"Triều Tiên mới thực sự là cao thủ kiềm chế Trung Quốc"

18/01/2016 11:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Với Bình Nhưỡng, việc sở hữu vũ khí hạt nhân để duy trì khả năng răn đe với Hoa Kỳ hay Trung Quốc cũng đều quan trọng như nhau.

Kerry Brown, một học giả từ Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh ngày 9/1 bình luận trên BBC tiếng Trung Quốc, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un mới thực sự là cao thủ trong việc kiềm chế Bắc Kinh.

Lính Trung Quốc gác trước cửa đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, ảnh: AP/BBC.
Lính Trung Quốc gác trước cửa đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh, ảnh: AP/BBC.

Từ khi Bắc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần đầu năm 2006, giới học giả và các nhà bình luận Trung Quốc đã chia thành 2 luồng quan điểm khác nhau.

Luồng quan điểm thứ nhất tin rằng, kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có lợi cho Trung Quốc trong việc lái sự chú ý của dư luận quốc tế. Đồng thời nó còn làm cho Mỹ cùng đồng minh phải nhức đầu, do đó phân tán được sự "chú ý thù địch" nhằm vào Trung Quốc.

Bắc Kinh nhận thấy rõ điều này và lợi dụng nó để tìm kiếm lợi ích cho mình. Những người này tin rằng Bắc Kinh có thừa con bài để kiểm soát Bình Nhưỡng.

Còn luồng quan điểm thứ hai cho rằng, về danh nghĩa thì Triều Tiên là một nước láng giềng và đồng minh của Trung Quốc, nhưng trên thực tế lại là "gánh nặng" chuyên "tống tiền" Bắc Kinh. 

Từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã xuất ngoại công du 37 quốc gia nhưng chưa từng đặt chân sang nước láng giềng Đông Bắc Á này. Cũng như vậy, ông Kim Jong-un từ lúc kế nghiệp cha lên làm lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên cũng chưa từng đến Trung Quốc như ông nội và cha mình đã làm.

Nhìn lại 4 lần Bắc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, lời lẽ chỉ trích của Trung Quốc ngày càng trực tiếp và gay gắt hơn. Tuy nhiên trong hành động thực tế, lãnh đạo Trung Quốc đã có sự kiềm chế rõ rệt.

Lý do theo Kerry Brown, đơn giản là dù chính quyền Triều Tiên hiện nay có làm Bắc Kinh đau đầu, nhưng vẫn còn những khả năng khác khiến Bắc Kinh lo sợ hơn.

Thứ nhất là nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất về một mối dưới ngọn cờ của Hàn Quốc thì sẽ giúp Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong ở Đông Bắc Á. Thứ hai, nếu để xã hội Triều Tiên rối loạn, thì nước bị ảnh hưởng trực tiếp cũng chính là Trung Quốc.

Sự cố Triều Tiên đột ngột hủy diễn và rút ban nhạc nổi tiếng Moranbong về nước đã đánh dấu một bước "tụt hạng" mới trong quan hệ Trung - Triều, ảnh: BBC.
Sự cố Triều Tiên đột ngột hủy diễn và rút ban nhạc nổi tiếng Moranbong về nước đã đánh dấu một bước "tụt hạng" mới trong quan hệ Trung - Triều, ảnh: BBC.

Do đó, mặc dù còn nhiều người tin rằng Trung Nam Hải có thừa con bài để khống chế, kiểm soát Triều Tiên, nhưng thực tế những ngày qua phản ứng của Trung Quốc cho thấy khả năng này rất hạn chế, nếu không muốn nói là Trung Quốc cũng đang bí và bực.

Bắc Triều Tiên cũng không tin và có tâm lý đề phòng đối với nước láng giềng Trung Quốc. Đối với Bình Nhưỡng, việc sở hữu vũ khí hạt nhân để duy trì khả năng răn đe với Hoa Kỳ hay Trung Quốc cũng đều quan trọng như nhau.

Kerry Brown kết luận, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, "đồng minh" Bắc  Triều Tiên thực sự là một gánh nặng lâu dài nhưng không có cách nào quẳng xuống, mà cũng chẳng có ách nào để đối phó hiệu quả.

Chính sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Bắc Triều Tiên lâu nay được Kerry Brown cho là cũng không khác gì Tổng thống Mỹ Barack Obama: Mặc kệ Bình Nhưỡng, để Bắc Triều Tiên bị gạt ra bên lề phát triển của nhân loại.

Tuy nhiên với vụ "thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch" mà Bình Nhưỡng tuyên bố hôm 6/1, Bắc Kinh có lẽ sẽ phải ra tay. Nếu theo đường lối ôn hòa, ông Tập Cận Bình có thể thăm Bình Nhưỡng. Nếu cứng rắn, Bắc Kinh có thể gây áp lực với Washington để khôi phục đàm phán 6 bên.

Một khi các tình huống dự đoán nêu trên xảy ra thì đó chính là một minh chứng hùng hồn mà Bình Nhưỡng muốn thể hiện trước cộng đồng quốc tế, họ vẫn là cao thủ trong việc kiềm chế, thao túng Bắc Kinh chứ không phải Triều Tiên là "chư hầu kiểu mới" của Trung Quốc như người ta vẫn nghĩ.

Hồng Thủy