Trung Quốc đại binh áp cảnh ép Triều Tiên phải xuống thang với Hàn Quốc

27/08/2015 10:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Xung đột giữa Triều Tiên với Hàn Quốc một khi nổ ra sẽ phủ bóng đen u ám lên cuộc duyệt binh quy mô lớn của Bắc Kinh, do đó bắt buộc Trung Quốc phải gây sức ép
Hàn Quốc dỡ hệ thống loa công suất lớn ở biên giới với Triều Tiên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tháo ngòi nổ chiến tranh. Ảnh: Yonhap.
Hàn Quốc dỡ hệ thống loa công suất lớn ở biên giới với Triều Tiên sau khi hai miền đạt được thỏa thuận tháo ngòi nổ chiến tranh. Ảnh: Yonhap.

Đông Phương nhật báo Hồng Kông ngày 26/8 bình luận, ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã được tháo bởi Trung Quốc bằng cách dùng "đại binh áp cảnh" gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Ngay sau khi hai miền Triều Tiên tuyên bố kết thúc đàm phán, dỡ bỏ tình trạng "sẵn sàng chiến tranh" và bàn các nội dung hợp tác hôm 25/8, Trung Quốc liền tuyên bố Triều Tiên, Hàn Quốc đều cử đại diện sang dự duyệt binh 9/3 tại Thiên An Môn.

Hàn Quốc chính thức dừng phát sóng tâm lý chiến chống Triều Tiên từ 12 giờ trưa 25/8, cùng thời điểm Bình Nhưỡng dỡ bỏ "trạng thái chiến tranh". 50 chiếc tàu ngầm Triều Tiên đã quay trở về căn cứ.

Một quan chức cấp cao Hàn Quốc giấu tên nói thẳng, xung đột giữa Triều Tiên với Hàn Quốc một khi nổ ra sẽ phủ bóng đen u ám lên cuộc duyệt binh quy mô lớn của Bắc Kinh, do đó bắt buộc Trung Quốc phải gây sức ép khiến Bình Nhưỡng từ bỏ ý đồ họ gọi là "điên rồ" này.

Nhà báo Donald Kirk cũng có chung nhận định trên South China Morning Post ngày 26/8, Bắc Kinh điều động ít nhất 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới áp sát biên giới Bắc Triều Tiên là một lời nhắc nhở Bình Nhưỡng chớ lãng phí sinh mạng, của cải vào một cuộc chiến "điên rồ" với Hàn Quốc.

Lữ đoàn bộ binh cơ giới Trung Quốc tiến đến thị trấn Diên Cát châu tự trị Diên Biên tỉnh Cát Lâm, cách biên giới với Triều Tiên chỉ 30 km không phải để giúp Bình Nhưỡng như trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Họ đến để "trấn áp Bắc Triều Tiên hiếu động chớ gây chiến với Seoul", Donald Kirk bình luận.

Bình Nhưỡng tỏ ra ghét phải nghe Trung Quốc chỉ huy, nhưng Triều Tiên không thể không nghĩ đến nguồn nhiên liệu cho vận hành 50 chiếc tàu ngầm hay các thiết bị quân sự có thể bị Bắc Kinh khóa van bất cứ lúc nào cần thiết. Do đó tuyên bố về tình trạng chiến tranh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo Donald Kird chỉ là chiêu gây sốc mà thôi.

50 chiếc tàu ngầm của Bắc Triều Tiên rời căn cứ và biến mất khiến dư luận Hàn Quốc lo lắng, nhưng nhiều khả năng chúng chỉ đang chơi trò trốn tìm để đánh lừa người khác trong khi máy bay và tàu chiến Mỹ - Hàn lùng sục khắp bầu trời, bờ biển.

Trong thực tế có lý do để Triều Tiên lo ngại về mối quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã 3 lần tới Bắc Kinh và sẽ tham dự lễ duyệt binh 3/9. Đã xuất hiện những tin đồn Tập Cận Bình từ chối gặp Kim Jong-un.

Hồng Thủy