Thời báo Hoàn Cầu: Myanmar "súng chỉ huy đảng"

14/08/2015 15:28
Hồng Thủy
(GDVN) - Quân đội Myanmar vẫn có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nền chính trị của quốc gia này, tiến trình dân chủ hóa đất nước hoàn toàn chưa thể động đến gốc rễ ...
Hai tướng Shew Mann và Thein Sein ngồi hàng đầu tiên trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Worldpress.com.
Hai tướng Shew Mann và Thein Sein ngồi hàng đầu tiên trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Worldpress.com.

Xung quanh những diễn biến mới trên chính trường Myanmar, Thời báo Hoàn Cầu, một trong những cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 14/8 có bài xã luận cho rằng, tại Myanmar đang là "súng chỉ huy đảng" chứ không phải "đảng chỉ huy súng".

Chủ tịch đảng USDP cầm quyền Shwe Mann và cộng sự, Tổng thư ký Maung Maung Thein bất ngờ bị truất khỏi vai trò lãnh đạo trong đảng sau cuộc họp căng thẳng nội bộ đảng USDP mà "phe Shwe Mann vắng mặt" tối 12/8. Động thái này diễn ra chỉ đúng một ngày trước khi kết thúc đăng ký danh sách ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ tới có thể tạo thành một sức ép nhất định đối với cục diện chính trị Myanmar.

Tuy nhiên hiện tại sự việc mới chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ đảng USDP nên theo Thời báo Hoàn Cầu, chưa thể gọi là một cuộc đảo chính ở Myanmar. Động thái này cho thấy quân đội Myanmar vẫn có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nền chính trị của quốc gia này, tiến trình dân chủ hóa đất nước hoàn toàn chưa thể động đến gốc rễ quyền lực của quân đội.

Quan hệ giữa đảng cầm quyền USDP với quân đội Myanmar theo Thời báo Hoàn Cầu vẫn là "súng chỉ huy đảng" chứ không phải "đảng chỉ huy súng". Quy định về bầu cử Tổng thống trong hiến pháp hiện hành của Myanmar quá phức tạp, đầu tiên là phải bầu ra Quốc hội trong đó 1/4 số ghế dành riêng cho quân đội không cần thông qua bầu cử.

Tiếp đó, Thượng viện, Hạ viện Myanmar cùng với quân đội mỗi lực lượng bầu ra 1 Phó Tổng thống đại diện cho mình. Trong 3 Phó Tổng thống này mới bầu ra Tổng thống thông qua một cuộc bỏ phiếu toàn thể. Quy trình này đảm bảo cho quân đội duy trì quyền lực trong bộ máy nhà nước.

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, "một bộ phận dư luận bên ngoài" đã nhầm lẫn về tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar. Quốc gia này vẫn đang trong tiến trình đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, tương lai chưa có gì chắc chắn. Kế hoạch cải cách của Myanmar thiếu động lực thúc đẩy tối thiểu, sự thống nhất nhận thức trong nước không cao. Những điều kiện này là tiền đề đặc biệt cho những cuộc chính biến bất ngờ.

Myanmar hiện nay vẫn có một quân đội quyền lực "nói một là một, hai là hai", có cả đảng đối lập không thỏa hiệp, còn thêm cả lực lượng báo chí truyền thông quen thói thách thức (?!). Trong khi đó ngoài biên giới, các thế lực "cát cứ chư hầu" vẫn tranh giành ảnh hưởng và đòi ly khai nên tỉ lệ thành công của tiến trình dân chủ hóa là quá nhỏ.

Kết luận bài viết, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng: "Trung Quốc là quốc gia ổn định. Thông thường một nước lớn ổn định sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc bình ổn và cải cách của các quốc gia láng giềng, hy vọng tình hình ở Myanmar sẽ tốt lên."

Hồng Thủy