Tình báo Mỹ đánh giá sức mạnh Hải quân Nga

04/01/2016 06:27
Đông Bình
(GDVN) - Sức mạnh cốt lõi của Hải quân Nga là lực lượng tàu ngầm tấn công và tên lửa, chiến lược thời chiến tập trung vào răn đe hạt nhân chiến lược và phòng thủ.

Tờ Washington Free Beacon Mỹ ngày 29/12/2015 tiết lộ, Cục tình báo Hải quân Mỹ (ONI) gần đây công bố một báo cáo có tên là “Hải quân Nga: Sự chuyển đổi mang tính lịch sử”.

Tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Hải quân Nga
Tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Hải quân Nga

Đây là lần đầu tiên trong 24 năm qua Quân đội Mỹ đưa ra một báo cáo như vậy. Báo cáo dài 68 trang, công bố vào trung tuần tháng 12/2015, tác giả là George Fedoroff – sĩ quan tình báo cao cấp phụ trách hướng Nga của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ.

George Fedoroff đã tiến hành thống kê đối với số lượng tàu nổi, tàu ngầm và máy bay được biên chế mới của Hải quân Nga, đã đánh giá vũ khí mới, tố chất binh sĩ hải quân cùng với vị thế của hải quân trong hệ thống chính trị, quân đội Nga. Ông tin rằng, Hải quân Nga đang trỗi dậy.

Báo cáo của Cục tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, Hải quân Nga đang chế tạo 3 loại tàu ngầm tiên tiến và nhiều loại tàu chiến mặt nước mới. Những tàu chiến mới này sẽ “giúp Nga thể hiện năng lực tấn công, có thể dùng để răn đe láng giềng, điều động lực lượng trong khu vực, hỗ trợ cho mục tiêu Nga quay trở lại thành cường quốc thế giới như tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin”.

Theo báo cáo, Hải quân Nga đã nhận được kinh phí để chế tạo các hệ thống vũ khí mới, mục tiêu là trước năm 2020 khôi phục thực lực trên biển của thời kỳ Liên Xô.

Báo cáo cho rằng, chiến lược mới của Hải quân Nga yêu cầu sử dụng tên lửa tầm xa xây dựng năng lực “phòng ngự đa tầng”, những tên lửa này có thể tấn công các mục tiêu ngoài lãnh thổ Nga 1.000 hải lý. Năng lực phòng thủ này là để chống lại tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ.

Những năm gần đây, Hải quân Nga đã được bổ sung lượng nhỏ các tàu hộ vệ Type 22380 và Type 20350
Những năm gần đây, Hải quân Nga đã được bổ sung lượng nhỏ các tàu hộ vệ Type 22380 và Type 20350

Báo cáo viết: “Chiến lược hải quân thời chiến của Nga tập trung sức chú ý vào răn đe hạt nhân chiến lược và phòng thủ đa tầng”.

Sức mạnh cốt lõi của Hải quân Nga là lực lượng tàu ngầm tấn công và tên lửa. Hiện nay, Nga đã có 56 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu ngầm hạt nhân tên lửa, 26 tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình và 18 tàu ngầm tấn công.

Trong khi đó, Hải quân Nga hiện chỉ có 31 tàu chiến mặt nước cỡ lớn, phần lớn đã phục vụ hơn 20 năm.

Tháng 6/2015, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố “lực lượng tàu ngầm hạt nhân là chương trình đóng tàu ưu tiên nhất của hải quân”.

Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ định nghĩa tàu ngầm là “tàu chủ lực” của Moscow, đồng thời cho rằng có nhiều loại tàu ngầm mới đang chế tạo và triển khai. Tàu ngầm tên lửa mới nhất của Nga là lớp Dolgoruky, trang bị tên lửa SS-N-32 Bulava, tầm bắn có thể đạt 5.281 dặm Anh (8.500 km), chiếc tàu loại này đầu tiên hạ thủy tháng 12/2013. Hai chiếc khác sắp biên chế, Nga có kế hoạch chế tạo 8 chiếc trước năm 2020.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Quân đội Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Quân đội Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr

Nga đồng thời còn đang nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công mới để bảo vệ loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược này.

Báo cáo còn chỉ ra, mục tiêu lâu dài của Nga là vũ khí năng lượng cao có khả năng chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa hành trình. Hải quân Mỹ cho rằng Nga đang phát triển vũ khí năng lượng định hướng công nghệ cao như laser. Hơn nữa, Nga thậm chí đang nghiên cứu chế tạo công nghệ pháo ray điện.

ONI khẳng định: “Nga có chương trình nghiên cứu chế tạo công nghệ pháo điện hóa (Electrothermal-chemical, ETC), đây là công nghệ mang tính quá độ trước khi chế tạo pháo ray điện”.

Gần đây, tên lửa Kalibr Nga sử dụng trong cuộc chiến Syria đã đặc biệt gây chú ý. Báo cáo của ONI cho rằng: “Nga có kế hoạch để tất cả các tàu chiến mới có khả năng sử dụng tên lửa Kalibr, bao gồm tất cả tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường, tàu hộ vệ hạng nhẹ, tàu hộ vệ và tàu mặt nước cỡ lớn”.

Ngoài ra, cùng với việc đưa vào sử dụng tên lửa hành trình tấn công đối đất, tất cả các tàu chiến đều đã có khả năng sử dụng đầu đạn thông thường tấn công mục tiêu cố định trên bờ ở cự ly xa.

Nga hầu như sẽ lắp thêm tên lửa Kalibr cho tất cả tàu chiến cũ và tàu ngầm, coi đây là một bộ phận quan trọng của kế hoạch xây dựng hải quân.

Tàu ngầm thông thường lớp Lada Hải quân Nga
Tàu ngầm thông thường lớp Lada Hải quân Nga

Nga hiện nay còn có 2 loại tàu ngầm diesel-điện đang chế tạo, đó là tàu ngầm lớp Sait Petersburg (lớp Lada) và lớp Kilo. Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch đến năm 2020 nghiên cứu chế tạo một loại tàu ngầm tiên tiến hơn đó là lớp Kalina, tức là tàu ngầm lớp Lada lắp hệ thống AIP hợp tác nghiên cứu chế tạo cùng với Trung Quốc.

Trong khi đó, trên phương diện chế tạo tàu chiến mặt nước, Nga có 1 loại tàu hộ vệ hạng nhẹ và 4 loại tàu hộ vệ. Tàu khu trục tên lửa thế hệ mới cũng đã đưa vào kế hoạch. Ngoài ra, Nga còn đang nghiên cứu chế tạo một loại tàu sân bay thế hệ mới.

Báo cáo của Cơ quan tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm PAK-FA mà Nga đang nghiên cứu chế tạo (T-50) sẽ trở thành máy bay trang bị cho tàu sân bay này.

Báo cáo dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga cho hay: “Hải quân Nga đã trang bị công nghệ mới nhất; bao gồm vũ khí tấn công chính xác tầm xa, đồng thời sở hữu công nghệ động cơ hạt nhân của tàu chiến cỡ lớn”. “Hải quân hiện nay có thể thực hiện nhiệm vụ lâu dài, đồng thời đã làm tốt chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực quan trọng trên các đại dương của thế giới”.

Ngoài ra, báo cáo cũng đã nhắc đến “ngư lôi siêu nặng” mà đài truyền hình Nga đưa tin gần đây. Theo báo cáo, Nga đang nghiên cứu chế tạo ngư lôi siêu nặng áp dụng công nghệ tự dẫn đường (loại ngư lôi này có thể dùng để tấn công tàu sân bay).

Ngư lôi siêu nặng UGST Hải quân Nga
Ngư lôi siêu nặng UGST Hải quân Nga

Báo cáo viết: “Ngư lôi UGST lặn sâu và đa năng mới nhất của Nga đã biên chế vào năm 2002”, nó có thể được phóng từ tàu ngầm hoặc tàu chiến mặt nước.

Đối với báo cáo này, tờ Sputnik Nga ngày 29/12 đăng bài viết tựa đề “Hải quân Nga đang thức tỉnh khiến Lầu Năm Góc run lẩy bẩy”.

Bài viết cho rằng, cùng với sự tiến bộ của Hải quân Nga thách thức địa vị bá quyền đơn cực của Washington, Hải quân Trung Quốc cũng đang tiến bộ nhanh chóng.

Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính sách và an ninh Trung Quốc của Quỹ Truyền thống Mỹ, Dean Trần cho rằng, Trung Quốc đã “vượt qua bất cứ lực lượng hải quân mang tính khu vực nào”.

Trong tình hình sức mạnh trên biển bị thách thức, Washington quyết định chi 80 – 92 tỷ USD để nâng cấp lực lượng tàu ngầm của họ. Đầu tháng 12/2015, tàu chiến mới nhất - tàu tuần duyên USS Milwaukee Hải quân Mỹ đã gặp sự cố khi biên chế chưa đầy 1 tháng, buộc phải kéo về Virginia sửa chữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm duyệt nhiều tàu hộ vệ tàng hình mới của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm duyệt nhiều tàu hộ vệ tàng hình mới của Nga

Một chương trình chi tiêu khổng lồ khác của Lầu Năm Góc là tàu khu trục lớp Zumwalt trị giá 3 tỷ USD trở lên, đã bị chỉ trích rất nhiều, cho rằng, thiết kế của nó không thích hợp, cũng không an toàn.

Tàu khu trục tàng hình này đang tiến hành chạy thử trên biển, nhưng số liệu mô phỏng cho thấy, tàu này rất có khả năng không thể hoạt động an toàn trong tình hình biển xấu, nó có thể bị lật bởi sóng biển.

Bài viết kết luận: “Chẳng trách, Washington lo sợ tàu ngầm của Nga”.

Đông Bình