Thông tin tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép: Kẻ nói không, người bảo có

30/03/2016 14:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Không nên đẩy Trung Quốc vào chỗ trở thành kẻ thù một mất một còn, nhưng cũng không thể để Bắc Kinh thích làm gì thì làm.

Trong khi Tư lệnh Hải quân và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định rằng không có tàu cá Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển Malaysia yêu sách vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông như thông tin Bộ trưởng An ninh quốc gia nước này nói với báo giới trước đó, ngày 30/3 The Straits Times dẫn lời một quan chức khác phản bác lại.

Tư lệnh Cơ quan Thực thi Hàng hải (Cảnh sát biển) Malaysia Datuk Ahmad Puzi Ab Kahar lại khẳng định với báo giới, tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế mà Malaysia yêu sách.

Tư lệnh Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia Datuk Ahmad Puzi Ab Kahar. Ảnh: The Straits Times.
Tư lệnh Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia Datuk Ahmad Puzi Ab Kahar. Ảnh: The Straits Times.

Tuy nhiên giải thích về thông tin khác nhau giữa 2 cơ quan thuộc Nội các Malaysia, tướng Ab Kahar cho hay, khi tàu Hải quân nước này ra kiểm tra thì đoàn tàu cá Trung Quốc đã cơ động về phía  Tây. Số lượng tàu lúc đó chỉ còn khoảng 85 chiếc hôm Thứ Hai. Trước đó là 100 tàu.

Ông Ab Kahar nói: "Chúng tôi cho rằng đây là điều không bình thường. Điều này chưa từng xảy ra. Vì vậy chúng tôi đã tiếp cận một cách thận trọng". Giám đốc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia nhấn mạnh rằng, có hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống hơn 100 tàu cá này.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cải chính rằng, có khoảng 80 "tàu cá nước ngoài" hoạt động trong khu vực, thay vì hơn 100 tàu cá Trung Quốc như đồng nghiệp cùng Nội các.

Hôm Thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Hussein cho biết, Tư lệnh Hải quân Ahmad Kamarulzaman Ahmad Badaruddin báo cáo với ông, không phát hiện thấy tàu cá Trung Quốc xung quanh bãi cát ngầm Luconia.

Tướng Ab Kahar giải thích, do lúc tàu Hải quân đi kiểm tra các vị trí được báo có tàu cá Trung Quốc xâm nhập thì lực lượng này đã chạy sang chỗ khác. Trong khi ra đa tàu hải quân chỉ dò quét được trong phạm vi bán kính 30 hải lý, còn lực lượng của ông phụ trách một diện tích 1931 km vuông.

Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia đã dùng loa kêu gọi tàu cá, tàu công vụ Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Malaysia yêu sách, nhưng các tàu này hoàn toàn im lặng. Cơ quan này đã báo cáo tình hình về Bộ Ngoại giao.

Thông tin tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép: Kẻ nói không, người bảo có ảnh 2

Malaysia, Indonesia bất ngờ "dĩ hòa vi quý" với Trung Quốc ở Biển Đông

(GDVN) - Ngay cả khi thông tin về các tàu cá Trung Quốc được xác nhận, chuyện này cũng nên được "giải quyết song phương" với Bắc Kinh.

Ngoài 2 tàu công vụ, các tàu cá Trung Quốc không treo cờ, thậm chí không có biển số và đã được huấn luyện cách né tránh lực lượng chức năng Malaysia kiểm tra.

New Straits Times Online ngày 30/3 dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, các tranh chấp ở Biển Đông không thể giải quyết bằng can thiệp quân sự mà phải thông qua đàm phán và đoàn kết giữa các nước ASEAN.

"Chúng tôi có khả năng đuổi những kẻ xâm nhập khỏi vùng biển Malaysia nếu phát hiện bất kỳ lực lượng nào xâm nhập trái phép, bao gồm cả tàu cá", ông Najib được dẫn lời cho biết.

Ông cũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Đông Sabah thành lập 3 chốt tuần tra gần Tawau để ngăn tàu cá nước ngoài xâm nhập.

Thủ tướng Malaysia cho hay, hiện nay việc quản lý và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế mà nước này yêu sách ở Biển Đông do nhiều lực lượng phụ trách, gồm Hải quân, Cảnh sát, Cơ quan Thực thi Hàng hải và chính quyền các bang.

Thông tin "nhạy cảm"

Sở dĩ xảy ra tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược từ chính các cơ quan khác nhau thuộc Nội các Malaysia về cùng một thông tin tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Malaysia yêu sách ở Biển Đông, một phần là bởi Malaysia có nhiều cơ quan phụ trách việc này, nên có thể không thống nhất về dữ liệu và đánh giá.

Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn người viết thiết nghĩ vẫn là quan điểm cho rằng những sự cố tương tự là "chuyện nhạy cảm" và một số nhà lãnh đạo Malaysia cho là lợi bất cập hại, vì khi nói ra có thể làm mất lòng Trung Quốc, ảnh hưởng đến hợp tác thương mại, đầu tư với Malaysia.

Điều này được ông Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định: Ngay cả khi thông tin về các tàu cá Trung Quốc được xác nhận, chuyện này cũng nên được "giải quyết song phương" với Bắc Kinh. Một hình thức "đóng cửa bảo nhau".

Indonesia cũng đang gặp phải tình trạng tương tự, Bộ Thủy sản họp báo quốc tế lên án, thậm chí triệu kiến đại diện đại sứ quán Trung Quốc và tuyên bố có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Nhưng Phó Tổng thống và Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, Jakarta coi trọng quan hệ với Bắc Kinh và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán đối thoại.

Thông tin tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép: Kẻ nói không, người bảo có ảnh 3

Đã đến lúc Indonesia phải nghiêm túc chống bành trướng trên Biển Đông

(GDVN) - Nếu Indonesia thực sự không có biện pháp cứng rắn đối phó chỉ vì muốn bảo vệ quyền lợi hẹp hòi của riêng mình, Bắc Kinh sẽ được đằng chân, lân đằng đầu.

Đó chính là kẽ hở mà Bắc Kinh lợi dụng tối đa để được đằng chân, lân đằng đầu. Do đó chỉ khi nào tách bạch các vấn đề pháp lý như tranh chấp trên Biển Đông với các vấn đề chính trị hay hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thì việc đấu tranh chống các hành vi leo thang bành trướng của Bắc Kinh đe dọa luật pháp quốc tế mới mong đạt được kết quả.

Bởi lẽ yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền hay quyền tài phán quốc gia dựa theo Công pháp quốc tế không thể đánh đổi bằng lợi ích kinh tế hay cam kết đầu tư.

Do đó, người viết thiết nghĩ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông sắp ra tới đây là cơ hội tốt để các bên đánh giá lại lập trường của mình và tìm cách đối phó, chống lại các hành vi bành trướng leo thang của Trung Quốc.

Vì nhiều nguyên nhân khách quan, các bên liên quan ở Biển Đông không nên đẩy Trung Quốc vào chỗ trở thành kẻ thù một mất một còn, nhưng cũng không thể để Bắc Kinh thích làm gì thì làm.

Người viết cho rằng cần phải bám chặt lấy "thắt lưng" Trung Quốc, dùng luật pháp quốc tế, công luận khu vực đấu tranh, trong đó tách bạch các vấn đề pháp lý với các vấn đề chính trị - ngoại giao - kinh tế mới mong đạt hiệu quả.

Nếu chỉ vì sợ mất "củ cà rốt" Trung Quốc chìa ra mà chấp nhận "đóng cửa bảo nhau", giải quyết vấn đề dựa trên quan hệ chính trị mà không theo quy chuẩn Công pháp quốc tế thì lợi bất cập hại.

Đàm phán tay đôi với Trung Quốc trong những tranh chấp đa phương, phần thiệt thuộc về ai không cần nói cũng biết. Nhưng quan trọng hơn về mặt đối nội, cách ứng xử này sẽ gây mất niềm tin của chính người dân sở tại và chia rẽ nội bộ và càng làm suy yếu thêm vị thế, sự tự tin của mình trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Hồng Thủy