Trung Quốc giật dây Triều Tiên thu hút Mỹ để rảnh tay chiếm Biển Đông?

10/05/2013 09:00
Hồng Thủy (Nguồn: Usnews)
(GDVN) - Vì Mỹ mải lo đối phó với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể "tự do hơn" trong tăng cường thúc đẩy chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Đây là lý do thật sự tại sao Trung Quốc bề ngoài luôn tỏ ra bất mãn, thậm chí là "bất lực" với Bắc Triều Tiên trong thời gian vừa qua.
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trái phép trên Biển Đông đầu năm 2013
Tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trái phép trên Biển Đông đầu năm 2013
Hầu hết các nhà quan sát có xu hướng xem vụ khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vừa qua và tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông với những động thái leo thang liên tục của Trung Quốc là 2 vụ việc khác nhau, nhưng một nhóm học giả Mỹ cho rằng đã có một mối liên hệ chặt chẽ giữa 2 sự kiện này.
Giới quan sát đều nhận định rằng Trung Quốc có lợi thế về địa chính trị, kinh tế cũng như quân sự trong việc kiểm soát Bắc Triều Tiên đang ngày càng hiếu chiến. Tuy nhiên Trung Quốc có vẻ như đã làm hoàn toàn ngược lại việc sử dụng uy thế của mình để kiểm soát Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh đã lặng lẽ khuyến khích Bình Nhưỡng khuấy động căng thẳng trên bán đảo. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã "thu hoạch" được khá nhiều. Sau 2 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và cho nổ hạt nhân cuối tháng 12/2012 và  tháng 2/2013 cũng những tuyên bố đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ - Nhật - Hàn của Bình Nhưỡng, các quan chức ngoại giao Washington, Seoul và Tokyo phải chạy tới chạy lui để nhờ cậy Bắc Kinh làm sao cho mọi thứ trên bán đảo Triều Tiên được kiểm soát. Trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tháng 4, các quan chức Trung Quốc phàn nàn rằng việc triển khai lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực là "khiêu khích quá mức". Bắc Kinh cho biết trừ khi Mỹ rút lại việc triển khai tên lửa của mình và giảm triển khai lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của Mỹ ở khu vực châu Á (thì bán đảo Triều Tiên sẽ hạ nhiệt), còn Trung Quốc thì không thể làm gì hơn vì "đơn giản không thể kiểm soát được Bắc Triều Tiên. Lập trường của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ đến các mục tiêu và tham vọng của nó tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai học giả Sarah Raine và Christian Le Miere thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế IISS kết luận trong cuốn sách mới của họ "Regional Disorder: The South China Sea Disputes", Trung Quốc đang "một mình một ngựa" leo thang căng thẳng với các bên tranh chấp ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trung Quốc tuyên bố hầu như tất cả các hòn đảo ở Biển Đông và 80% diện tích Biển Đông thuộc về cái gọi là "chủ quyền" của họ.Để thực hiện được tham vọng đó, Trung Quốc cần tìm cách cắt giảm càng nhiều càng tốt sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực Biển Đông. Thoạt đầu, hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ nổ ra dường như trái với mục tiêu này của Trung Quốc. Với việc Bình Nhưỡng leo thang đe dọa buộc Mỹ phải điều cả B-52, B-2, tàu ngầm hạt nhân tấn công - những vũ khí chiến lược của mình tới bán đảo Triều Tiên, điều cả hệ thống radar X-band tới Guam, triển khai thêm 14 hệ thống tên lửa đánh chặn trên lục địa Mỹ để đối phó với tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên. Đồng thời Washington có lúc cũng phải nhún nhường Bình Nhưỡng khi đồng ý trên nguyên tắc cho việc tái khởi động đàm phán 6 bên và sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy một cục diện mới đã đang được hình thành trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kho vũ khí ngày càng tăng, Bắc Triều Tiên đã phát triển sức mạnh quân sự có thể đe dọa trực tiếp đến Mỹ. Theo một nghiên cứu bị rò rỉ từ cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Bắc Triều Tiên bây giờ có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo và khởi động các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Hawaii, Alaska, Guam và thậm chí là bờ biển phía Tây nước Mỹ. Cục diện này không chỉ mang lại lợi ích cho Bắc Triều Tien mà Trung Quốc cũng được lợi rất lớn. Chính sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bình Nhưỡng đã thúc đẩy Mỹ định hình về chính sách, chiến lược của mình tại châu Á - Thái Bình Dương theo hướng mà Bắc Kinh mong muốn. Chính vì Mỹ mải lo đối phó với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có thể "tự do hơn" trong tăng cường thúc đẩy chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Đây là lý do thật sự tại sao Trung Quốc bề ngoài luôn tỏ ra bất mãn, thậm chí là "bất lực" với Bắc Triều Tiên trong thời gian vừa qua.

Hồng Thủy (Nguồn: Usnews)