Trung Quốc lại đòi bảo kê Biển Đông

08/03/2017 14:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Với tư duy đòi "bảo kê" Biển Đông như những gì ông Ngoại trưởng Nghị mới tuyên bố, thì cho dù có COC đi nữa cũng không có ý nghĩa nhiều trong thực tế.

Tân Hoa Xã ngày 8/3 dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: Trung Quốc không cho phép ai quấy rối ổn định ở Biển Đông.

Ông Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội hàng năm đang diễn ra tại bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, tình hình Biển Đông đã "ổn định trở lại".

Theo ông, đây là kết quả nỗ lực chung của Trung Quốc với ASEAN, đó là phúc lành cho khu vực và thế giới. DOC đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, các bên liên quan quay trở lại cách giải quyết tranh chấp đúng hướng.

Ông Vương Nghị nói:

"Tại thời điểm này, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối, họ sẽ không được ủng hộ, trái lại họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của cả khu vực.

Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi ý tưởng của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác". [1]

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Tân Hoa Xã.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Tân Hoa Xã.

Cũng đưa tin về cuộc họp báo này, Channel News Asia, Singapore dẫn lời ông Nghị cho biết, bản dự thảo đầu tiên của COC đã hoàn thành, "căng thẳng trên Biển Đông đã giảm đáng kể".

Ngoại trưởng Nghị nói, các cuộc đàm phán tháng trước về COC đã tiến bộ rõ ràng và đã đưa ra được bản dự thảo đầu tiên. Trung Quốc và ASEAN cảm thấy hài lòng về điều này.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này vốn phải rất khó khăn mới có được, bị phá hoại hoặc cản trở", ông Nghị nói. [2]

Trong một động thái khác có liên quan đến Biển Đông, ABS CBN News ngày 8/3 cho biết, ông Perfecto Yasay đã không vượt qua phiên bỏ phiếu chuẩn thuận của Quốc hội sau khi được Tổng thống Duterte bổ nhiệm làm Ngoại trưởng lâm thời.

Điều này có nghĩa là ông Rodrigo Duterte sẽ phải bổ nhiệm một người mới vào ghế Ngoại trưởng. 

Cuối tuần trước ông Duterte đã trấn an Bắc Kinh rằng họ đã hiểu lầm tuyên bố của ông Yasay về lo ngại của ASEAN với các động thái Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. [3]

Người viết cho rằng, thứ nhất phát biểu trên của ông Vương Nghị cho thấy tư duy xưng hùng xưng bá, bành trướng làm chủ Biển Đông trong một số nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Biển Đông là một vùng biển quốc tế, có tuyến hàng hải thương mại huyết mạnh, trọng yếu của cả khu vực và thế giới.

Không nước nào có quyền bảo kê, cho phép hay không cho phép nước khác tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, an ninh an toàn hàng hải hàng không ở đây.

Do đó, một quốc gia đòi cho phép hay không cho phép các quốc gia khác can thiệp vào các tranh chấp hàng hải quốc tế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ, thì đó chỉ là lập luận kẻ cả của những tay anh chị, dư luận khu vực và nhân loại tiến bộ sẽ phản đối.

Thứ hai, nói "Biển Đông đã ổn định trở lại" chỉ là cách cố tình lấp liếm hiện trạng quân sự hóa đáng báo động mà Trung Quốc tiến hành ở vùng biển này, bằng cả thủ đoạn quân sự lẫn phi quân sự.

Cái gọi là ổn định trở lại "vốn phải rất khó khăn mới đạt được" có lẽ là tâm tư của riêng ông Nghị, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc do áp lực trong nước về thất bại to lớn của nước này trong vụ kiện trọng tài Philippines khởi xướng.

Chính vì thế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng cả hệ thống truyền thông hùng hậu đã phải huy động tổng lực để kiềm chế dư luận sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, trong đó không loại trừ cả những đổi chác với chính quyền Hoa Kỳ thời Barack Obama.

Bởi vậy ngày nay Mỹ cứ nhắc đến Phán quyết Trọng tài, là Trung Quốc lại rêu rao, quy chụp Washington "gây rối", "phá hoại ổn định" ở Biển Đông.

Thứ ba, với tư duy đòi "bảo kê" Biển Đông như những gì ông Ngoại trưởng Nghị mới tuyên bố, thì cho dù có COC đi nữa cũng không có ý nghĩa nhiều trong thực tế, khi Bắc Kinh khăng khăng đòi giải thích luật pháp quốc tế theo ý đồ chủ quan và mục tiêu chính trị của mình.

Bắc Kinh vẫn cứ tiếp tục quân sự hóa, lắp đặt vũ khí ra đảo nhân tạo, bành trướng bằng giàn khoan khổng lồ, quan trắc đáy biển, thủ đoạn phát triển du lịch...

Cứ nhìn vào những gì diễn ra trên Biển Đông từ tháng 4/2012 đến nay với không ít căng thẳng, thậm chí khủng hoảng mà ông Nghị vẫn xem đó là "DOC đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả" thì có lẽ không ai tỉnh táo mà lại tin lời ông.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://news.xinhuanet.com/english/2017-03/08/c_136112403.htm

[2]http://www.channelnewsasia.com/news/asiapacific/china-says-first-draft-of-south-china-sea-code-of-conduct-ready/3577984.html

[3]http://news.abs-cbn.com/%20News%20/%2003/08/17%20/%20yasay-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-qua-h%E1%BB%93ng-on-h%E1%BA%B9n

Hồng Thủy