Triều Tiên nghi binh hư hư, thực thực khiến Mỹ - Nhật - Hàn mệt mỏi

11/04/2013 19:00
Nguyễn Hường (nguồn CNA)
(GDVN) - Những nỗ lực có chủ đích của Triều Tiên như một chiến thuật tâm lý nhằm gây ra sự hoang mang, nhầm lẫn, đánh lạc hướng chứ chưa chắc chắn rằng sẽ diễn ra một vụ phóng tên lửa.

Triều Tiên đã nhiều lần di chuyển loanh quanh như một nỗ lực nhằm gây rối loạn phán đoán của những người thu thập thông tin tình báo ngoài nước trước khi tiến hành kế hoạch phóng tên lửa.
Triều Tiên liên tục thay đổi vị trí các tên lửa để gây nhiễu cho hệ thống tình báo nước ngoài.
Triều Tiên liên tục thay đổi vị trí các tên lửa để gây nhiễu cho hệ thống tình báo nước ngoài.

Theo Yonhap, khi phân tích các thông tin tình báo, các quan chức Hàn Quốc nhận thấy Triều Tiên đã nhiều lần di chuyển 2 tên lửa Musudan tầm trung ra vào một nhà kho thuộc căn cứ ở ven biển phía đông nước này những ngày qua. Đồng thời, ít nhất là 5 xe phóng tên lửa di động khác cũng liên tục được thay đổi địa điểm và vị trí.
Giới tình báo Hàn Quốc nhận định rằng Triều Tiên có thể bắn tên lửa bất kỳ lúc nào trong thời gian tới và đang theo dõi chặt chẽ mọi biến động của quân đội nước láng giềng.
Tuy nhiên, một nguồn tin tình báo khác của Hàn Quốc thì cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang chơi trò "mèo vờn chuột" với hy vọng Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ thấy "mệt mỏi" sau khi phải duy trì nhiều ngày việc thiết lập tình trạng cảnh giác cao độ và liên tục thay đổi các biện pháp ứng phó với các mối đe dọa bằng "miệng". 

Triều Tiên được giới phân tích quốc tế đánh giá là một quốc gia "nguy hiểm và khó đoán trước".
Triều Tiên được giới phân tích quốc tế đánh giá là một quốc gia "nguy hiểm và khó đoán trước".

Các động thái như vậy có thể là những nỗ lực có chủ đích của Triều Tiên như một chiến thuật tâm lý nhằm gây ra sự hoang mang, nhầm lẫn, đánh lạc hướng chứ chưa chắc chắn rằng sẽ diễn ra một vụ phóng tên lửa - nguồn tin nói  thêm. 
Triều Tiên được cho là khá thành thạo trong việc gây nhiễu hệ thống gián điệp của nước ngoài trong quá khứ. Gần đây nhất là sự kiện Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa trong tháng 12/2012. Mặc dù Mỹ và Hàn Quốc đã giám sát Triều Tiên chặt chẽ bằng vệ tinh nhưng tới hơn 1 giờ sau họ mới hay biết về vụ việc khi Bình Nhưỡng công bố ảnh.                                                                                                                                                                                                  
Khi được hỏi về động thái trên của Bình Nhưỡng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối trả lời phóng viên AFP với lý do không muốn tiết lộ thông tin về khả năng thu thập tin tức tình báo. 
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, khi được hỏi về các báo cáo, cho biết chính phủ của ông đang làm mọi thứ có thể "để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của nhân dân" và Tokyo chú ý tới "tất cả các loại thông tin và chia sẻ chúng tới Mỹ và Hàn Quốc.
Nguyễn Hường (nguồn CNA)