Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất vũ khí, giới đầu tư nên lưu ý

26/12/2015 15:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Một sự hiểu biết chi tiết hơn về các rủi ro địa chính trị sẽ là điều cần thiết đối với các nhà đầu tư trong thế kỷ 21, thế kỷ của sự hung hăng và độc đoán.

Giáo sư Peter Navarro từ trường Kinh doanh Merage, Đại học California-Irvine ngày 26/12 bình luận trên Barrons Asia, các nhà đầu tư cần phải chuẩn bị cho khả năng một cuộc xung đột lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nhà máy của Trung Quốc đang nhanh chóng sản xuất vũ khí mà cuối cùng có thể vượt mặt Mỹ, vấn đề còn lại là thời gian Bắc Kinh hoàn thành mục tiêu này vào năm 2020, 2030 hay sau đó.

Chiến đấu cơ J-11 của quân đội Trung Quốc, ,hình minh họa.
Chiến đấu cơ J-11 của quân đội Trung Quốc, ,hình minh họa.

Những loại vũ khí Trung Quốc đang tập trung phát triển bao gồm tên lửa thông thường, tàu ngầm diesel-điện, tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trên cơ sở đồ án thiết kế F-22, F-35 Hoa Kỳ mà Trung Quốc đánh cắp được, nước này đang chế tạo máy bay tàng hình thế hệ 5.

Sự gia tăng của chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc đang báo trước một sự thay đổi về kinh tế, địa chính trị và chính trị. Nó cũng có nghĩa là các nhà đầu tư thắng hay thua phụ thuộc vào vận may. Rủi ro địa chính trị có thể ảnh hưởng đến việc phân bố tài sản trên khắp các châu lục và quốc gia.

Bởi vậy một sự hiểu biết chi tiết hơn về các rủi ro địa chính trị sẽ là điều cần thiết đối với các nhà đầu tư trong thế kỷ 21, thế kỷ của sự hung hăng và độc đoán. Đã có rất nhiều thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu năm 2014 và câu hỏi đặt ra hiện nay là, liệu quá trình quân sự hóa nhanh chóng của Trung Quốc có dẫn đến những thay đổi tương tự hay không.

Giáo sư Peter Navarro nhận định, giống như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tích cực theo đuổi các yêu sách lãnh thổ dựa vào cái gọi là "quyền lịch sử" mà không được sự hỗ trợ của luật pháp quốc tế hiện đại. Trung Quốc đòi "chủ quyền" đối với trên 80% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển chiến lược hàng đầu của thế giới đi qua.

Để nhấn mạnh tuyên bố của mình, Trung Quốc sử dụng lực lượng Cảnh sát biển, còn được biết đến như lực lượng tàu vỏ trắng và tàu cá (trá hình) thường xuyên hiện diện ngoài Biển Đông và đang bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Bất kỳ xung đột nào ở châu Á cũng có thể lập tức làm hỏng các chuỗi cung ứng và mạng lưới kinh doanh toàn cầu có liên quan mật thiết lẫn nhau, tác động tiêu cực đến tài sản và gây ra các cú sốc chính trị có thể kèm theo.

Hành vi hung hăng của Trung Quốc hiện nay đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang dưới nước ở châu Á, mà theo Giáo sư Peter Navarro gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, là các nước đang mua sắm tàu ngầm.
Bởi vậy ông khuyên các nhà đầu tư cần có một sự chuẩn bị dự phòng đối với một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc.

Hiểu đầy đủ về chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc và phạm vi của nó là điều cần thiết và có thể bắt đầu từ đây.

Hồng Thủy