Trung Quốc: Những con hổ bị dồn ép có thể quay lại chiến đấu đến cùng

05/08/2014 09:28
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số quan chức tham nhũng có thể tấn công trở lại hoặc chống lại các chiến dịch cho đến cùng, chết mới thôi.
Ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi. Nhưng chiến dịch này có thể vấp phải sự phản kháng quyết liệt của những con hổ.
Ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng đả hổ đập ruồi. Nhưng chiến dịch này có thể vấp phải sự phản kháng quyết liệt của những con hổ.

Bưu điện Hoa Nam ngày 5/8 đưa tin, các học giả đã cảnh báo rằng những nỗ lực nhổ tận gốc tham nhũng của ông Tập Cận Bình có thể kích hoạt một phản ứng dữ dội từ những con hổ tham nhũng và họ có thể đang chuẩn bị để chiến đấu tới cùng.

Lời cảnh báo được đưa ra trong một loạt các bài viết về chiến dịch đả hổ đập ruồi được viết bởi một nhóm 13 nhà khoa học, công bố hôm Thứ Sáu trên mục Diễn đàn của tờ Nhân Dân nhật báo và thực hiện cập nhật các bài viết hàng ngày.

"Một số quan chức tham nhũng có thể tấn công trở lại hoặc chống lại các chiến dịch cho đến cùng, chết mới thôi", Quách Văn Lượng, một trong những tác giả và là một nhà sử học từ đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu bình luận.

"Trong khi một số khác có thể sử dụng các lý do chiến dịch truy quét tham nhũng sẽ làm tổn hại hình ảnh của đảng và ảnh hưởng xấu đến ổn định xã hội để tác động đến dư luận. Một số còn có thể thông đồng với các nhóm lợi ích khác để chiến đấu chống lại lực lượng chống tham nhũng", ông Lương cho biết.

Giới quan sát cho rằng những cảnh báo bất thường nêu trên có thể cho thấy ngưỡng kháng cự mạnh mẽ với chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình trong một số ngành nhất định. "Nó chắc chắn cho thấy một mối quan tâm tới các rủi ro và hậu quả từ chiến dịch, đồng thời có thể kích hoạt một sự kháng cự mạnh mẽ từ một số nhóm lợi ích", ông Trương Lập Phàm từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết.

37 quan chức cấp bộ đã trở thành mục tiêu chiến dịch trấn áp tham nhũng của ông Tập Cận Bình, trong đó đáng chú ý nhất là vụ điều tra cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang được công bố hồi tuần trước.

Một số quan chức cũng lo ngại chiến dịch có thể làm hỏng hình ảnh của đảng, làm tổn thương nền kinh tế hoặc làm gia tăng cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong giới lãnh đạo Trung Quốc.

Với nhiều người dân nước này, còn phải chờ xem liệu vụ điều tra Chu Vĩnh Khang có phải là bước ngoặt về trách nhiệm giải trình của chính phủ hay chỉ đơn thuần là một cảnh báo cho các cán bộ tham nhũng.

Hồng Thủy