Tổng thống Brazil bị truất quyền làm sao phá thế "ngồi chơi xơi nước"?

15/05/2016 14:58
Ngọc Việt
(GDVN) - Tuân thủ luật pháp luôn là phẩm chất đầu tiên nhất của người lãnh đạo mà tất cả mọi người dân đều cần tới. Và đó chính là cơ sở đầu tiên cho người lãnh đạo...

BBC ngày 14/5 đưa tin, Tổng thống Brazil tạm bị ngưng chức vụ - bà Dilma Rousseff đã có hành động phản pháo đối thủ, khi chỉ trích chính phủ của quyền Tổng thống Michel Temer là phân biệt sắc tộc và giới tính. Bà Rousseff cho rằng chính phủ mới không thể đại diện cho toàn dân Brazil khi nội các chỉ có toàn nam giới và người da trắng.

Trả lời báo chí, bà Rousseff nhận định: “Những người da màu và phụ nữ chính là nền tảng nếu bạn muốn xây dựng một quốc gia trọn vẹn. Chính phủ mới đang cho thấy họ sẽ cực kỳ bảo thử về mặt văn hoá xã hội”. Chính phủ của bà Rouseff trước đây có 7 nữ Bộ trưởng trong số 31 thành viên nội các.

Bà Rousseff bị Thượng viện Brazil tạm đình chỉ chức vụ Tổng thống hôm 12-5 và chuẩn bị đối mặt với phiên tòa luận tội. Rousseff cáo buộc đối thủ đang ra sức buộc tội mình nhưng bà luôn khẳng định bản thân bà không có tội. Rousseff khẳng định sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại quá trình luận tội mà bà mô tả như một "trò hề" và "phá hoại".

Nhiệm vụ quan trọng lúc này của bà Dilma Rousseff là phải chuẩn bị chứng cứ chứng minh vô tội và thể hiện là lãnh đạo có tầm, giờ chưa phải là lúc phản pháo đối thủ. Ảnh: classfmonline.com.
Nhiệm vụ quan trọng lúc này của bà Dilma Rousseff là phải chuẩn bị chứng cứ chứng minh vô tội và thể hiện là lãnh đạo có tầm, giờ chưa phải là lúc phản pháo đối thủ. Ảnh: classfmonline.com.

Với động thái trên, người viết cho rằng hiện tại chưa phải là lúc bà Dilma Rousseff thể hiện quan điểm như vậy. Việc quan trọng lúc này đối với bà Rousseff là cần phải củng cố lại uy tín cho mình, qua đó lấy lại vị thế cho mình trong đời sống chính trị tại quốc gia lớn nhất Châu Mỹ Latinh này. Chính trường Brazil lúc này đã không còn phù hợp cho bà lên tiếng tấn công đối thủ.


Bà Dilma Rousseff cần phải chứng minh có tài và không có tội

Để ra nông nỗi như ngày hôm nay là do sai lầm của bà Rousseff nhiều hơn là do thủ đoạn của đối thủ. Bà và chính phủ của mình không tìm ra giải pháp thích hợp để có thể đưa Brazil tránh khỏi và thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Sau khi “ăn” hết những gì chính phủ tiền nhiệm để lại, chính phủ Rousseff đã lúng túng và đưa Brazil rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Với việc gần như cả hệ thống chính trị chống lại Rousseff qua việc đồng ý luận tội bà chứng tỏ bản lĩnh chính trị của bà không cao. Với việc hàng chục triệu người dân Brazil xuống đường chống lại bà, kêu gọi bà từ chức chứng tỏ chính phủ của bà không đại diện cho toàn thể người dân Brazil như thành phần nội các đa dạng mà bà xây dựng.

Việc phe đối lập triệt hạ bà và đồng minh “nuôi ong tay áo” Michel Temer phản lại bà dù có thể không được xem là hợp lòng dân, nhưng hiện tại họ đang là người chiến thắng và nắm quyền lực trong tay theo hiến định. Phe đối lập đã chuẩn bị cho hành động của họ từ khá lâu nhưng bà Rousseff vẫn không vượt qua được chứng tỏ hoặc bà kém tài hoặc bà có tội.

Vì vậy, việc bà Rousseff cần làm lúc này là phải có hành động chứng minh bà có tài và không có tội. Có lẽ việc chứng minh tài năng của mình là việc làm hơi khó với bà Rousseff, bởi lẽ bà đã làm Tổng Brazil hai nhiệm kỳ chứ không phải vừa mới được người dân nước này gửi trao quyền lực nên còn chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái với vai trò của mình.

Những việc làm của bà và những hành động của chính phủ bà trong hơn một nhiệm kỳ đã qua là một minh chứng rõ ràng cho sự kém tài và thiếu sang suốt của bà cùng đội ngũ cộng sự. Từ khủng hoảng chính trị đến khủng hoảng kinh tế rồi cuối cùng là khủng hoảng xã hội. Hiện nay khủng hoảng “kép” đã khiến cho cuộc sống của người dân Brazil rất khốn khó.

Hậu quả mà người dân Brazil phải đang gánh chịu có trách nhiệm rất lớn của chính phủ Rousseff khi thiếu những bước đi sáng suốt, chuẩn xác trong việc hoạch định kế hoạch và ban hành chính sách điều hành và quản lý. Bà Rousseff có sai lầm và điều đó có phần do bà và bộ phận tham mưu kém tài.

Khi tạm thời bị loại khỏi chính trường, bà Rousseff đủ điều kiện về thời gian và tâm trí để nhìn nhận sai lầm, thiếu sót của mình cùng cộng sự mình. Bà Rousseff phải nhanh chóng sử dụng một cách có hiệu quả nhất thời gian vàng của mình vào việc sửa sai thông qua việc thiết kế chính sách hợp thời để có thể sử dụng ngay khi quyền lực được tái lập.

Nếu bà thua keo này và bị tước quyền thì những kế sách được xây dựng trong thời gian vàng này sẽ giúp cho bà chuẩn bị cho keo khác trong kế hoạch rửa nhục cho mình. Rousseff không nên lãng phí thời gian vào việc phản pháo đối thủ mà ai cũng nhận ra đó là hành động thể hiện sự cay cú của bà. Trong khi điều đó lại càng chứng minh bà thiếu tầm lãnh đạo.

Tổng thống Brazil bị truất quyền làm sao phá thế "ngồi chơi xơi nước"? ảnh 2

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

(GDVN) - Rousseff đã xem bất đồng chính kiến trong nhân dân như thế lực thù địch, coi những người dân có quan điểm trái ngược với chính phủ như lực lượng...

Mặt khác, bà Rousseff đang phải chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý hết sức cam go mà có thể khiến bà mất tất cả những gì thuộc về sinh mệnh chính trị. Thậm chí bà có thể phải đối mặt với vòng lao lý. Trong lúc này, chuẩn bị với cuộc chiến này là quan trọng nhất, quyết định nhất, cho dù bà luôn khẳng định cuộc chiến pháp lý như một cuộc đảo chính bà.

Rousseff vừa thua trong một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt và khiến cho bà phải rơi vào cảnh “không quyền không lực” cay đắng như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu bà thua trong cuộc chiến pháp lý thì bà không chỉ ngậm đắng nuốt cay, mà nó sẽ đưa vào tinh thế nguy hiểm và chắc chắn là thân bại danh liệt suốt phần đời còn lại của mình.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, ngày 11/5 tuyên bố: “Brazil có một hệ thống pháp luật và đó là một nền dân chủ trưởng thành. Họ có một hệ thống nhằm giải quyết các bất đồng chính trị hiện nay trong nội bộ đất nước họ”.

Nếu bị chứng minh là có tội, Tổng thống Dilma Rousseff có thể bị cách chức vĩnh viễn, theo BBC ngày 18/4. 

Cho dù bà Rousseff luôn khẳng định bà không có tội và lên án phe đối lập, song đó chỉ là cuộc đấu đá chính trị. Khi bước vào cuộc chiến pháp lý thì bà Rousseff phải chứng minh được mình vô tội trước chứng cứ mà phe đối lập đã cung cấp cho toà án. Khi đối mặt với cuộc chiến pháp lý thì bà Rousseff không thể tố cáo mà chỉ được chứng minh và phải chứng minh.

Án tại hồ sơ – đó là tính nghiêm khắc của luật pháp và cũng là sự nguy hiểm cho bà Rousseff trong cuộc chiến pháp lý có thể khiến bà mất cả chì lẫn chài. Trong đấu đá chính trị bà có thể thể hiện quan điểm của mình trước cáo buộc đối thủ là hèn hạ, là không minh bạch, nhưng trong cuộc chiến pháp lý thì quan điểm của bà không có giá trị nếu chứng cứ chống lại bà.

Vì vậy, theo cá nhân người viết thì việc làm hiện nay của bà Rousseff là phải cùng với đội ngũ cố vấn chính trị và luật sư của mình chuẩn bị những chứng cứ pháp lý đủ mạnh để khẳng định trước toà là bà vô tội.

Nếu bà được toà minh oan thì cùng lúc bà tiến hành cuộc chiến pháp lý tiếp theo chống lại đối thủ để có thể đưa tất cả vào rọ vì hành vi cướp quyền bà.

Như vậy, việc quan trọng nhất lúc này của bà Rousseff là phải làm tất cả những gì để có thể chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý sắp tới – luận tội bà. Bà phải tránh lãng phí thời gian và sai lầm trong hành động để không rước thêm hoạ vào thân.

Việc phản pháo đối thủ có thể không rước hoạ cho bà, nhưng nó không tốt cho cuộc chiến pháp lý vì giờ chưa phải là lúc làm việc ấy.
   
Bà Dilma Rousseff phải thể hiện mình là trung tâm của đoàn kết xã hội

Trong khi nắm quyền bà Rousseff đã mắc một sai lầm nghiêm trọng mang tính chiến lược, mà như người viết đã từng phân tích là bà hô hào đấu tranh cho dân chủ những lại có quan điểm và hành động phản dân chủ. Đó là việc bà chỉ xem cuộc đấu tranh của bà với phe đối lập là vì 54 triệu người đã bỏ phiếu cho bà trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Điều đó khiến cho bà Rousseff  trở thành trung tâm của mất đoàn kết xã hội, những mâu thuẫn, chia rẽ trong xã hội Brazil cứ lớn dần theo thời gian bà nắm giữ quyền bính và quản 1ý đất nước rộng lớn này. Phe đối lập đã khai thác triệt để sai lầm này của nữ Tổng thống và tạo nên xung đột xã hội khiên cho bà Rousseff rơi dần vào vòng xoáy “quyền không lực”.

Người dân Brazil vui mừng khi Tổng thống Rousseff bị luận tội – hình ảnh cho thấy nhiệm vụ bà Rousseff là đoàn kết xã hội, chứ không phải cay cú với đối thủ của mình. Ảnh: BBC.
Người dân Brazil vui mừng khi Tổng thống Rousseff bị luận tội – hình ảnh cho thấy nhiệm vụ bà Rousseff là đoàn kết xã hội, chứ không phải cay cú với đối thủ của mình. Ảnh: BBC.

Nguy hại hơn nữa, không những lực lượng không ủng hộ bà dần trở thành đối lập với bà, mà ngay những người ủng hộ bà cũng dần trở nên xa cách với bà. Khi họ không hài lòng với bà một chính sách hoặc hành hành động nào đó là có thể ngầm hiểu, họ không được bà đại diện cho quyền lợi của họ.

Bà Rousseff đã vô tình trở thành đối lập với nhân dân từ sai lầm chết người này.

Những người dân biểu tình chống lại việc luận tội bà Rousseff chưa hẳn đã phải là những người ủng hộ bà mà họ chống lại cuộc chiến pháp lý trên chính trường Brazil hiện nay là vì họ cảm thấy bị gạt ra bên ngoài đòi sống chính trị tại Brazil, trong khi họ là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong việc khẳng định sức mạnh quốc gia.

Có thể thấy rằng bà Rousseff đang “thân cô thế cô” trong cuộc chiến giành quyền lực tại Brazil, mà nguyên nhân chính là bà không thể hiện được mình là trung tâm của đoàn kết xã hội. Điều đó không chỉ gây chia rẽ và khoét sâu mâu thuẫn trong xã hội Brazil mà nó còn thể hiện bà thiếu tầm của người lãnh đạo tài năng.

Giờ là lúc bà cần tĩnh tâm và tìm cách sửa chữa sai lầm chiến lược của mình. Những hành động phản pháo phe đối lập, qua đó thể hiện sự cay cú của bà Rousseff vì bị tước quyền có thể càng làm cho bà mất niềm tin của người dân Brazil. Nó càng chứng tỏ bà thiếu tầm và quá tham vọng quyền lực. Điều đó sẽ khiến họ e dè về thủ đoạn của bà trong cuộc chiến quyền lực.

Điều quan trọng là bà Rousseff phải thể hiện mình đứng trên quyền lực – quyền lực chỉ là cách thức để bà phục vụ tốt nhất người dân mà thôi. Bà phải cho người dân Brazil thấy bà là người tuân thủ luật pháp và qua đó đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật – công cụ mà bà sử dụng trong điều hành và quản lý đất nước.

Tuân thủ luật pháp luôn là phẩm chất đầu tiên nhất của người lãnh đạo mà tất cả mọi người dân đều cần tới. Và đó chính là cơ sở đầu tiên cho người lãnh đạo đoàn kết toàn dân xung quanh mình. Bởi lẽ đó là điều đầu tiên nhất cho thấy người lãnh đạo sẽ công bằng và minh bạch trong việc thực thi quyền lực của mình.

Giáo sư Úc Carol Dalglish, chuyên gia nghiên cứu quản trị và nhà báo - học giả Anh Alex Josey từng nhận định, để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, một cá nhân cần phải có tiêu chuẩn đạo đức cao để người dân noi theo, trong đó có ý thức tuân thủ luật pháp.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là một người có kỷ luật sắt, ông đề ra các quy định pháp luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Và đó là nền tảng giúp cho đất nước Singapore phồn vinh như hiện nay, theo The Straits Times ngày 20/3/2015.

Vì vậy, bà Rousseff cần tập trung vào việc chứng minh bà vô tội trong cuộc chiến pháp lý, điều đó như “một mũi tên trúng nhiều đích” và quan trọng là đều có lợi cho bà. Việc chính phủ mới như thế nào bà không nên quá quan tâm mà hay xem đó là “việc của người ta”, vì vị thế và vai trò của bà lúc này nói gì, thể hiện như thế nào về họ đều không tốt cho bà.

Tóm lại, việc bà Rousseff phải đối mặt với phiên luận tội là việc đã rồi, tiến trình pháp lý cho phiên luận tội cũng đã bắt đầu, vì vậy bà Rousseff cần phải tỉnh táo trong việc thể hiện mình khi đang ở trong tinh thế “không quyền không lực” như hiện nay.

Bà phải xác định chính xác những hành động của mình để làm sao có lợi nhất cho sự nghiệp của bà, dù có được tái lập quyền lực hay không. Và qua đó giúp bà Rousseff có thể sống trong lòng người dân Brazil dù bà từng có những sai lầm làm khổ họ.

Ngọc Việt