Tin thế giới đọc nhanh sáng 3/10/2011

03/10/2011 07:40
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Afghanistan ngừng đàm phán với Taliban; Hy Lạp phê duyệt sa thải hàng loạt; Libya thành lập chính phủ mới... là những tin nóng nhất trong ngày.
1. Giới chức Yemen cho biết, một máy bay chiến đấu của quân đội nước này đã ném bom nhầm vào vị trí của quân chính phủ tại tỉnh Abyan, miền Nam, làm ít nhất 30 binh sĩ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Vụ việc xảy ra trong khi đang diễn ra cuộc chiến giữa quân chính phủ và lực lượng phiến quân. Các nạn nhân trên thuộc Lữ đoàn 119 của quân đội Yemen. Họ đóng quân tại một ngôi trường bỏ hoang ở bên ngoài TP Zinjibar, thủ phủ tỉnh Abyan. (AP)
2. Theo tin nước ngoài, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, ông Siamak Herawi thông báo, chính phủ nước này đã quyết định ngừng mọi cuộc đàm phán với Taliban để xem xét lại chiến lược hòa bình và hòa giải với lực lượng này. Tổng thống Karzai sẽ sớm thông báo một chiến lược mới cho các nỗ lực hòa bình. Quyết định trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Cấp cao, ông Burhanuddin Rabbani, người được ông Karzai chỉ định đại diện Chính phủ Afghanistan tiến hành đàm phán với Taliban, đã bị ám sát hôm 20/9. (Reuters)
3. Nội các Hy Lạp đã phê duyệt vòng sa thải hàng loạt đầu tiên trong bối cảnh nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ, dự toán ngân sách năm 2012 đã công bố cho thấy quốc gia này sẽ bị thâm hụt cho tới tận năm 2013. Mục tiêu là để giảm dần số lượng công nhân ở các khu vực công và giảm chi tiêu quá tải trong hai năm tới và đạt được mục tiêu tài chính được sự phê duyệt cho vay của EU/IMF trong năm 2010 với kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cải cách trong vòng ba năm để cắt giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục lại sự tăng trưởng nền kinh tế Hy Lạp đang yếu kém. (Xinhua)
4. Cơ quan chức năng Indonesia thông báo mới bắt giữ được một trong những thủ phạm gây ra nhiều vụ đánh bom, vụ gần đây nhất ở Tây Sumatra. Tên Beni Asri bị bắt ở thành phố Solok (Tây Sumatra), đây được coi là một trong những phần tử Hồi giáo cực đoan bị truy nã gắt gao nhất tại Indonesia. Người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia, Boy Rafli Amar cho biết 88 cảnh sát đã được huy động cho vụ bắt giữ Beni Asri. Tên này là người lập kế hoạch cho nhiều vụ đánh bom khủng bố, mới nhất là vụ đánh bom một nhà thờ đông người ở thành phố Solo ngày 25/9 vừa qua. (AP)
5. Tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapakse cho biết nước này đã phát hiện những mỏ khí tự nhiên đầu tiên ở ngoài khơi bờ biển nước này. Cairn India, công ty thăm dò trong khu vực này, thông báo với chính quyền Sri Lanka về phát hiện trên khi công ty tiến hành khoan thăm dò tài nguyên tại khu vực đáy biển thuộc lòng chảo Mannar. Mỏ khí trên được tìm thấy ở độ sâu 4.300m dưới biển. Khu vực phát hiện mỏ khí nằm ở sát phía Nam lòng chảo Cauvery nhiều dầu mỏ của Ấn Độ. Công ty cũng cho biết cần tiến hành khoan thêm trước khi có thể khai thác kinh doanh mỏ này. (AFP)
6. Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL), Nabil el-Arabi đã kêu gọi các nước Ả Rập viện trợ thêm về tài chính cho chính quyền Palestine trong bối cảnh Mỹ quyết định đóng băng 200 triệu USD viện trợ cho Palestine. Phát biểu trên của ông Arabi được đưa ra trong cuộc họp báo chung với nhà đàm phán Saeb Erekat, một thành viên của Ủy ban điều hành tổ chức giải phóng Palestine. Ông Arabi cho biết các nước Ả-rập đang cố gắng huy động sự hỗ trợ từ quốc tế thông qua việc liên hệ với các nhân vật quan trọng trên trường quốc tế. Theo ông Erekat, người Palestine sẽ không thay đổi quyết định bằng việc được hỗ trợ tài chính, hơn nữa một thành viên Liên Hợp Quốc tự quyết và đầy đủ sẽ không phó mặc số phận đất nước vì tài chính. (Xinhua)
7. Các phong trào đối lập Syria họp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố cho biết họ đã chính thức thành lập một mặt trận chung, có tên gọi Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), để đoàn kết tất cả các nhóm chống đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Phát biểu với báo giới, ông Burhan Ghalioun, một thành viên trong ban lãnh đạo SNC, nhấn mạnh hội đồng SNC được thành lập nhằm mục đích bác bỏ bất mọi sự can thiệp từ bên ngoài mà có thể làm phương hại tới chủ quyền của người dân Syria. (CNN)
8. Ấn Độ đã đưa vào biên chế tàu chở dầu INS Shakti nhằm tăng cường khả năng hoạt động tầm xa của hải quân nước này vượt ra ngoài khuôn khổ Ấn Độ Dương, Đô đốc Nirmal Verma, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cho biết. Tàu INS Shakti, do Italy đóng, dài 175m, lượng choán nước 27.500 tấn, có tải trọng lên tới 17.900 tấn, trong đó có 15.250 tấn nhiên liệu. Tàu được trang bị 4 khẩu pháo AK 630 cỡ nòng 30 mm, tầm hoạt động 10.000 hải lý (mỗi hải lý tương đương 1,82 km) với vận tốc 16 hải lý/giờ. Hoạt động của tàu INS sẽ tạo điều kiện cho các tàu khu trục, tàu hộ tống và các tàu chiến khác của hải quân nước này kéo dài thời gian hoạt động tại các vùng biển xa mà không cần phải sớm trở về căn cứ để tiếp thêm nhiên liệu. (AFP)
9. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel đã chấp nhận lời kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Palestine của Nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Mỹ, LHQ, Liên minh Châu Âu và Nga). Tuyên bố trên, được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Netanyahu có cuộc tham vấn với các bộ trưởng cấp cao trong nội các. Tuy nhiên, Palestine đã bác bỏ việc Israel chấp nhận lời kêu gọi của Nhóm Bộ Tứ về nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, nhấn mạnh rằng đề xuất hòa bình trên đòi hỏi Israel ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái. (Israel News)
10. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari phát biểu rằng Hoa Kỳ gần đây có những cuộc tấn công chống lại đất nước của ông bằng lời nói  gây tổn hại đến quan hệ song phương giữa hai nước. Lời phát biểu của ông Zardari được đưa ra tại thời điểm mối quan hệ Pakistan-Mỹ đạt mức thấp nhất sau khi Chủ tịch Liên quân Hoa Kỳ Mike Mullen, công khai cáo buộc mạng lưới Haqqani chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan. Ông Zardari cho rằng những kẻ khủng bố đã đạt được mục đích khi các cuộc tấn công bằng lời nói được đưa ra từ phía Mỹ chống lại Pakistan, điều đó đang làm tổn hại mối quan hệ song phương và ảnh hưởng đến mục đích chung trong cuộc chiến chống khủng bố. (Xinhua)
11. Sau hơn một tháng trì hoãn, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya (NTC) đã hoàn thành cải tổ nội các cho chính phủ mới. Theo đó, một số nhân vật quan trọng trong chính quyền lâm thời sẽ tiếp tục tham gia nội các mới. Trong số các tên tuổi đã được tiết lộ, quan trọng nhất phải kể đến chức Bộ trưởng Quốc phòng – vị trí vốn gây nhiều tranh cãi nhất trong nội bộ NTC. Chức vụ này sẽ do ông Salem Joha đến từ Misrata - thành phố lớn thứ 3 Libya - nắm giữ. Ngoài ra, ông Mahmoud Jibril, người đứng đầu NTC sẽ giữ vị trí Thủ tướng. Tuy ông Jibril cũng mong muốn đảm nhận vai trò Ngoại trưởng, nhưng đề nghị này đã bị NTC phủ quyết vì họ cho rằng người dân Libya muốn thấy một gương mặt mới đại diện cho nền ngoại giao Libya. (Aljazeera)
M.Phương (Tổng hợp)