Trung Quốc đã chính thức công nhận chính quyền mới ở Libya

13/09/2011 06:26
Nguyễn Hường (Theo Reuters, Xinhua, TTXVN)
(GDVN) - Trung Quốc đã chính thức công nhận Hội đồng chuyển tiếp Quốc gia (NTC) là cơ quan nắm quyền và là đại diện của người dân Libya.

Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đưa ra hôm 12/9 trong bối cảnh NTC đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước Libya và 70 quốc gia khác đã công nhận tính hợp pháp của NTC.

Theo TTXVN, bản tin của Tân Hoa Xã nói Trung Quốc coi NTC là lực lượng cầm quyền và đại diện cho nhân dân Libya.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nêu rõ Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Libya, đồng thời coi trọng địa vị và vai trò của NTC.
 
Tuyên bố khẳng định Bắc Kinh sẽ hợp tác với NTC để quá trình quá độ diễn ra thuận lợi và phát triển các mối quan hệ song phương. Trung Quốc hy vọng tất cả mọi hiệp định và thỏa thuận trước đây được giữa hai nước sẽ tiếp tục có hiệu lực và được thực hiện một cách nghiêm túc.

Cho tới nay đã có trên 60 quốc gia trên thế giới thừa nhận NTC là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya.

Ngày 10/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố công nhận NTC, mở đường cho chính quyền non trẻ nói trên nhận được giúp đỡ tài chính từ thể chế quốc tế này.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Viltaly Churkin, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-24, cho biết Hội đồng bảo an LHQ có thể sẽ bãi bỏ các lệnh trừng phạt Libya trong vòng 10 ngày tới.
 
Theo ông, các nước đã bắt đầu xem xét một nghị quyết mới nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phát Libya theo tinh thần các nghị quyết trước đây.

Nghị quyết mới này cũng sẽ có thể đề cập việc thành lập một hệ thống chính trị mới và tổ chức tổng tuyển cử cũng như cơ chế thúc đẩy dân chủ và giải quyết xung đột giữa các phe phái ở Libya.

Trong một diễn biến khác về tình hình chiến sự tại Libya, lực lượng trung thành với Đại tá Muammar Gaddafi đã giết chết 15 lính gác trong một cuộc tấn công nhằm vào một nhà máy lọc dầu hôm 12/9.

Các nhân chứng cho biết, những kẻ tấn công đã làm hư hỏng cơ sở vật chất ở bên ngoài nhà máy lọc dầu nằm cách thị trấn ven biển Ras Lanuf khoảng 20 km, nhưng không gây thiệt hại bên trong nhà máy. Có khoảng 60 người đang làm việc tại nhà máy lọc dầu vào thời điểm diễn ra vụ tấn công trên.

Ramadan Abdel Qader - một công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu trên đã bị bắn vào chân kể lại với phóng viên Reuters rằng, có khoảng 14 hoặc 15 xe tải đã đến từ thị trấn ven biển Sirte, quê hương của Đại tá Gaddafi tham gia tấn công nhà máy lọc dầu.

Cuộc tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Chuyển tiếp (NTC) tuyên bố đã nối lại hoạt động sản xuất dầu bị gián đoạn kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối Chính quyền Gaddafi từ tháng 3/2011 và đang nỗ lực kiểm soát toàn bộ đất nước Libya và khống chế các nhóm ủng hộ lực lượng Gaddafi vẫn còn hoạt động.

Còn các công ty dầu phương Tây, bao gồm cả Eni của Italy và OMV của Áo, cũng đang nóng lòng muốn khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Libya và dự kiến sẽ có thể khôi phục lại hoạt động này trong tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Nơi trú ẩn thực sự của Đại tá Gaddafi vẫn chưa được biết rõ. Trong khi đó, ngày 12/9, một đài truyền hình ở Syria cho biết họ sẽ sớm phát sóng một thông báo từ Đại tá Gaddafi.
Nguyễn Hường (Theo Reuters, Xinhua, TTXVN)