Trung Quốc ra sức ngụy biện chống đối phán quyết của PCA

07/05/2016 08:08
Đông Bình
(GDVN) - Chỉ có một số ít quốc gia "ủng hộ" cho thấy, thực lực của Trung Quốc có hạn, chính sách ngoại giao kinh tế yếu kém. Thực chất là do yêu sách bất hợp pháp...

Tờ Deutsche Welle của Đức ngày 6/5 bình luận, tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng gay gắt, Trung Quốc tìm cách để loại Mỹ và các đồng minh ra ngoài Biển Đông (để rảnh tay hành động), đồng thời, trong bối cảnh này, quá trình tìm kiếm "đồng minh" của Bắc Kinh cũng không hề thuận lợi.

Mặc dù gặp khó khăn, hôm qua 6/5 Vụ trưởng Vụ Biên giới-Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Âu Dương Ngọc Tĩnh hùng hồn tuyên bố với báo giới rằng:

"Một số nước trên thế giới bày tỏ chia sẻ và ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cho rằng, đây là cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ đối với lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông của Philippines và xử lý vấn đề Biển Đông, bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương, bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông, thực hiện toàn diện DOC".

Âu Dương Ngọc Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Biên giới-Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 6/5/2016
Âu Dương Ngọc Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Biên giới-Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 6/5/2016

Được biết, Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trên Biển Đông chứ không kiện tranh chấp lãnh thổ hay phân định biển. Vụ kiện bắt đầu từ năm 2013. Trong vài tuần tới, Tòa Trọng tài Thường trực có khả năng sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện này.

Giáo sư Dư Mậu Xuân, một chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc từ Học viện Hải quân Mỹ nói với hãng tin AP rằng, cách làm của Bắc Kinh cho thấy họ "khát vọng" có được sự "tôn trọng" của cộng đồng quốc tế, tránh bị rơi vào trạng thái cô lập trong vấn đề này. "Có một chút tiến triển đều sẽ giúp họ thấy thỏa mãn".

Dư Mậu Xuân cho rằng, trong vấn đề này, sự ủng hộ của Nga đặc biệt quan trọng, một liên minh chống Mỹ và chống phương Tây đang phát triển: "Điều này đã tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng lớn cho toàn thế giới. Cục diện đối đầu của liên minh nước lớn đang hình thành, trong đó, Trung Quốc và Nga bắt tay đối đầu với liên minh dân chủ do Mỹ đứng đầu".

Đồng thời, giáo sư chính trị học quốc tế Jonathan Holslag từ Đại học Tự do Brussels cho rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giởi, chỉ nhận được sự ủng hộ của số ít quốc gia lệ thuộc kinh tế vào họ. Điều này cho thấy, thực lực của Trung Quốc có hạn.

Jonathan Holslag cho rằng: "Trên thực tế, trong bối cảnh cung cấp viện trợ tài chính quy mô lớn, số lượng người ủng hộ Trung Quốc ít một cách đáng kinh ngạc... Tất cả điều này đều cho thấy sự yếu kém của Trung Quốc trong chính sách ngoại giao kinh tế".

Lý Quốc Cường, bí thư đảng ủy Viện nghiên cứu Biên cương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Nguồn ảnh: CNA Đài Loan
Lý Quốc Cường, bí thư đảng ủy Viện nghiên cứu Biên cương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Nguồn ảnh: CNA Đài Loan

Lý Quốc Cường, bí thư đảng ủy Viện nghiên cứu Biên cương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc gần đây cho rằng, có phóng viên Mỹ nhận xét, một mặt Trung Quốc chống lại sự can thiệp của các nước ngoài khu vực như Mỹ trong vấn đề Biển Đông, mặt khác, Trung Quốc lại lôi kéo các nước ngoài khu vực như Nga, Lào thể hiện thái độ trong vấn đề này.

Lý Quốc Cường nghĩ rằng, đây là "đánh tráo khái niệm". Theo ông ta thì "các nước như Nga, Lào chỉ bày tỏ lập trường chính trị của mình, không có các hành động can thiệp mang tính thực chất. Trái lại, các nước ngoài khu vực như Mỹ đã từ ngầm can thiệp đến công khai can thiệp, từ can thiệp chính trị chuyển sang can thiệp quân sự".

Theo hãng tin AP Mỹ, Trung Quốc tìm cách lôi kéo sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng là do họ đưa ra yêu sách hầu như chiếm trọn Biển Đông đã gây phản ứng rộng rãi từ cộng đồng quốc tế.

Trong quá trình này, Mỹ duy trì trạng thái gây sức ép, điều tàu chiến và máy bay thách thức yêu sách hiệu lực pháp lý vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

Washington và các đồng minh như Nhật Bản đều nhấn mạnh, việc Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông thời gian qua và hiện nay đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng khu vực.

Mặc dù là thành viên của UNCLOS và là nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng Trung Quốc đã thể hiện như là một nước bất chấp luật pháp quốc tế, mục đích là để bảo vệ yêu sách bành trướng vô lý, phi pháp ở Biển Đông.

Hôm qua, Bắc Kinh tiếp tục tái khẳng định cái lập trường sai trái rằng, họ "có chủ quyền" ở Biển Đông và tìm cách đáp trả lại việc Philippines khởi kiện họ.

Vụ trưởng Vụ Biên giới-Hải đảo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Âu Dương Ngọc Tĩnh lại một lần nữa đánh tráo khái niệm trong vụ kiện của Philippines. Ông ta lập luận rằng, UNCLOS không đề cập đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trong vấn đề phân định vùng biển, Trung Quốc cũng đã đưa ra tuyên bố đứng ngoài các quy định của Công ước.

Vì vậy, Trung Quốc "không chấp nhận, không tham gia vụ kiện trọng tài". Bởi vì, vụ kiện này "khi bắt đầu đã là bất hợp pháp", bất kể kết quả trọng tài thế nào, "Trung Quốc sẽ không chấp nhận và thừa nhận".

Khi được hỏi về các vấn đề trong thời gian tới, Âu Dương Ngọc Tĩnh phần lớn nhắc lại lập trường trước đây của Chính phủ Trung Quốc, cho biết, tất cả các công trình "lấn biển"đã kết thúc vào cuối tháng 6/2015.

Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng trên thực tế, gần đây, Trung Quốc đã chuyển sang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông bằng cách bố trí rất nhiều vũ khí trang bị, phương tiện quân sự ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam như máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không, radar cao tần...

Việc làm phi pháp này của Trung Quốc thực chất là đang đặt thùng thuốc súng trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, chà đạp luật pháp quốc tế- PV.

Đông Bình