Trung - Mỹ vờn nhau ở Biển Đông và hướng đi nào cho các nước nhỏ?

26/10/2016 10:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Giải pháp cho các nước nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng gay gắt ở Biển Đông: Không ngả theo Trung Quốc, cũng không ngả theo Mỹ.

South China Morning Post ngày 25/10 đưa tin, các chuyên gia tin rằng Mỹ có khả năng tăng cường tuần tra các đảo tranh chấp ở Biển Đông sau khi chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương có dấu hiệu lung lay.

Giới phân tích Trung Quốc nhận định, việc thứ Sáu tuần trước Hoa Kỳ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dcatur tuần tra gần đảo Phú Lâm và Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) là để trấn an đồng minh và đối tác, sau một bước lùi của chiến lược xoay trục.

Các quan chức Mỹ tiết lộ thông tin về hoạt động tuần tra này sau khi Bắc Kinh và Manila ra tuyên bố chung, hai bên tìm cách giải quyết tranh chấp Biển Đông qua đàm phán, thương lượng.

Học giả Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ tăng cường tuần tra

Nghê Lạc Hùng, một nhà quan sát quân sự ở Thượng Hải nhận định: "Mỹ đã mất điểm tựa của chiến lược xoay trục sang châu Á khi Philippines thay đổi chính sách đối ngoại, ngừng đối đầu với Trung Quốc.

Để kiểm soát thiệt hại đối với quyền bá chủ của mình và trấn an các đồng minh, Mỹ không thể ngồi nhìn mà không làm gì cả."

Hải quân Mỹ và Malaysia trong một cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ảnh: Philstar.
Hải quân Mỹ và Malaysia trong một cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ảnh: Philstar.

Hu Bo, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu biển tại Đại học Bắc Kinh tin rằng, khi nào chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ còn hiệu lực, khi đó Washington sẽ tiếp tục thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực.

Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho hay, Mỹ đã tính đến việc tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia và vùng lãnh thổ có yêu sách ở Biển Đông để thách thức Trung Quốc.

Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền và quyền lợi hàng hải ở Biển Đông. 2 đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Australia cũng có thể có những hoạt động chung với Hoa Kỳ trong tương lai. 

"Nếu không tìm được con bài chốt hạ, Mỹ có thể sẽ phải trực tiếp nhúng tay vào. Họ sẽ phải chứng minh rằng mình sẽ không rời khỏi khu vực." Ông Kiệt bình luận.

Những gì xảy ra tiếp theo trên Biển Đông phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc

Giáo sư Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Ishak ISEAS-Yusof, Singapore cho biết:

"Nếu Trung Quốc chọn phản ứng thách thức các hoạt động này của Mỹ, căng thẳng sẽ tăng lên. Nếu Trung Quốc chỉ đơn thuần phản đối thì tôi không nghĩ rằng hai bên sẽ tăng mức đánh cược."

Euan Graham, Giám đốc An ninh quốc tế Viện Lowy của Australia bình luận, chuyến tuần tra tự do hàng hải hàng không ở khu vực Hoàng Sa của Mỹ có thể không cố tình diễn ra đúng thời điểm chuyến thăm Trung Quốc của Rodrigo Duterte.

Nếu có một yếu tố chính trị trong thời điểm này, thì nhiều khả năng Nhà Trắng cảm thấy cần thực hiện một hoạt động trước cuộc bầu cử Mỹ, giảm áp lực cho các nhà lãnh đạo kế nhiệm.

Chiến hạm USS Decatur đã không tiến vào bên trong 12 hải lý lãnh hải của Phú Lâm, Tri Tôn, nhưng nó vượt qua cái gọi là "đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải" mà Bắc Kinh tuyên bố (năm 1996, bóp méo Điều 47 UNCLOS 1982). [1]

Mỹ chẳng làm được gì hơn, Trung Quốc thừa cơ lấn tới từng bước

Mặc dù hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không mà Mỹ tiến hành ở Hoàng Sa theo cá nhân người viết là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nhưng cũng chưa giải quyết được vấn đề gì.

Trung - Mỹ vờn nhau ở Biển Đông và hướng đi nào cho các nước nhỏ? ảnh 2

Ông Duterte mang được gì về cho Philippines từ Trung Quốc mới là điều quan trọng

(GDVN) - Hành xử như thế mới thực sự là khôn khéo, mới có thể tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình khi ông Duterte đảm nhiệm cương vị Tổng thống.

Theo Reuters, một số quan chức quân sự Mỹ tiết lộ, việc điều chiến hạm đến Hoàng Sa tuần trước là của Hạm đội 3 đóng tại San Diego, Hoa Kỳ, thay vì lực lượng của Hạm đội 7 đồn trú tại Nhật Bản. [2]

Bình luận về việc Hạm đội 3 hải quân Hoa Kỳ cho tàu USS Decatur tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa, Lục Khảng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng:

Nếu hành động của Mỹ làm tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc tự nhiên sẽ phản đối họ.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Lý Kiệt phát biểu trên South China Morning Post, Trung Quốc sẽ phản ứng với các thách thức của Mỹ bằng cách mở rộng sự hiện diện của mình, tăng cường phòng thủ trên các đảo (chiếm đóng bất hợp pháp).

Người viết cho rằng, đây mới là điều nguy hại và khó đối phó.

Ông Kiệt lưu ý, trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ phản ứng cứng rắn hơn, nhưng xử lý các tình huống tương tự một cách kiềm chế. Tóm lại Trung - Mỹ vẫn tiếp tục cạnh tranh, nhưng không để mất kiểm soát tạo thành chiến tranh, xung đột.

Trung - Mỹ "làm màu" trong khu vực và giải pháp nào cho các nước nhỏ?

Hiroshi Murayama, phóng viên báo Nikkei Asian Review ngày 25/10 có bài phân tích giải pháp cho các nước nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ ngày càng gay gắt ở Biển Đông: Không ngả theo Trung Quốc, cũng không ngả theo Mỹ.

Thời Chiến tranh Lạnh, các mối quan hệ quốc tế gần như nằm trong tay một số chính trị gia hàng đầu nên mới dẫn đến hiện tượng chia phe, thân Mỹ hay thân Liên Xô, thân Trung Quốc.

Ngày nay các quốc gia Đông Nam Á được tạo thành từ một tập hợp đa dạng các lợi ích khác nhau, nên rất khó cho các nước theo đuổi chính sách đối ngoại "chọn phe" trong một thời gian dài.

Nhìn vào quan hệ đối tác thương mại của Philippines, một quốc gia đang được chú ý vì những phát ngôn "xoay trục 180 độ" của ông Rodrigo Duterte có thể thấy điều này.

Năm 2015, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines là Nhật Bản với 21,1% tổng kim ngạch, tiếp theo là Mỹ 15%, Trung Quốc 10,9% và Hồng Kông 10,6%.

3 nhà xuất khẩu lớn nhất vào Philippines là Trung Quốc chiếm 16,2% tổng kim ngạch, Mỹ 10,8% và Nhật Bản 9,6%.

Do đó quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc không phải chuyện gì đáng ngạc nhiên. Cũng không có gì lạ khi các nước Đông Nam Á cố gắng giảm bớt căng thẳng chính trị và tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc.

Chiến lược ngoại giao của các nước Đông Nam Á dựa trên một sự cân bằng giữa an ninh và kinh tế. Kết quả là các nước này phải di chuyển qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ - Nhật, phụ thuộc vào tình hình mỗi thời kỳ.

Tuy nhiên không có cái gọi là "bao vây chống Trung Quốc" như Bắc Kinh vẫn tuyên truyền, cũng không có cái gọi là bao vây chống Mỹ - Nhật.

Trong khi ông Rodrigo Duterte nghiêng về phía Trung Quốc khiến các quan chức an ninh Mỹ - Nhật cảm thấy sốc, thì Tổng thống Indonesia Joko Widodo vốn ngả về phía Trung Quốc sau khi nhậm chức, nhưng gần đây ngày càng phản đối Trung Quốc bành trướng Biển Đông, bằng cách tăng cường phòng thủ, triển khai diễn tập quân sự ngoài khơi Natuna.

Lúc mới nhậm chức, ông Joko Widodo thăm Nhật Bản và Trung Quốc, để 2 nước đọ sức với nhau chọn ra nhà thầu cho dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc. 

Bắc Kinh thắng thầu nhờ điều kiện ưu đãi nhiều hơn. Tuy nhiên đã có những thông tin cho thấy, Joko Widodo sẽ chọn Nhật Bản làm nhà thầu cho các dự án xây dựng đường sắt cao tốc tới đây tại Indonesia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh năm 2012. Ảnh: Defense.gov.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh năm 2012. Ảnh: Defense.gov.

Việt Nam cũng rất khéo léo và cân bằng tinh tế trong quan hệ với các nước lớn. Đầu tháng này Việt Nam cho phép tàu quân sự Mỹ thăm cảng Quốc tế Cam Ranh thì thứ Bảy tuần trước, tàu quân sự Trung Quốc cũng được phép cập cảng này.

Tại Thái Lan, một cuộc đảo chính quân sự năm 2014 khiến lo lắng của một số tờ báo Mỹ đã thành sự thật khi Bangkok ngả gần hơn về phía Bắc Kinh.

Tuy nhiên Thái Lan đã (rất tỉnh táo khi) chọn Nhật Bản làm đối tác tham gia dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Bangkok với Chiang Mai. 

Với một dự án riêng biệt khác xây dựng một tuyến đường sắt xuyên quốc gia đoạn qua Thái Lan, Bangkok đã hợp tác với Bắc Kinh, nhưng dường như vẫn đang cố gắng gia tăng gây sức ép với Bắc Kinh trên bàn đàm phán, bằng cách tăng cường quan hệ với Nhật Bản để làm đối trọng.

Chuyến thăm Trung Quốc vừa qua và chuyến thăm Nhật Bản bắt đầu từ hôm qua của Tổng thống Rodrigo Duterte không nằm ngoài chiến lược cân bằng này. 

Sự thay đổi chính sách ngoại giao của các nước nhỏ tùy thuộc vào tình hình trong nước và quốc tế. Rodrigo Duterte cũng có thể sử dụng chiến thuật đàm phán này để tối đa hóa lợi ích cho Philippines khi đi giữa Trung - Mỹ, Trung - Nhật. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2039805/us-likely-increase-patrols-disputed-islands-south-china

[2]http://www.reuters.com/article/us-southchinasea-usa-thirdfleet-idUSKCN12P0C4

[3]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Southeast-Asian-diplomacy-is-China-neutral

Hồng Thủy