"Trung Quốc nạo vét quá khứ để làm suy yếu ảnh hưởng của Nhật ở Biển Đông"

17/08/2015 10:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Lúc Nhật Bản có xu hướng can thiệp mạnh mẽ (chống bành trướng) ở Biển Đông, Bắc Kinh lại ra sức chỉ trích lịch sử chủ nghĩa quân phiệt Nhật từng xâm lược...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 kết thúc Chiến tranh Thế giới II, ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử năm 1945 kết thúc Chiến tranh Thế giới II, ảnh: Reuters.

Business Insider ngày 14/8 bình luận, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng lịch sử Chiến tranh Thế giới II để xỉ nhục Nhật Bản và làm suy yếu mối quan hệ của Tokyo với các đối tác ở Đông Á trước xu hướng bành trướng ngày càng leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông. 

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II hôm 14/8, Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ ông hết sức đau buồn trước những gì các nạn nhân của cuộc xâm lược Nhật Bản tiến hành thời kỳ Chiến tranh Thế giới II phải gánh chịu. Tuy nhiên ông một lần nữa làm rõ lập trường các thế hệ tương lai không cần phải xin lỗi vì những sai lầm tổ tiên họ gây ra.

Nhật Bản muốn nhìn về phía trước, nhưng Trung Quốc vẫn đang bận rộn nạo vét, xới lên quá khứ đau thương bằng một cuộc chiến tuyên truyền chống lại Nhật Bản, sử dụng lịch sử xâm lược của đế quốc Nhật trước kia nhằm làm suy yếu mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản ngày nay với các quốc gia Đông Á từng là nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Để phục vụ cho hoạt động tuyên truyền "chiến thắng chống Nhật", Trung Quốc đang chuẩn bị cho cuộc duyệt binh quy mô lớn tại Thiên An Môn ngày 3/9 tới. Hơn 10 bộ phim mới, 12 phim truyền hình, 20 phim tài liệu và 183 vở kịch sân khấu về đề tài chiến tranh chống Nhật đã được Trung Quốc triển khai.

Thậm chí đã có một cuộc bàn thảo về liên hoan phim Nga - Trung chủ yếu về đề tài Chiến tranh Thế giới II lần đầu tiên tại Trung Quốc. Hai nước này có số thương vong nặng nề nhất trong Chiến tranh Thế giới II, trong đó Trung Quốc mất 20 triệu người, còn Nga khoảng 24 triệu.

Chiến dịch tuyên truyền được Bắc Kinh đẩy mạnh trong bối cảnh Nhật Bản đang xem xét lại Hiến pháp hòa bình, mở rộng quyền tự vệ tập thể cho quân đội, còn Trung Quốc thì đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội.

Một bộ phim về đề tài chiến tranh Trung - Nhật được Trung Quốc sản xuất để phục vụ công tác tuyên truyền. Ảnh Reuters/China Daily.
Một bộ phim về đề tài chiến tranh Trung - Nhật được Trung Quốc sản xuất để phục vụ công tác tuyên truyền. Ảnh Reuters/China Daily.

Ở Trung Quốc, Chiến tranh Thế giới II được gọi là "kháng chiến chống Nhật". Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh đang được sử dụng để mô tả Nhật Bản như một lực lượng áp bức trong khu vực đúng thời điểm các nước láng giềng của Trung Quốc đặc biệt quan ngại trước các động thái bành trướng, leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông và các nơi khác.

Do tính chính trị của sự kiện này, các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi quyết định có cử đại diện tham dự duyệt binh 3/9 ở Thiên An Môn hay không. Để tránh mất thể diện vì bị từ chối thẳng thừng, Trung Quốc được cho là đã lặng lẽ thăm dò thái độ của các quốc gia và đo lường phản ứng của họ về sự kiện này mà không gửi lời mời chính thức.

Tổng thống Pháp Hollande, Nữ hoàng Đan Mạch Margre chính thức không tham dự. Các nhà lãnh đạo khác của EU dường như cũng sẽ không có mặt ở Thiên An Môn ngày 3/9. Ở Đông Á, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đang "bối rối" trước việc có nên đi Bắc Kinh hay không. Truyền thông Hàn Quốc đang đưa tin mâu thuẫn về việc liệu Mỹ có gây sức ép để Hàn Quốc không tham gia sự kiện này hay không.

Trung Quốc đã xù lông bành trướng khắp Đông Nam Á thông qua hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự và theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp với thủ đoạn bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp) ở Biển Đông, Hoa Đông.

Trong lúc Nhật Bản có xu hướng can thiệp mạnh mẽ (chống bành trướng) ở Biển Đông, Bắc Kinh lại ra sức chỉ trích lịch sử chủ nghĩa quân phiệt Nhật từng xâm lược châu Á. Ngoài Trung Quốc, còn có bán đảo Triều Tiên, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan cũng đã từng bị Nhật chiếm đóng.

Cuộc duyệt binh ngày 3/9 của Trung Quốc sẽ có sự hiện diện của quan chức các nước Nga, Mông Cổ, Ai Cập, Czech. Hàn Quốc và Hoa Kỳ chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào. Do đó cuộc duyệt binh lần này chủ yếu là nhằm thể hiện khả năng kiểm soát quân đội của ông Tập Cận Bình sau chiến dịch chống tham nhũng, nếu Seoul tham dự sẽ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hồng Thủy