Tranh chấp Biển Đông để đời sau giải quyết - kế hoãn binh xảo quyệt

02/06/2013 19:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây còn là kế hoãn binh hết sức nham hiểm và xảo quyệt trên mặt trận ngoại giao - truyền thông để Trung Quốc có thời gian thực hiện "chiến thuật cờ vây" hay "chiến lược cải bắp" để lấn chiếm dần dần các bãi đá, bãi ngầm, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam như những gì họ đã làm ở Scarborough của Philippines hồi năm ngoái và Bãi Cỏ Mây của Việt Nam vừa qua.
Thích Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc phát biểu tại Shangri-la lần thứ 12
Thích Kiến Quốc - Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc phát biểu tại Shangri-la lần thứ 12
Với những căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố "chủ quyền" thời gian qua, giới phân tích dự đoán trong buổi hội nghị toàn thể đối thoại an ninh Shangri-la lần thứ 12 sáng nay sẽ thành nơi "giao tranh" giữa Trung Quốc và Philippines.
Tuy nhiên trong phát biểu của mình, 2 trưởng đoàn Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mặc dù ít nhiều cũng có lời qua tiếng lại nhưng không đến mức kịch liệt như giới phân tích trước đó đã dự đoán. Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc người được cho là phụ trách hoạt động tình báo quân sự đã có bài phát biểu lúc 9 giờ sáng nay cùng đề tài với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin. 2 bên "đối đầu" tại phiên họp toàn thể của Shangri-la 12 sáng nay chủ yếu xoay quanh vấn đề chủ quyền bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham. Trong khi phía Philippines đề xuất giải quyết tranh chấp Scarborough thông qua trọng tài quốc tế thì phía Trung Quốc bác bỏ thẳng thừng, hai bên đã có lời qua tiếng lại về vấn đề này, theo BBC. Đúng như dấu hiệu đã thể hiện trước từ chiều 1/6 khi hội đàm với Tổng tham mưu trưởng Pháp, Thích Kiến Quốc đã né tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bài phát biểu của mình mà chỉ nói 1 câu chung chung, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển nếu không thể giải quyết sớm thì nên gác lại và thông qua đối thoại tìm giải pháp. Chỉ đến khi cử tọa đặt câu hỏi, Thích Kiến Quốc mới đề cập cụ thể quan điểm nên để vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và Biển Hoa Đông cho "các thế hệ sau" giải quyết. Đó là chủ trương được Đặng Tiểu Bình đưa ra, ông ta cho rằng tranh chấp biển đảo là vấn đề khó, trước mắt chưa giải quyết được thì cứ gác lại để cho đời sau giải quyết bởi thế hệ sau sẽ hiểu biết rộng hơn, trí tuệ hơn thế hệ trước. Sở dĩ cái gọi là "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà Đặng Tiểu Bình đưa ra không thể triển khai được trong thực tế bởi Trung Quốc và Đài Loan đều đòi các bên tranh chấp phải thừa nhận "chủ quyền thuộc về Trung Quốc", rồi muốn đàm phán gì thì đàm phán!? Thích Kiến Quốc tiếp tục giải thích về cái gọi là con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc và cho rằng các quốc gia láng giềng không nên lo ngại. Tuy nhiên ngay sau đó ông Quốc cũng nhấn mạnh, tuy Trung Quốc chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, nhưng tuyệt đối không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ "thỏa hiệp vô nguyên tắc". Tất cả những thông điệp của giới chức Trung Quốc về Biển Đông như "gác tranh chấp, cùng khai thác" cũng như "con đường phát triển hòa bình" mà Thích Kiến Quốc đưa ra trong bài phát biểu của mình chỉ là chiêu bài cố tình che lấp âm mưu của Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Đây còn là kế hoãn binh hết sức nham hiểm và xảo quyệt trên mặt trận ngoại giao - truyền thông để Trung Quốc có thời gian thực hiện "chiến thuật cờ vây" hay "chiến lược cải bắp" để lấn chiếm dần dần các bãi đá, bãi ngầm, rặng san hô nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam như những gì họ đã làm ở Scarborough của Philippines hồi năm ngoái và Bãi Cỏ Mây của Việt Nam vừa qua.

Hồng Thủy