Thanh tra LHQ không xác định được thủ phạm tấn công hóa học Syria 21/8

17/09/2013 07:45
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(GDVN) - Báo cáo của các nhà điều tra LHQ không đề cập tới người đã phát động cuộc tấn công hóa học vào ngoại ô Ghouta của thủ đô Damascus, nhưng đã đề cập tới chi tiết của loại khí và đạn đã được sử dụng trong vụ tấn công.
Báo cáo của LHQ về vụ tấn công hóa học ngày 21.8 tại Damascus đã được trình lên Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm 16.9.
Theo đó, báo cáo không đề cập tới người đã phát động cuộc tấn công hóa học vào ngoại ô Ghouta của thủ đô Damascus, nhưng đã đề cập tới chi tiết của loại khí và đạn đã được sử dụng trong vụ tấn công.

Một nạn nhân của vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria.
Một nạn nhân của vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc khẳng định có bằng chứng "rõ ràng và khách quan" rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng và đó là "một tội ác chiến tranh", theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Báo cáo viết: "Kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc xung đột tiếp diễn giữa các phe phái ở Syria... nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em, trên một phạm vi tương đối lớn".
Cũng theo báo cáo này, các tên lửa đất đối đất chứa độc tố thần kinh sarin cũng đã được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 21/8.
Mặc dù báo cáo không nói rõ ai là thủ phạm của vụ tấn công, nhưng Đại sứ của Washington tại Liên Hiệp Quốc, Samantha Power đã lên tiếng cho rằng báo cáo của LHQ đã chỉ rõ rằng chỉ có chính phủ Syria có thể thực hiện nó.  
Anh và Pháp sau đó cũng đưa ra các tuyên bố tương tự, lặp lại quan điểm của mình cho rằng chính phủ Assad là người phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công trong khi ông Assad và Moscow cật lực bác bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trong một cuộc họp báo tại Paris hôm 16.9 rằng ba cường quốc Mỹ, Anh, Pháp đã đồng ý với Nga rằng ông Assad phải chịu hậu quả nếu không tuân thủ các yêu cầu của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tuyên bố này sau đó đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ rằng bất kỳ nỗ lực dùng một nghị quyết đe dọa trừng phạt Syria trong trường hợp không tuân thủ cho thấy sự "thiếu hiểu biết" về thỏa thuận.
Ông Lavrov cũng đề xuất việc buộc phe nổi dậy phải tham gia vào các cuộc đàm phán cùng với Tổng thống Syria nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các bên và tìm ra phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia này bằng hòa bình.
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)