Tổng biên tập Kanwa chạy sang Nhật để tránh thành công dân Trung Quốc

28/04/2016 09:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Phát biểu của ông Vương Nghị nhắc nhở tôi rằng, mình trước hết cũng bị xem là một công dân Trung Quốc, sau đó mới là một người Hồng Kông .

South China Morning Post ngày 27/4 đưa tin, Andrei Chang, người sáng lập và là chủ bút của tạp chí quân sự khá có ảnh hưởng Kanwa Asian Defence quyết định rời khỏi Hồng Kông sang Nhật Bản vì lo ngại.

Ông có thể phải chịu chung số phận như một số nhà báo, chủ tiệm sách ở Hồng Kông bỗng dưng biết mất. Một thời gian sau, nhưng người này xuất hiện tại cơ quan an ninh Trung Quốc đại lục.

Andrei Chang (người cầm súng), ảnh: SCMP.
Andrei Chang (người cầm súng), ảnh: SCMP.

Đã có 5 người bán sách ở Hồng Kông biến mất một cách bí ẩn, rồi sau đó họ có mặt tại Trung Quốc và đang bị cơ quan an ninh nước này bắt giữ. 2 trong số 5 người này mang quốc tịch của châu Âu.

Andrei Chang sinh ra ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhưng là công dân Canada, đồng thời cũng là công dân Hồng Kông. Ông cho biết:

"Tôi và vợ mình đã quyết định từ tháng Giêng năm nay rằng, phải di chuyển dần nơi ở và văn phòng của mình đến Tokyo vì Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, người bán sách Hồng Kông mất tích Lee Po trước hết là một công dân Trung Quốc.

Phát biểu của ông Vương Nghị nhắc nhở tôi rằng, mình trước hết cũng bị xem là một công dân Trung Quốc, sau đó mới là một người Hồng Kông hay một công dân Canada. Vì vậy sau một vài ngày, tôi đã đến Sở Di trú Hồng Kông hủy bỏ tư cách công dân của mình tại đặc khu hành chính này", Tổng biên tập tờ Kanwa Asean Defence cho hay.

Tờ tạp chí do ông sáng lập và chủ bút thường xuyên đưa tin và bình luận về các hoạt động của quân đội Trung Quốc, chỉ trích tham nhũng. Trước đây Andrei Chang tin rằng, quốc tịch Canada của ông sẽ bảo vệ ông với vai trò chủ bút một tạp chí khi sống tại Hồng Kông, nhưng sự biến mất của một số người bán sách đã khiến ông thay đổi quan điểm.

"Tôi đã đi thăm rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi yêu thích Hồng Kông nhất. Đó là lý do tại sao tôi đưa cả gia đình sang đây từ năm 2004. Hồng Kông rất tuyệt vời vào thời điểm đó, có tự do và công lý. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi", South China Morning Post dẫn lời Andrei Chang cho biết.

Theo tờ báo Hồng Kông này, Andrei Chang đã mất lòng tin vào nguyên tắc "một nước 2 chế độ" sau những tranh cãi về số phận của những người bán sách. 

Hồng Thủy