Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ

15/02/2018 07:00
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Phát biểu của các tướng nghỉ hưu, đương chức Mỹ về Biển Đông buộc ta phải xem lại, Hoa Kỳ có thực sự muốn bảo vệ tự do hàng hải, hay chỉ đục nước béo cò?

Trong bài viết trước chúng tôi đã tổng kết những diễn biến mới về cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ trên Biển Đông cuối 2017, đầu 2018.

Trong bài viết này, xin được cùng quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tìm hiểu xem, thực chất chiến lược của Mỹ ở Biển Đông cũng như các đòn bẩy để Mỹ thực hiện chiến lược này.

Thiết nghĩ đây là những vấn đề cần được tìm hiểu, nghiên cứu thấu đáo và làm rõ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta, trong khi Việt Nam và Indonesia được Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Các tướng Mỹ về hưu lo lắng Hoa Kỳ thiếu đòn bẩy ở Biển Đông

Hai sĩ quan cao cấp hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu nhận định, mặc dù chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đã xác định Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất với vị thế Hoa Kỳ trên toàn cầu, nhưng ở Biển Đông sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang suy giảm vả đang đứng trước nguy cơ bị lấn lướt.

Phó đô đốc Thomas Robert, cựu Tư lệnh Hạm đội 7. Ảnh chụp lúc ông Thomas còn đương chức, nguồn: Hạm đội 7.
Phó đô đốc Thomas Robert, cựu Tư lệnh Hạm đội 7. Ảnh chụp lúc ông Thomas còn đương chức, nguồn: Hạm đội 7.

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 3/5 cho biết, cựu Tư lệnh Hạm đội 7 mới nghỉ hưu cách đây không lâu, tướng Robert Thomas, hôm 1/2 phát biểu trong một cuộc hội thảo về Biển Đông tại Trung tâm Hudson đã nhận định:

Kể từ năm 2009 trở lại đây, sức mạnh của Hoa Kỳ ở Biển Đông đã suy giảm tương đối. 

Phó Đô đốc Robert Thomas đã bổ sung thêm rằng:

"Nếu quý vị xem xét dưới góc độ dữ liệu các con số và đích đến của các nguồn tài nguyên (nguồn lực / tài nguyên chiến lược của Hoa Kỳ), thì đó là một sự suy giảm tương đối.

Đối thủ tiềm tàng của chúng ta đã có một sự tích lũy cực lớn về lượng ở khu vực đặc biệt này (Biển Đông), trong khi họ lại chiếm ưu thế về cự ly.

Đối với chúng ta mà nói, bất luận là hậu cần hay các góc độ khác, chúng ta luôn là đội quân 'từ xa đến nên mỏi mệt'.”

Do Hoa Kỳ là một siêu cường toàn cầu và có nhiều mối quan tâm về an ninh, cho nên sức mạnh quân sự Mỹ cũng bị chia năm xẻ bảy ở các điểm nóng khác nhau trên thế giới.

Sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình dường như đã phát đi thông điệp (gửi đến Washington):

“Chúng tôi đang ở đây, và sẽ không đi đâu cả. Các ông nên làm quen với chuyện này đi là vừa!"

Đô đốc Gary Roughead khi còn đương chức Cục trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, ảnh: archive.defense.gov
Đô đốc Gary Roughead khi còn đương chức Cục trưởng Tác chiến Hải quân Mỹ, ảnh: archive.defense.gov

Cũng trong hội thảo này, Đô đốc Gary Roughhead, cựu Cục trưởng Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ, hiện là thành viên nghiên cứu của Trung tâm Hoover, Đại học Stanford, bình luận:

“Việc Hoa Kỳ chỉ bố trí Hạm đội 7 phụ trách cả khu vực Hoa Đông lẫn Biển Đông là không đủ, đồng thời cũng không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới.

Hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông bản thân nó không thể hiện được uy lực cần thiết của Hoa Kỳ, mà chỉ như một dạng phô trương thanh thế cho các cam kết của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương.”

Ngày 6/2, tướng David Goldfein - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phát biểu bên lề Triển lãm Không quân Singapore:

“Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh siêu cường cực kỳ lớn, đòi hỏi quân đội Hoa Kỳ phải đưa ra được các lựa chọn đáng tin cậy để các nhà lãnh đạo dân sự sử dụng làm đòn bẩy trên bàn đàm phán.

Trung Quốc và Nga được Mỹ xác định là đối thủ chiến lược đang tìm cách thay thế trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II. Hoa Kỳ rất cần có các đồng minh, đối tác trong khu vực để chống lại xu thế này.” [1]

Tướng về hưu nhận định như vậy còn tướng đương chức thì nói sao?

Tư lệnh Hạm đội 7: Tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông không có vấn đề gì

Ngày 9/2 tạp chí Time đăng bài phỏng vấn Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer -Tư lệnh Hạm đội 7 thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ.

Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer -Tư lệnh Hạm đội 7 thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ.
Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer -Tư lệnh Hạm đội 7 thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ.

Cuộc phỏng vấn diễn ra vào cuối tháng Giêng 2018 tại sở chỉ huy Hạm đội 7 ở Yokosuka, Nhật Bản. 

Trả lời câu hỏi của Time rằng: Tư lệnh Hạm đội 7 có thể bảo vệ Biển Đông luôn luôn tự do và mở cửa hay không? Phó Đô đốc Phillip G. Sawyer cho biết:

"Trong tương lai gần tôi không thấy nguy cơ tuyến đường hàng hải này có thể bị đóng cửa.

Đó không chỉ là lợi ích của riêng chúng ta (Hoa Kỳ), mà còn có Việt Nam, Thái Lan, tất cả ASEAN, tất cả chúng ta đều có lợi ích ở đây.

Hàng hóa và thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông là rất lớn. Vì thế tôi không thấy bất kỳ ai cố gắng "khóa" Biển Đông.

Nhiều hoạt động của chúng tôi được triển khai theo chuẩn mực quốc tế, nguyên tắc và luật pháp quốc tế. Đây là lý do chúng tôi tiếp tục cho tàu, máy bay hoạt động mở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.

Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ ảnh 4

Mỹ "chấm" Indonesia - Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc lộ bài ứng phó

Vì vậy, tôi không thấy nguy cơ tự do thương mại trên Biển Đông bị hạn chế.

Chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ mới ra mắt gần đây xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. 

Tôi cho rằng, điều quan trọng cần phải nhận ra là, quân đội chỉ là một phần của nhà nước.

Chúng ta có ngoại giao, có kinh tế và các phương diện khác của chính phủ vốn hiện diện khắp các sân chơi trên thế giới. 

Tôi nghĩ rằng những phương diện này quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn nếu so với quân đội.

Tôi cung cấp không gian và các lựa chọn cho lãnh đạo của chúng ta trước khi họ gọi tôi đến.

Tôi nhận ra đã có vấn đề về lãnh thổ ở Biển Đông mà nhiều người tin rằng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó là nhận định phù hợp. 

Nhưng tôi không thấy ai đang cố gắng đóng các cửa các tuyến đường hàng hải quốc tế này như chúng ta nói.

Time đặt câu hỏi: "Ngài quan tâm vấn đề Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ra sao?" Tư lệnh Hạm đội 7 cho biết:

Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ ảnh 5

"Tai nạn máy bay quân sự Trung Quốc tăng không phải tin tốt cho láng giềng"

"Vâng, tôi nghĩ ngay cả Tập Cận Bình cũng nói rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông ấy nói điều này trên bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng, nếu như tôi không nhầm. 

Chúng ta thấy các bước tiến mới đang được thực hiện, các tòa nhà đang được xây dựng và cả những thứ khác.

Họ đã nói là sẽ không làm gì, vì vậy ở cấp chính phủ, chúng tôi cần phải kiểm tra lại và đảm bảo họ phải tuân thủ những gì họ đã cam kết."

"Ngài có thể làm gì nếu Trung Quốc không tuân thủ những cam kết đó?" Phó đô đốc đã trả lời câu hỏi này, rằng:

"Chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề này qua đường ngoại giao. Tôi sẽ chuyển nó qua Bộ Ngoại giao và xem họ có thể làm gì. 

Từ quan điểm quân sự, tôi là một cái búa nếu bạn có một cái đinh. Tôi là một công cụ, nhưng có rất nhiều thứ có thể sử dụng trước khi bạn muốn dùng cái búa. 

Chúng ta thậm chí không phải đang ở bên bờ vực xung đột ở đây, nhất là với Trung Quốc. Họ không muốn chiến tranh với chúng tôi và Hoa Kỳ không muốn chiến tranh với Trung Quốc. 

Nhưng xin lưu ý, chức trách của chúng tôi là sẵn sàng thực hiện bất cứ điều gì chính phủ của chúng tôi cần." [2]

Chúng tôi cho rằng những ý kiến  nhận xét, nhận định khác nhau của các tướng lĩnh về hưu và đang tại chức nói trên đã phản ánh một thực tế rằng:

Mỹ đang loay hoay tìm phương án đối phó với các đối thủ chiến lược của mình, bởi vì Mỹ đang trong trạng thái thiếu đòn bẩy chiến lược trong việc bảo vệ vị thế, vai trò của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. 

Tính toán thực sự của Washington ở Biển Đông qua góc nhìn các tướng Mỹ ảnh 6

Mũi tiến công chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông

Trước tình thế Trung Quốc đã và đang chủ động tạo ra sức mạnh ở Biển Đông gần như không thể đảo ngược, phải chăng giải pháp khả dĩ nhất có thể trong giai đoạn hiện nay đối với Mỹ là xoa dịu bằng con đường ngoại giao: 

"Chúng tôi muốn giải quyết các vấn đề này qua đường ngoại giao. Tôi sẽ chuyển nó qua Bộ Ngoại giao và xem họ có thể làm gì”… 

“Chúng ta có ngoại giao, có kinh tế và các phương diện khác của chính phủ vốn hiện diện khắp các sân chơi trên thế giới.

Tôi nghĩ rằng những phương diện này quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn nếu so với quân đội”…

Và vì vậy, lực lượng Hải quân Mỹ trong thực tế sẽ khó có thể “diễu võ dương oai” như trước đây; mặc dù Tổng thống Donald Trump cho phép họ được phép “tiền trảm hậu tấu”?

Từ thực trạng nói trên, câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ đang thực sự muốn cân bằng lại tầm ảnh hưởng và vị trí địa- chính trị của họ ở Thái Bình Dương với Trung Quốc?

Hay Hoa Kỳ chỉ nhằm mục đích “trục lợi” từ việc chỉ tạo ra và duy trì  tình trạng bất ổn, khủng hoảng ở một mức độ đủ để “đục nước béo cò”, “ngư ông đắc lợi”?

Tất nhiên, làm sao cho “cò” và “ngư ông” phải được tồn tại mới là điều họ phải cân nhắc trong thời đại hiện nay. Cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân Bắc TriềuTiên vừa qua đã là một bài học nhãn tiền về sự tính toán trục lợi đó.

Tuy nhiên, cục diện Biển Đông còn liên hệ mật thiết với những diễn biến địa chính trị khác nữa ở châu Á, đặc biệt là eo biển Đài Loan và bán đảo Bắc Triều Tiên.

Trong khi quả bóng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã xì hơi sau 1 năm bị thổi lên đỉnh điểm, thì eo biển Đài Loan đang có xu hướng nóng trở lại.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đánh giá tình hình và có các nước đi cụ thể nào trên Biển Đông, chúng tôi xin phân tích trong bài viết tới.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.voachinese.com/a/us-south-china-sea-20180202/4237383.html

[2]http://time.com/5133119/us-navy-admiral-phillip-sawyer-japan

Tiến sĩ Trần Công Trục