Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào khi công dân bị IS sát hại?

19/11/2015 09:09
Nguyễn Hường
(GDVN) - IS tuyên bố Fan Jinghui và Ole Johan Grimsgaard-Ofstad đã bị xử tử sau khi bị đất nước và các tổ chức bỏ rơi.

The Diplomat và The New York Times ngày 19/11 đưa tin cho biết, tổ chức IS tuyên bố đã sát hại hai con tin người nước ngoài, bao gồm một người Trung Quốc và một người Na Uy.

IS tuyên bố Fan Jinghui và Ole Johan Grimsgaard-Ofstad đã bị xử tử sau khi bị đất nước và các tổ chức bỏ rơi hay không chấp thuận trả tiền chuộc.

Mặc dù giới chức an ninh vẫn đang cố gắng xác minh báo cáo, Thủ tướng Erna Solberg đã bày tỏ tin tưởng rằng tuyên bố này hoàn toàn có thể là sự thật, tờ The Wall Street Journal cho biết. 

Công dân Trung Quốc (phải) và Na Uy bị IS bắt giữ làm con tin đã bị hành quyết.
Công dân Trung Quốc (phải) và Na Uy bị IS bắt giữ làm con tin đã bị hành quyết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: "Trung Quốc đã xem xét các báo cáo có liên quan và bị sốc nặng trước thông tin mình. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng hết sức mình để giải cứu sau khi công dân của mình bị bắt cóc. Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh những tình tiết liên quan".

Trong tháng 9, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận rằng thông tin IS đưa ra về việc bắt giữ một con tin là công dân nước này phù hợp với dữ liệu thực tế.

Vụ hành quyết hai con tin người Trung Quốc và Na Uy diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo toàn cầu đang tăng gấp đôi nỗ lực chống khủng bố IS tại Syria và Iraq sau các vụ tấn công đẫm máu ở Paris ngày 13/11 và vụ đánh bom máy bay Nga tại Sinai hồi cuối tháng 10.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án vụ tấn công khủng bố tại Paris là "hành động man rợ nhất" trong một thông điệp tới Tổng thống Pháp Francois Hollande. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc "hỗ trợ mạnh mẽ phía Pháp trong việc duy trì an ninh quốc gia và sự ổn định, chống khủng bố."

Mặc dù ngày càng tỏ ra là một cầu thủ không thể thiếu trong các cuộc chơi lớn và nhận mình là một cường quốc có trách nhiệm trên thế giới, nhưng cho đến nay, Trung Quốc chủ yếu đứng bên lề cuộc chiến chống IS hơn là hỗ trợ các hoạt động quân sự chống lại tổ chức này trong các chiến dịch do Mỹ và Nga dẫn đầu.

Một phần nguyên nhân này, theo Diplomat, là vì IS vẫn chưa đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đến công dân Trung Quốc dù các quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo rằng IS đã cố gắng tuyển dụng người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Giới quan sát đang chờ đợi phản ứng và có thể là sự thay đổi lập trường của Trung Quốc sau vụ công dân nước này bị IS hành quyết ở Syria và một công dân nước này bị bắn trong vụ tấn công ở Paris. 

Tuy nhiên, các phản ứng được đưa ra trước đó cho thấy họ không thể mong đợi gì nhiều. Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp báo cáo rằng nạn nhân đang trong tình trạng tốt sau khi được nhập viện. Nhưng China Daily lưu ý rằng hơn 1.000 khách du lịch Trung Quốc ở Paris vào tối Thứ Sáu, khi các cuộc tấn công diễn ra.

Sau các cuộc tấn công Paris, các quan chức Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu chống khủng bố, bao gồm cả chống lại một nhóm ly khai ở Tân Cương mà Trung Quốc xem là mối đe dọa khủng bố lớn nhất của mình.

Nhưng Bắc Kinh vẫn mơ hồ trong những câu hỏi về những gì nó sẽ đóng góp cho cuộc chiến toàn cầu chống IS, cung cấp hỗ trợ cụ thể cho các cuộc không kích ở Syria.

Theo The Diplomat, Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường của mình về việc tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông ngay cả khi một công dân bị giết hại. Nhưng chắc chắn, Trung Quốc ngày càng phải đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu mới từ các nhóm khủng bố như IS. 

Vụ IS hành quyết công dân đã nhấn mạnh tính dễ tổn thương của Trung Quốc với các mối đe dọa từ các nhóm cực đoan, trong bối cảnh người Trung Quốc đang lan rộng trên toàn cầu, The Wall Street Journal nói. 

Chính phủ Bắc Kinh đã phải đối mặt với áp lực trong nước về việc liệu nó có thể bảo vệ công dân khỏi tình trạng bất ổn ở nước ngoài.

Trong năm 2011, Hải quân Trung Quốc đã phát động hoạt động đầu tiên của mình ở Địa Trung Hải để di tản người dân ra khỏi Libya. Một hoạt động tương tự cũng đã được thực hiện ở Yemen vào năm 2015.

Nguyễn Hường