Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ lên án mạnh mẽ Trung Quốc bành trướng Biển Đông

26/03/2016 07:22
Đông Bình
(GDVN) - Cho dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận vụ kiện, kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc vẫn có hiệu lực ràng buộc.

Tờ Minh Kính Hồng Kông ngày 25/3 cho biết, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ vừa đến thăm Đức và ông đã tập trung phê phán các hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ

Ông Daniel Russel đã bỏ ra khá nhiều thời gian để nói về quan điểm của Mỹ đối với tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là vấn đề Biển Đông, tập trung chỉ ra các hành vi quân sự hóa Biển Đông do Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp.

Daniel Russel cho rằng, sau khi Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) ra đời, vẫn có một số nước bố trí các phương tiện quân sự, nhưng quy mô không lớn, chẳng hạn xây dựng đê chắn sóng, đường băng nhỏ.

Nhưng trong 2 năm qua, mặc dù bị các bên phản đối, Trung Quốc vẫn bồi đắp, tạo ra nghìn mẫu đất, dựng lên 7 tiền đồn (quân sự) ở các đá san hô, xây dựng đường băng và các công trình quân sự, quy mô lớn, vượt tổng số tất cả các bên khác trong mấy chục năm qua.

Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo

Ông Daniel Russel đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc cam kết không tiến hành quân sự hóa Biển Đông mà lại làm như vậy? Đây là vấn đề nan giải gây ra bởi Trung Quốc nói không đi đôi với làm, lời nói và việc làm “mâu thuẫn” với nhau.

Trung Quốc nói xây dựng những công trình như vậy là để “bảo vệ người dân”, nhưng trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp cơ bản không có cư dân sinh sống.

Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam
Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam

Trung Quốc nói muốn “hỗ trợ ngư dân”, nhưng lại xua đuổi (và đâm chìm) tàu cá của Philippines, Malaysia và Việt Nam, “đó cũng là ngư trường truyền thống của họ”.

Trung Quốc nói muốn dùng để “đo đạc khí tượng”, nhưng họ lại triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Trung Quốc nói muốn tiến hành “cứu trợ nhân đạo”, nhưng không phối hợp với các nước khác, lại còn xây dựng bất hợp pháp 3 đường băng, bố trí sân bay quân sự ở khu vực hiếm có người ở.

Trung Quốc còn nói muốn “bảo vệ tự do hàng hải, hàng không”, nhưng họ lại bố trí radar quân sự để thách thức tàu thuyền và máy bay của nước khác. Cho dù đó là vùng biển quốc tế thì người ta cũng phải tránh xa.

Ông Daniel Russel bình luận, Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để nói yêu sách của họ "không thể tranh cãi", điều này sẽ đóng mọi cánh cửa lớn có thể dẫn đến trao đổi, thỏa hiệp dẫn tới không có không gian để thông qua các biện pháp ngoại giao làm giảm căng thẳng, tất cả mọi hành vi của Trung Quốc càng làm cho các nước láng giềng xa lánh.

Trung Quốc tổ chức diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc tổ chức diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Về việc Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 sắp có kết quả, ông Daniel nhắc nhở, phán quyết của tòa sẽ làm rõ hiệu lực pháp lý của các thực thể tranh chấp trên Biển Đông đến đâu, chứ không phán quyết chủ quyền các thực thể này thuộc bên nào.

Cho dù Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận vụ kiện, kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc vẫn có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, trong đó có Trung Quốc và Philippines.

Phán quyết của Tòa cũng sẽ thu hẹp lớn phạm vi vùng biển tranh chấp, không chỉ đối với tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, mà phạm vi tranh chấp giữa các bên khác cũng sẽ giảm.

Daniel Russel nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là, kết quả trọng tài có thể trở thành một điểm chuyển ngoặt, cũng tức là trong thời gian tới sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao mang tính tích cực và xây dựng để tìm kiếm giải pháp tạm thời, mở ra cánh cửa hợp tác để làm giảm tình hình căng thẳng.

Mỹ không có lý do ngăn chặn Trung Quốc, Mỹ hy vọng một nước Trung Quốc ổn định, phồn vinh, đây cũng là lợi ích của Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định gây xung đột với đối phương.Nói kinh tế Mỹ đang suy yếu thì còn quá sớm. Kinh tế Mỹ vẫn tương đối tốt.

Ông cho rằng, cần làm cho sự phát triển của khu vực tuân thủ các quy tắc quốc tế, dựa vào pháp trị, giải quyết hòa bình tranh chấp. Ông khuyến khích, mặc dù Đức và châu Âu không nằm ở Thái Bình Dương, nhưng những tiếng nói ủng hộ sẽ rất quan trọng đối với Mỹ.

Chuyên gia Gregory Poling, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS)
Chuyên gia Gregory Poling, Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS)

Thời khắc nguy hiểm

Cũng liên quan đến vụ kiện của Philippines, Gregory Poling, chủ nhiệm chương trình Sáng kiến hàng hải, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ vừa cho rằng, tình hình Biển Đông năm nay sẽ căng thẳng hơn năm 2015. Bởi vì:

Một là vụ kiện Biển Đông của Philippines sẽ có kết quả, chắc chắn sẽ có một bộ phận bất lợi cho Trung Quốc, thách thức yêu sách “đường chín đoạn” và cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc.

Đến khi đó, Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng và đáp trả, cộng đồng quốc tế sẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tháng 6 – 7 năm nay sẽ là một thời khắc nguy hiểm.

Hai là, năm nay Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng các công trình quân-dân dụng mà họ xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, ngày càng tăng cường kiểm soát thực tế vùng trời Biển Đông, tình hình khách quan sẽ bất lợi cho Mỹ.

Gregory Poling cho rằng, Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc chọc thủng chuỗi đảo thứ nhất về quân sự, nhưng Trung Quốc có thể duy trì sách lược quân sự “vùng xám” để chống lại.

Hiện nay, Mỹ đang tìm cách tăng cường năng lực hàng hải cho đồng minh để ứng phó với sự thay đổi của tình hình trong 10 – 15 năm tới, nhưng Biển Đông không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự.

Đông Bình