Thỏa thuận Nga - Ukraine về việc sử dụng các căn cứ quân sự ở Crimea

04/03/2014 13:37
Dương Ngọc (theo Moscow News)
(GDVN) - Mark Galeotti cho rằng Nga đã coi thường thỏa thuận với Ucraine, nhưng cũng chưa đến mức để gọi là một cuộc xâm lược.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra trong cuộc khủng hoảng ở Crimea, Ucraine hiện nay là căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol có thể hợp pháp hóa các hoạt động quân sự trong khu vực này ở mức độ nào?

Hiện tại quân đội Nga được cho là đã nắm quyền kiểm soát các địa điểm chiến lược trên bán đảo Crimea, động thái bị chính phủ lâm thời của Ucraine gọi là hành động xâm lược.

Lực lượng được cho là lính Nga bao vây một căn cứ quân sự của Ucraine tại Crimea.
Lực lượng được cho là lính Nga bao vây một căn cứ quân sự của Ucraine tại Crimea.
Theo thỏa thuận ký kết giữa Nga và Ukraina năm 1999, Hạm đội Biển Đen của Nga được thuê một mạng lưới  hơn 1.000 địa điểm đóng quân trên bán đảo Crimea, bao gồm căn cứ hải quân ở Sevastopol, hai sân bay và cả cơ sở đào tạo tại Feodosia. Các căn cứ có thể chứa tới 25.000 nhân viên, 22 máy bay, 24 cụm pháo binh và 132 xe bọc thép.

Khi thỏa thuận được ký kết thì không ai có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó xung đột sẽ xảy ra. Nhưng cuối cùng sự việc đã đến và mỗi bên lại lý giải theo cách riêng của mình. 

Alexei Malashenko, một chuyên gia an ninh tại Trung tâm Carnegie ở Moscow cho biết: "Nga cho rằng hành động gần đây của họ là để bảo vệ hạm đội của mình, còn phía bên kia đang chỉ trích là vi phạm chủ quyền của họ".

Thỏa thuận cho phép quân đội Nga hiện diện ở Crimea đã là đề tài gây tranh cãi trong nhiều năm giữa Moscow với Kiev. Ban đầu, hợp đồng cho thuê được thiết lập hết hạn vào năm 2017, nhưng  năm 2010 nó lại được gia hạn đến năm 2042 theo Hiệp định Kharkiv. Đổi lại, Ucraine cũng sẽ được nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga với giá rẻ. Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Ucraine khẳng định Hiệp định Kharkiv kéo dài hợp đồng cho thuê là bất hợp pháp.
Hiệp định ký vào năm 1999 hiện vẫn còn hiệu lực, trong đó quy định Nga có thể thực hiện các biện pháp an ninh tại các khu vực mà họ đã thuê. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động phải tuân thủ các thủ tục trong thỏa thuận và có sự hợp tác với các cơ quan thẩm quyền Ukraine.
Điều này có nghĩa là Nga có thể tiến hành các hoạt động quân sự tại Crimea nếu như nhận thấy có nguy cơ bị đe dọa từ bên ngoài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1.3 đã được Thượng viện Nga cho phép gửi quân tới Ucraine và động thái quân sự tại Crimea đang được một số phương tiện truyền thông đưa tin như là một cuộc xâm lược.  
Theo tờ Whasinhton Post, mười tàu sân bay Nga đã vào vị trí bảo vệ bờ biển Ucraina trong Balaklava. Còn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng quân đội Nga hiện nay đang kiểm soát mọi hoạt động trên bán đảo Crimea, cộng thêm 6000 binh lính không quân và hải quân Ucraine đã chạy về phe Nga, đẩy số lượng binh sĩ ủng hộ Moscow ở đây lên tới 15.000 người.
Nga cho rằng những hoạt động của mình là hợp pháp và hoàn toàn phù hợp với những thỏa thuận đã kí về Hạm đội Biển Đen.
Tuy nhiên, một giáo sư về vấn đề toàn cầu tại đại học New York đồng thời cũng là một chuyên gia về an ninh Nga, Mark Galeotti, cho biết tất cả những hoạt động của Nga không phải là hợp pháp hoàn toàn, Nga đang coi thường những gì đã kí kết trong thỏa thuận. Nhưng, ông nhấn mạnh rằng nó cũng chưa đến mức nghiêm trọng để gọi đây là một cuộc xâm lược./.
Dương Ngọc (theo Moscow News)