Trung Quốc lặng lẽ điều 2 cụm chiến hạm tập kết trái phép ở Biển Đông

17/05/2013 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc cùng lúc điều 2 cụm chiến hạm của 2 hạm đội kéo xuống "tập kết" ở Biển Đông - Trường Sa tập trận (trái phép) trong thời điểm nhạy cảm này dấy lên nhiều suy đoán, trong đó phần lớn cho rằng có liên quan chặt chẽ đến cục diện Biển Đông và nhằm "dằn mặt" Philippines.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận trái phép ở Biển Đông (hình minh họa)
Tàu chiến Trung Quốc tập trận trái phép ở Biển Đông (hình minh họa)
Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 16/5 đưa tin, ngày 13/5 trong khi cụm tàu hộ vệ Giang Môn thuộc biên chế hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đang tập trận (trái phép) tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) thì một biên đội tàu chiến khác của hạm đội Đông Hải phụ trách Hoàng Hải và Hoa Đông đã lặng lẽ kéo qua eo biển Bashi giữa Philippines và Đài Loan xuống Biển Đông tập trận (trái phép). Giới phân tích Đài Loan cho rằng việc Bắc Kinh điều động 2 biên đội tàu chiến thuộc 2 trong 3 hạm đội hải quân xuống Biển Đông tập trận là nhằm đe dọa các bên liên quan, đặc biệt gây sức ép nhằm vào Philippines sau vụ bắn chết ngư dân Đài Loan hôm 9/5. Đáng chú ý, trong 2 lần tập trận trái phép quy mô lớn và dài ngày trên Biển Đông của hải quân Trung Quốc đầu năm 2013 (hạm đội Bắc Hải đầu tháng 2/2013, hạm đội Nam Hải tháng 3/2013), truyền thông Trung Quốc có phóng viên đi theo đưa tin rầm rộ, cập nhật thường xuyên mọi hoạt động của các đơn vị này nhằm phô trương thanh thế, nhưng hoạt động trái phép ở Biển Đông - Trường Sa của 2 hạm đội Đông Hải và Nam Hải lần này lại diễn ra một cách lặng lẽ. Báo chí Trung Quốc chỉ đưa tin cụm tàu hộ lửa Giang Môn mang tên lửa của hạm đội Nam Hải đang tập trận (trái phép) ở Trường Sa ngày 13/5 khi 32 tàu cá Trung Quốc vừa thả neo và bắt đầu đánh bắt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Tây Nam quần đảo Trường Sa cũng trong ngày 13/5. Dường như Bắc Kinh muốn truyền đi thông điệp "dọa dẫm" các bên tranh chấp rằng các  tàu chiến này sẽ nhảy vào can thiệp nếu lực lượng chức năng của các bên liên quan ngăn chặn hoặc bắt giữ 32 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép ở Trường Sa. Việc Bắc Kinh lặng lẽ điều động 1 cụm tàu chiến khác thuộc biên chế hạm đội Đông Hải qua eo biển Bashi kéo vào Biển Đông tập trận trái phép ngày 13/5 cũng chỉ được nhắc đến trong ngày 16/5 khi Đài Loan phái tàu chiến, tàu tuần tra Cảnh sát biển vượt đường giới hạn vĩ tuyến 20 xuống vùng biển Philippines diễn tập cái gọi là "bảo vệ ngư dân". Động thái Trung Quốc cùng lúc điều 2 cụm chiến hạm của 2 hạm đội kéo xuống "tập kết" ở Biển Đông - Trường Sa tập trận (trái phép) trong thời điểm nhạy cảm này dấy lên nhiều suy đoán, trong đó phần lớn cho rằng có liên quan chặt chẽ đến cục diện Biển Đông và nhằm "rằn mặt" Philippines. Vương Kiến Dân, một học giả thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng động thái này của Bắc Kinh là một sự thay đổi rất lớn, là thông điệp "cảnh cáo nghiêm khắc" Manila.

Hồng Thủy