Trung Quốc làm tăng căng thẳng và đối đầu ở Đông Á

17/06/2015 10:23
Nguyễn Hường
(GDVN) - Báo cáo đã nhấn mạnh tới vai trò của Trung Quốc trong việc làm tăng căng thẳng ở Đông Á và Đông Nam Á cũng như thúc đẩy sự đối đầu trong khu vực này.

Tờ Diplomat ngày 16/6 đưa tin cho biết, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa cho công bố Niên giám 2015 về vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh Business Insider.
Quân đội Trung Quốc. Ảnh Business Insider.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là báo cáo đã nhấn mạnh tới vai trò của Trung Quốc trong việc làm tăng căng thẳng ở Đông Á và Đông Nam Á cũng như thúc đẩy sự đối đầu trong khu vực này.

"Một số xu hướng quân sự - an ninh khu vực quan trọng nổi lên ở Đông Nam Á trong năm 2014. Một khía cạnh quan trọng của những xu hướng này là nỗ lực của Trung Quốc trong việc tích cực sắp đặt tình hình an ninh của khu vực năng động này", báo cáo cho biết.

Niên gián nhấn mạnh rằng những căng thẳng trong khu vực gia tăng đáng kể kể từ năm 2008 và rất nhiều trong số này có nguyên do từ sự "quyết đoán chiến lược của Trung Quốc" được biểu hiện đặc biệt thông qua các yêu sách (vô lý, phi pháp) của nước này trên biển.

Căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông gia tăng, theo báo cáo là do các hành động hiếu chiến và bành trướng của Bắc Kinh.

Ngoài ra, âm mưu bá chủ của Bắc Kinh cũng đã thúc đẩy các nước láng giềng (bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp lãnh thổ) phải tiến hành các chương trình hiện đại hóa quân sự. Điều này đã góp phần làm tăng chi tiêu quân sự trong khu vực.

Ngoài ra, SIPRI cũng lưu ý rằng các quốc gia lo ngại về "những nỗ lực hiện đại hóa của Trung Quốc" cũng đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Mỹ.

Không chỉ làm xói mòn vị thế của Mỹ như một trọng tài chính trong khu vực bằng cách tăng cường sử dụng các diễn đàn riêng của mình để thu hẹp khả năng quản lý và giải quyết khủng hoảng của Mỹ.

Trung Quốc còn tìm cách làm giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ trong việc giải quyết xung đột thông qua sự "tăng nỗ lực tạo ra các tổ chức kinh tế, tài chính và chính trị thay thế các tổ chức tương tự của phương Tây phá vỡ trật tự thế giới cũ".

SIPRI cũng nhấn mạnh tới những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm "bình thường hóa" chính sách quốc phòng của Nhật Bản, trong đó đã thu hút chỉ trích dữ dội từ Hàn Quốc và Trung Quốc và tiếp tục trầm trọng môi trường an ninh khu vực căng thẳng. 

Ngoài ra, SIPRI cũng liệt kê những yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng căng thẳng là lo ngại lây lan bạo lực từ Afghanistan và Pakistan, phổ biến vũ khí hạt nhân, tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.

Báo cáo cũng nhắc tới quyết định của Nga trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine Moscow vẫn "cố gắng nâng cao hình ảnh của mình ở Đông Bắc Á như là một đối tác có ảnh hưởng chiến lược".

Trong phần cuối, Niên giám 2015 của SIPRI đã đưa ra đánh giá không mấy sáng sủa khi cho rằng: "Xu hướng phát triển tích cực theo chiều hướng ít bạo lực và quản lý xung đột hiệu quả tồn tại trong vài thập kỷ qua đã bị phá vỡ".

Nguyễn Hường