Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu NATO triển khai tên lửa ở biên giới với Syria

18/11/2012 06:04
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)
(GDVN) - Thứ Hai tuần tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức đệ đơn yêu cầu NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria.

Tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) dẫn nguồn tin riêng ngày 17/11 đưa tin cho biết, thứ Hai tuần tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức đệ đơn yêu cầu NATO triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria do lo ngại cuộc nội chiến tại nước láng giềng sẽ ngày càng lan rộng ra ngoài biên giới của nó.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot.
Hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot.

Tờ báo trên cho biết thêm, khoảng 170 binh sĩ Đức có thể sẽ được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia kế hoạch trên. 
Hôm 16/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường hội đàm với các đồng minh NATO về kế hoạch tái triển khai hệ thống phòng thủ trên tuyến đường biên giới dài 900km với Syria sau khi đạn lạc từ Syria đã hạ cánh trên lãnh thổ của nước này.
"Như chúng tôi từng nói, đã có các cuộc hội đàm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO cùng các đồng minh của NATO về các vấn đề khác nhau liên quan tới rủi ro và thách thức an ninh, phản ứng với các vấn đề liên quan đến vùng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - NATO" - một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với tờ Sueddeutsche Zeitung.
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết, NATO sẽ xem xét mọi yêu cầu của Ankara và khẳng định rằng Mỹ, Hà Lan và Đức là những nước có sẵn hệ thống tên lửa Patriot.
NATO từng tuyên bố rằng sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Một nguồn tin ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần qua cũng đã thừa nhận nước này đang đàm phán với NATO về việc triển khai tên lửa Patriot tại biên giới với Syria. Tuy nhiên, NATO và Mỹ đã bác bỏ thông tin này với lý do Ankara chưa đưa ra một đề nghị chính thức nào.
Đối với Đức, việc triển khai quân đội ở nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm mặc dù chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc hơn 65 năm. Hiện vẫn chưa rõ Hạ viện Đức có chấp thuận thông qua nhiệm vụ trên hay không. 
Nguyễn Hường (nguồn Reuters)