Trung Quốc: Năm 2020, vệ tinh Bắc Đẩu sẽ phủ sóng toàn cầu

19/05/2012 16:37
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Trung Quốc chuẩn bị hoàn thành bước thứ hai của quy hoạch hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, dự kiến năm 2020 sẽ phủ sóng toàn cầu.

Phủ sóng toàn cầu vào năm 2020

Theo thông tin từ hội nghị thường niên học thuật dẫn đường vệ tinh Trung Quốc lần thứ ba vừa khai mạc tại Quảng Châu ngày 16/5, với việc hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc được vận hành thử vào tháng 12/2011 và việc phóng thành công vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu thứ 12 và 13 theo phương thức “1 tên lửa đẩy, 2 vệ tinh” vào tháng 4/2012, những tính năng như định vị, dẫn đường, báo giờ của hệ thống Bắc Đẩu do TQ chế tạo đã được cải thiện, dịch vụ ứng dụng ngày càng mở rộng đến các lĩnh vực như giao thông vận tải, khí tượng, nghề cá, lâm nghiệp, đo vẽ bản đồ… Việc ứng dụng dẫn đường Bắc Đẩu có xu thế phổ biến và phục vụ cho các ngành nghề, đã có hiệu quả xã hội, kinh tế rõ rệt.

Ngày 30/4/2012, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc, tên lửa đẩy Trường Chinh-3B đã đưa 2 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu lên quỹ đạo.
Ngày 30/4/2012, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, Trung Quốc, tên lửa đẩy Trường Chinh-3B đã đưa 2 vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu lên quỹ đạo.

Theo Nhiễm Thừa Kỳ, Chủ nhiệm Văn phòng Quản lý Hệ thống dẫn đường vệ tinh Trung Quốc, hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu Trung Quốc đang thực hiện quy hoạch tổng thể “ba bước đi” theo yêu cầu, đồng thời hình thành con đường phát triển tập trung vào khu vực, hướng ra thế giới: 

Bước thứ nhất, năm 2000 TQ xây dựng được hệ thống thử nghiệm dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, làm cho Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới sở hữu hệ thống dẫn đường vệ tinh tự chủ.

Bước thứ hai, xây dựng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, năm 2012 xây dựng được khả năng dịch vụ phủ sóng một phần khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bước thứ ba, khoảng năm 2020, xây dựng được khả năng phủ sóng toàn cầu cho hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu.

Căn cứ vào kế hoạch phát triển, hệ thống Bắc Đẩu sắp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “bước thứ hai”, hệ thống đã cung cấp dịch vụ vận hành thử, các chỉ tiêu tính năng đáp ứng yêu cầu dịch vụ khu vực, trong năm nay sẽ tiếp tục phóng 3 vệ tinh cho hệ thống này, vào khoảng cuối năm 2012 chính thức cung cấp các dịch vụ như định vị, dẫn đường, báo giờ (thụ động) miễn phí cho các khách hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu sẽ cung cấp nhiều dịch vụ dân sự và quân sự.
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu sẽ cung cấp nhiều dịch vụ dân sự và quân sự.

Tốc độ định vị của “Bắc Đẩu” ưu việt hơn GPS?

Ngày 16/5, Dương Nguyên Hỉ, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc trả lời phỏng vấn cho biết, tỷ lệ đóng góp về độ chính xác, tính ổn định, độ tin cậy đối với dẫn đường trên toàn thế giới của hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu có thể đạt 23,6%.

Mặc dù “Bắc Đẩu” hiện đứng trước rất nhiều thách thức, nhưng Dương Nguyên Hỉ vẫn tin vào thị phần quốc tế của nó. Ông cho rằng, mục tiêu tương lai của “Bắc Đẩu” sẽ là chiếm 80% thị phần ở Trung Quốc và cạnh tranh 20% thị trường toàn cầu.

Hiện nay, GPS của Mỹ, “Bắc Đẩu” của Trung Quốc, GLONASS của Nga, Galileo của châu Âu đã hình thành cục diện “tứ cường tranh bá” về dẫn đường vệ tinh quốc tế.

Đối với vấn đề này, Dương Nguyên Hỉ cho rằng, so với hệ thống định vị toàn cầu nổi tiếng thế giới GPS của Mỹ, tốc độ định vị và độ chính xác báo giờ lần đầu tiên của “Bắc Đẩu” đều cho thấy tốt hơn so với GPS.

Theo Dương Nguyên Hỉ: “Sau khi hoàn thành kết nối mạng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, định vị khách hàng hệ thống, trao đổi điện văn (thông điệp truyền thông) và báo cáo vị trí chỉ cần vài giây, trong khi đó định vị lần đầu tiên của GPS phải cần tới 1-3 phút”.

Ngoài ra, theo tuyên truyền của Bắc Kinh, “Bắc Đẩu” của Trung Quốc còn là hệ thống dẫn đường vệ tinh đầu tiên trên thế giới tích hợp cả định vị, báo giờ và trao đổi điện văn ngắn, điều này cũng sẽ nâng cao sức cạnh tranh thị trường cho hệ thống Bắc Đẩu.

Một sản phẩm đầu cuối ứng dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu.
Một sản phẩm đầu cuối ứng dụng hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu.

Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu có kế hoạch phóng 5 vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh và 30 vệ tinh quỹ đạo không địa tĩnh, đến khoảng năm 2020, xây dựng được hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu. So với hệ thống GPS có 31 vệ tinh của Mỹ, chương trình GLONASS có 24 vệ tinh của Nga, quy mô của “Bắc Đẩu” lớn hơn.

Dương Nguyên Hỉ cho biết, lĩnh vực ứng dụng của hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu hiện đang tích cực nghiên cứu phát triển điện thoại di động sử dụng “chip tích hợp”, kiêm cả hai hệ thống dẫn đường vệ tinh lớn là “Bắc Đẩu” và GPS, chắc chắn khách hàng sẽ không phải đợi lâu sẽ có thể được dùng điện thoại di động dẫn đường “Bắc Đẩu”.

Ngoài ra, năm 2012, Trung Quốc sẽ còn chuẩn bị khởi động công trình hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu cho nghề cá biển Hoa Đông ở khu vực Chiết Giang, Thượng Hải và Giang Tô.

Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)