Triều Tiên còn lên giọng dọa nạt là do Trung Quốc hậu thuẫn

21/04/2013 08:54
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)
(GDVN) - Chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên có thể được tóm gọn trong cụm từ: "Không chiến tranh, không bất ổn định, không vũ khí hạt nhân".
Một trong nhiều lý do khiến Triều Tiên tiếp tục có các hành động "ngang ngược" trong thời gian gần đây là do vẫn nhận được sự hỗ trợ kinh tế và quan trọng từ Trung Quốc. Đó là lý do tại sao, nước Mỹ, theo đuổi một trong những cách trừng phạt Bình Nhưỡng là cố gắng thuyết phục Bắc Kinh rằng Triều Tiên là láng giềng nhiều rắc rối hơn so với giá trị của mình.
Hai phụ nữ Trung Quốc chụp một bức ảnh trước cầu Hữu nghị Trung-Triều trên sông Áp Lục.
Hai phụ nữ Trung Quốc chụp một bức ảnh trước cầu Hữu nghị Trung-Triều trên sông Áp Lục.

Kể từ khi Triều Tiên bắt đầu tiến hành những hành động khiêu khích mạnh mẽ những tháng gần đây, đã có một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dường như đang ngày càng thất vọng về người hàng xóm của mình. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong đó đưa ra một số lời "khiển trách" tới Triều Tiên, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đăng tải các bài viết chỉ trích Bình Nhưỡng cùng một số dấu hiệu khác chỉ ra rằng người Trung Quốc đang chán Kim Jong-un.
Những động thái này vẽ ra một bức tranh mà nội dung của nó nói rằng Trung Quốc có ảnh hưởng thực sự lớn tới Bắc Triều Tiên thông qua các hỗ trợ thương mại và chính trị. Nếu Trung Quốc không hài lòng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thì các hỗ trợ trên sẽ mất đi.   
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, mọi hành động thể hiện sự cứng rắn và hết kiên nhẫn của Trung Quốc đối với Triều Tiên vẫn chỉ dừng lại ở lời nói. Trên thực tế, Bắc Kinh vẫn đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng. 
Trung Quốc đang xây dựng một cây cầu lớn trị giá 365 triệu USD bắc qua sông Áp Lục - dòng sông biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia này - trong nỗ lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại xuyên biên giới, theo hãng Bloomberg.

Cây cầu này sẽ được lắp đặt hệ thống đường sắt tốc độ cao kết nối biên giới Triều Tiên với một số thành phố lân cận của Trung Quốc. Theo lời các quan chức địa phương và doanh nhân Trung Quốc nói với Bloomberg, cuộc khủng hoảng chính trị gần đây ở Triều Tiên không ảnh hưởng tới thương mại song phương. 
Kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt tổng cộng khoảng 590 triệu USD trong quý trước, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một nguồn thu nhập quan trọng cho Bình Nhưỡng, quốc gia rất cần tất cả các nguồn thu nhập ngoại tệ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Triều Tiên có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thực chất không ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai chính phủ.
Hai tuần trước, một số báo cáo cho rằng Đan Đông, nơi cây cầu bắc qua sông Áp Lục đang được xây dựng, đã đóng cửa biên giới với khách du lịch Trung Quốc - một động thái có thể làm hạn chế lượng tiền mặt từ Trung Quốc đổ vào Triều Tiên như một động thái xử phạt đối với hành vi của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thông tin này chưa từng được xác nhận chính thức.
Vậy tại sao Trung Quốc vẫn hỗ trợ Bắc Triều Tiên, mặc dù không hài lòng với các động thái gần đây của quốc gia này? Câu trả lời, theo Washington Post, nằm trong chính sách của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên có thể được tóm gọn trong cụm từ: "Không chiến tranh, không bất ổn định, không vũ khí hạt nhân".   Đó cũng chính là thứ tự ưu tiên của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn vũ khí hạt nhân, đó là lý do tại sao họ tức giận về các động thái gần đây của Bình Nhưỡng. Nhưng họ còn không muốn nhà nước Triều Tiên sụp đổ hoặc rơi vào hỗn loạn, bị đẩy đến bờ vực chiến tranh nhiều hơn nên họ vẫn hỗ trợ kinh tế và thương mại qua biên giới như một cách tốt nhất để giữ nguyên hiện trạng. Và đó là hiện trạng mà Trung Quốc quan tâm nhất.
Nguyễn Hường (nguồn Washington Post)