Trung Quốc sẽ phớt lờ vấn đề Biển Đông khi Obama vắng mặt tại EAS

08/10/2013 07:04
Nguyễn Hường
(GDVN) - Theo Reuters ngày 7/10, Trung Quốc có thể tận dụng sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Brunei lần này để bỏ qua những tranh cãi liên quan tới tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của nước này trên Biển Đông và những biện pháp cứng rắn để củng cố ảnh hưởng của mình trên vùng biển này.
Sẽ không có tiến bộ nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ đạt được trong hội nghị được bắt đầu vào ngày 9/10 và căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng có thể sẽ kéo dài, Reuters dẫn lời các nhà phân tích, các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao trong khu vực cho biết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Những tuyên bố chồng chéo trên Biển Đông kéo dài sâu vào khu vực Đông Nam Á, tạo ra hố sâu khi Bắc Kinh ngày càng hung hăng với các quốc gia châu Á nhỏ hơn mình, trong đó gồm cả các nước được Mỹ hỗ trợ.

Đây là một trong những điểm nóng nhất của khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về quân sự và quân đội Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược trở lại châu Á.
Washington đặc biệt quan tâm đến vấn đề tranh chấp Biển Đông và đã nhiều lần gây áp lực lên Bắc Kinh, kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên kế hoạch nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ở Brunei, nhưng ông hủy bỏ kế hoạch vì sự bế tắc trong việc đóng cửa chính phủ ở Washington. Ngoại trưởng John Kerry sẽ đại diện cho ông.

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong bối cảnh ông Obama vắng mặt.
Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong bối cảnh ông Obama vắng mặt.

"Nhìn chung, rất khó để xem Mỹ có thể nói lên những mối quan tâm một cách mạnh mẽ như thế nào nếu không có Tổng thống", ông Carl Thayer - một chuyên gia Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra nói.
Trong tuần này, Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo phủ đầu chống lại sự can thiệp của Mỹ trong tranh chấp lãnh hải của nước này với các láng giềng khi Thứ trưởng Ngoại giao nước này lên tiếng cho rằng "sự tham gia của các nước ngoài khu vực sẽ chỉ làm phức tạp vấn đề này và không có lợi cho việc cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực".
Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương chứ không phải đa phương, tờ báo cho biết.
Theo Reuters, thời gian gần đây, Trung Quốc đã có sự thay đổi tinh tế và phức tạp về sự hiện diện của mình trên biển. 
Đầu năm nay, Bắc Kinh đã đồng ý tổ chức các cuộc tham vấn với ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử cho các tranh chấp trên Biển Đông (CCOD), nhưng sau đó họ lại hạn chế hội đàm về điều đó, một số nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia các cuộc hội đàm nhưng không cam kết bất cứ điều gì cụ thể.
Trong khi đó, Philippines đã tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ với hy vọng để đạt được sự tiến bộ đáng kể trong đàm phán, nhưng cũng thừa nhận rằng Manila không chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu bằng cách này.
"Họ (Mỹ) muốn quy tắc ứng xử được ký kết nhanh chóng, nhưng thực sự là tất cả đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Tôi hy vọng, nhưng tôi không thể chắc chắn cách này sẽ đạt được tiến bộ. Chúng ta sẽ phải chờ xem", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết.

Nguyễn Hường