Trung Quốc nói gì về tin Hạm đội Nam Hải đang áp sát Philippines?

21/05/2012 19:55
Hồng Thủy
(GDVN) - "Chúng tôi gần đây trở thành chủ điểm của một số cuộc tấn công mạng, nhưng cho đến nay chúng tôi đã bảo vệ thành công các website của chúng tôi", ông Edwin Lacierda cho hay, trong lúc báo cáo bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội về tình hình quân sự Trung Quốc có đưa ra đánh giá, Bắc Kinh đang theo đuổi kế hoạch đầu tư, phát triển chiến tranh mạng internet (dùng hacker xâm nhập, phá hủy, đánh cắp thông tin hoặc đánh sập website đối phương - PV)
Trong một diễn biến mới khá bất ngờ, ngày hôm nay 21/5 cục Sự vụ tin tức bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa lên tiếng xác nhận, lực lượng chiến hạm Trung Quốc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương (không thông báo địa điểm, thời gian, tính chất cụ thể - PV) là hoạt động theo kế hoạch năm, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.

Người phát ngôn bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh thường duy trì các buổi họp báo
Người phát ngôn bộ Quốc phòng Trung Quốc, Cảnh Nhạn Sinh thường duy trì các buổi họp báo

Cục Sự vụ tin tức bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra xác nhận trên khi giới truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn nguồn tin tờ Philstar cho hay 5 chiến hạm của hải quân Trung Quốc kéo về hướng vùng biển Philippines trong lúc căng thẳng giữa hai bên đang leo thang.

Cơ quan này cho biết thêm, hoạt động diễn tập đã kết thúc và các chiến hạm đã quay trở về theo kế hoạch.

Tuy nhiên, đại diện bộ Quốc phòng Trung Quốc đã khéo né tránh câu hỏi của phóng viên tờ China News đề nghị cho biết phản ứng của cơ quan này trước thông tin 5 chiến hạm kéo theo 48 quả tên lửa áp sát lãnh hải Philippines mà báo chí bình luận sôi nổi những ngày qua, họ chỉ trả lời một cách chung chung, đại khái.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận, thông tin hạm đội Nam Hải diễn tập trong những ngày căng thẳng leo thang trên bãi Scarborough là có thật, vấn đề là địa điểm, thời gian, mục đích, ý đồ, công luận phải tự mình nghiệm ra (ảnh tập trận đổ bộ, hạm đội Nam Hải - hình minh họa, nguồn Quân giải phóng)
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận, thông tin hạm đội Nam Hải diễn tập trong những ngày căng thẳng leo thang trên bãi Scarborough là có thật, vấn đề là địa điểm, thời gian, mục đích, ý đồ, công luận phải tự mình nghiệm ra (ảnh tập trận đổ bộ, hạm đội Nam Hải - hình minh họa, nguồn Quân giải phóng)

Phản ứng đó của Trung Quốc hoàn toàn dễ hiểu bởi không quốc gia nào về mặt ngoại giao luôn rao giảng đề cao hòa bình, coi trọng đàm phán đối thoại giải quyết tranh chấp lại thừa nhận quân đội nước mình kéo chiến hạm, tên lửa tiến sát lãnh hải nước khác.

Và cũng không biết vô tình hay hữu ý, thông tin 5 chiến hạm hiện đại nhất hạm đội Nam Hải kéo theo 48 quả tên lửa diễn tập gần vùng biển Philippines lại được chính giới báo chí truyền thông nhà nước thổi lên cao trào khi căng thẳng với Philippines xung quanh bãi đã Scarborough đang dâng cao.
Giới truyền thông đưa tin, hạm đội Nam Hải chia quân 2 cánh tạo thế "gọng kìm" vây Philippines trong lúc tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất ngờ xuất hiện ở cảng Subic gần Scarboroug (ảnh tàu ngầm USS North Carolina)
Giới truyền thông đưa tin, hạm đội Nam Hải chia quân 2 cánh tạo thế "gọng kìm" vây Philippines trong lúc tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất ngờ xuất hiện ở cảng Subic gần Scarboroug (ảnh tàu ngầm USS North Carolina)

Sau đó báo chí Philippines có vào cuộc đưa lại thông tin này, tuy nhiên không bình luận gì thêm và những tờ báo này cũng dẫn lại nguồn từ báo chí Trung Quốc. Thông tin, hình ảnh về cuộc diễn tập này được Tân Hoa Xã phản ánh ngày 8/5 dẫn nguồn Cục Phòng vệ Nhật Bản.

Trong khi đó, tạp chí "Thời báo học tập" thuộc trường Đảng trung ương, một cơ quan thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc số ra mới nhất có đăng một bài xã luận khá dài, kêu gọi Trung Quốc tiếp tục duy trì làm căng (thực chất là đối đầu - PV) với Philippines trên bãi Scarborough, bởi theo quan điểm bài báo này, càng kéo dài tình trạng hiện nay, càng có lợi cho Trung Quốc.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines

Trong một động thái khác có liên quan, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Edwin Lacierda ngày 20/5 cho biết, Manila đã sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công an ninh mạng giữa lúc có báo cáo (Lầu Năm Góc - PV) cho hay, Trung Quốc đang đầu tư khá nhiều cho chiến tranh không gian mạng như một phần của kế hoạch phát triển sức mạnh quân sự.

"(Đội ngũ) chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi rất chắc chắn, chúng tôi đã phối hợp với bộ Khoa học và công nghệ", ông Edwin Lacierda cho hay, "dù Trung Quốc có đầu tư vào đó (chiến tranh mạng internet) thì chúng tôi cũng không có gì phải lo sợ."
Dấu vết hackers Trung Quốc để lại sau khi làm tê liệt trang chủ tờ Philstar tối 4/4
Dấu vết hackers Trung Quốc để lại sau khi làm tê liệt trang chủ tờ Philstar tối 4/4

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines chia sẻ thêm, gần dây có nhiều cuộc tấn công nhằm vào các website chính phủ Philippines, đơn cử như cổng thông tin điện tử chính phủ (www.gov.ph) của hacker có dấu hiệu nguồn gốc đến từ Trung Quốc.

Các cuộc tấn công khác gần đây của hacker Trung Quốc đã nhằm vào website cục Quản lý ngân sách (www.dbm.gov.ph), Cơ quan quản lý địa chất, khí tượng, khí quyển quốc gia Philippines (www.pagasa.dost.gov.ph).
Cuộc chiến trên không gian ảo mạng Internet giữa các bên tranh chấp rồi đây sẽ khốc liệt không kém ngoài chiến trường hoặc đơn giản như trên mặt trận báo chí, truyền thông (hình minh họa)
Cuộc chiến trên không gian ảo mạng Internet giữa các bên tranh chấp rồi đây sẽ khốc liệt không kém ngoài chiến trường hoặc đơn giản như trên mặt trận báo chí, truyền thông (hình minh họa)

Các hackers Trung Quốc đã hủy hoại các trang web này bằng cách làm tê liệt hoạt động của nó và hiển thị hình ảnh lá cờ Trung Quốc với các câu khẩu hiệu khẳng định cái gọi là "chủ quyền" của họ đối với Scarborough. 

"Chúng tôi gần đây trở thành tiêu điểm của một số cuộc tấn công mạng, nhưng cho đến nay chúng tôi đã bảo vệ thành công các website của chúng tôi", ông Edwin Lacierda cho hay, trong lúc báo cáo bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội về tình hình quân sự Trung Quốc có đưa ra đánh giá, Bắc Kinh đang theo đuổi kế hoạch đầu tư, phát triển chiến tranh mạng internet (dùng hacker xâm nhập, phá hủy, đánh cắp thông tin hoặc đánh sập website đối phương - PV).

Có thể thấy mặc dù nắm chắc bằng chứng phá hoại website cơ quan nhà nước Philippines của các hackers có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng thái độ phản ứng của Manila vẫn hết sức mềm dẻo, linh hoạt, vừa khẳng định ý thức độc lập tự chủ, sẵn sàng và có kế hoạch cụ thể đối phó trước mọi động thái phá hoại của đối phương chứ không làm căng thẳng thêm tình hình.

Khi xảy ra tranh chấp giữa hai nước, cuộc chiến an ninh mạng internet, cuộc chiến thông tin và truyền thông cũng sẽ nóng không kém gì ngoài mặt trận. Để giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt trong phán đoán tình hình và lựa chọn các giải pháp tối ưu là điều Philippines đang nỗ lực đạt được nhằm đối phó với những  chiến lược khó lường của Bắc Kinh.
Hồng Thủy