Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 13/9/2011

13/09/2011 19:27
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Iran khởi động nhà máy hạt nhân; Nato cảnh báo Libya rơi vào tay cực đoan Hồi giáo; sân bay Ấn Độ báo động cao … là những tin nổi bật chiều nay.

1. Cảnh sát Ấn Độ vẫn đang điều tra danh tính của người gửi email khẳng định nhóm Harkat-ul-Jihad (HuJI) chủ mưu vụ đánh bom tại tòa án tối cao Delhi, làm 13 người thiệt mạng và khoảng 90 người khác bị thương. Cảnh sát đã thẩm vấn một số người tình nghi đã sử dụng quán cà phê trong thời gian email được gửi, nhưng hiện tất cả đều đã được tha. (Xinhua)

2. Iran hôm qua chính thức khởi động nhà máy điện hạt nhân Bushehr, kết thúc cuộc marathon dai dẳng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran - một quá trình xây dựng kéo dài suốt 36 năm. Cơ sở này được công ty Đức xây dựng vào năm 1975. Tuy nhiên, do cuộc cách mạng năm 1979 tại Iran và cuộc chiến Iran-Iraq nổ ra ngay sau đó, mọi công việc phải dừng lại, rồi hợp đồng bị hủy. (Reuters)

3. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland khẳng định Mỹ không coi Trung Quốc là một mối đe dọa, và cũng không tìm cách kiềm chế sự phát triển vượt bậc của cường quốc phương Đông. Phát biểu của bà Nuland nhằm trả lời cho câu hỏi liên quan tới sách trắng mà Trung Quốc phát hành tuần trước, có nội dung về sự phát triển hòa bình của nước này. (Xinhua)

4. Hải quân Nga đã cho chạy thử tàu ngầm hạt nhân đa chức năng lớp Graney thế hệ thứ 4 ở Biển Trắng (White Sea). Severodvinsk có thể mang 24 tên lửa hành trình siêu thanh tầm bắn 5.000km, 8 bệ phóng ngư lôi, và mìn. Tàu ngầm này dài 120m và có khả năng lặn sâu tới 600m. (Braentob)

5. Tòa án Kiev một lần nữa lùi phiên tòa xét xử cựu thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko, người bị cáo buộc lạm dụng quyền lực khi còn tại vị cho tới 27/9. Tuy nhiên, bà Tymoshenko, người bị giam giữ từ ngày 5/8, cho hay việc trì hoãn chỉ chứng minh rằng vụ xét xử là không có căn cứ. Trong khi đó, tờ báo uy tín Dzerkalo Tyjnia của Ukraina cho rằng việc bất ngờ hoãn xét xử bà Tymoshenko có thể liên quan tới những cuộc đàm phán sắp tới giữa quốc gia Đông Âu và Liên minh châu Âu (EU). EU vốn luôn chỉ trích việc đưa bà Tymoshenko ra xét xử. (AFP)
6. Tổng thư ký Nato Anders Fogh Rasmussen cảnh báo rằng những kẻ cực đoan Hồi giáo sẽ “cố gắng khai thác” bất kỳ điểm yếu nào xuất hiện khi quốc gia này cố gắng tái thiết sau 4 thập kỷ dưới quyền cai trị của đại tá Gaddafi. Ông Rasmussen đưa ra tuyên bố trên giữa lúc có bằng chứng về sự chia rẽ trong lãnh đạo lực lượng nổi dậy ở Tripoli. Đó là những dấu hiệu cho thấy họ không nhất trí về các vấn đề bao gồm vai trò tương lai của binh lính Hồi giáo đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng. (Telegraph)

7. Tất cả các sân bay lớn của Ấn Độ đều đặt trong tình trạng báo động cao trong dịp tưởng niệm 3 năm sau vụ khủng bố Mumbai năm 2008. Hiện hơn 20.000 cảnh sát đã được triển khai ở Delhi và 20 đại đội bán quân sự Trung ương được đặt trong tình trạng sẵn sàng hành động. Lực lượng an ninh cũng được tăng cường ở các địa điểm nhạy cảm như khu mua sắm, sân bay, ga tàu, siêu thị. (Xinhua)

8. Guatemala sẽ phải tiến hành vòng hai cuộc bầu cử tổng thống do không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/9 vừa qua. Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai sẽ là cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên giành được nhiều phiếu bầu nhất ở vòng một, đó là tướng về hưu 60 tuổi Otto Perez Molina của Đảng Yêu nước (PP) và nhà doanh nghiệp 41 tuổi Manuel Baldizon đại diện cho Đảng Tự do Dân chủ đổi mới (Lider). (AFP)

9. Hai thượng nghị sĩ Mỹ Keer Ning và Menendez đưa ra ý kiến yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama phê chuẩn bán cho Đài Loan 66 chiếc chiến cơ F-16 thế hệ mới. Hai thượng nghị sĩ này cho biết, bán vũ khí cho Đài Loan sẽ là "một mũi tên trúng hai đích" - vừa tăng cường an ninh quốc gia cho Mỹ và Đài Loan, vừa đáp ứng chính sách tạo việc làm tại Mỹ. (Reuters)

10. Mỹ sẽ ký một thoả thuận với Rumani về việc triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của nước Châu Âu này. Thông tin được Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Hồi đầu năm nay, Rumani từng tuyên bố đã đạt được thoả thuận sơ bộ với Mỹ về việc triển khai một hệ thống tên lửa đánh chặn tại một căn cứ không quân không còn được sử dụng từ thời Xô viết ở trên lãnh thổ nước này. (RIA) 

M.Phương (Tổng hợp)