thực tế trong khu vực cũng như các quá trình ra quyết định chính trị.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh chiêng khai mạc hội nghị ICCA 2012. Tại đây ông đã có bài phát biểu quan trọng nêu lên định hướng chiến lược, phát triển Singapore thành trung tâm trọng tài quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp lãnh hải
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh chiêng khai mạc hội nghị ICCA 2012. Tại đây ông đã có bài phát biểu quan trọng nêu lên định hướng chiến lược, phát triển Singapore thành trung tâm trọng tài quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý giải quyết tranh chấp, trong đó có tranh chấp lãnh hải
Hội đồng này là một tổ chức phi chính phủ và công bằng với khả năng tiếp cận chưa từng thấy đối với những người ra quyết sách có liên quan đến tình hình xung đột. Cũng theo ông Surakiart, hội đồng này cũng sẽ là cấp độ thích hợp để các bên xung đột tìm kiếm hòa bình và hòa giải. Đón đầu xu thế căng thẳng, xung đột lợi ích ngày càng trở nên gay gắt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á - Biển Đông nói riêng, cách đây không lâu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã cho biết, sẽ phát triển Singapore thành một trung tâm trọng tài quốc tế, trong đó có trọng tài về tranh chấp biển đảo. Singapore sẽ cung cấp dịch vụ trọng tài quốc tế, dịch vụ pháp lý liên quan đến những tranh cãi, tranh chấp, xung đột lợi ích thuộc các phương diện khác nhau trên thế giới cũng như tại khu vực.* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. 

Trong quá trình học tập, công tác, giao lưu quý độc giả nào phát hiện các tài liệu (bản đồ, sách giáo khoa, thư tịch, phim ảnh, quảng cáo...) của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông có dấu hiệu chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải của Trung Quốc, xin vui lòng cung cấp thông tin cho chúng tôi theo địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn độc giả!
Bảo Thành (Nguồn: The Nation)