Trung Quốc sẽ thành bá chủ toàn cầu nếu Donald Trum trúng cử Tổng thống?

05/05/2016 11:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Donald Trump làm Tổng thống và rút quân khỏi châu Á sẽ tạo ra khoảng trống chiến lược địa chính trị và Trung Quốc sẽ lập tức nhảy vào, đặc biệt là ở Biển Đông.

Zhibo Qiu, một chuyên gia tư vấn tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 5/5 bình luận trên The Diplomat, với việc Thượng nghị sĩ Ted Cruz tuyên bố dừng chiến dịch vận động ủng hộ đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, con đường để tỉ phú Donald Trump đến với đề cử của đảng đang ngày càng ngắn lại, bất chấp cả một liên minh của các đối thủ nhằm hạ bệ ông.

Mặc dù vẫn có những tranh cãi trong nội bộ đảng Cộng hòa và dư luận Mỹ, với phần còn lại của thế giới, Donald Trump có thể trở thành ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ là sự thực, nhiều người trước đây cho rằng có nằm mơ họ cũng không nghĩ tới.

Các học giả quốc tế, giới hoạch định chính sách đã bắt đầu đánh giá vai trò, vị thế và chiến lược của Mỹ trên trường quốc tế một khi ông trùm bất động sản này trở thành ông chủ Nhà Trắng sau cuộc bầu cử 8/11 tới.

Tỷ phú Donald Trump, ảnh: AP.
Tỷ phú Donald Trump, ảnh: AP.

Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đăng tải hàng loạt bài phân tích về sự gia tăng ảnh hưởng của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Nếu như trước đây các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, dù người của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ trở thành Tổng thống Mỹ thì chính sách của Washington với Bắc Kinh cơ bản không thay đổi, thì nay điều này có thể khác một khi Donald Trump trở thành Tổng thống.

Trung Quốc có thể nhảy vọt trên 3 lĩnh vực thương mại, an ninh và vai trò lãnh đạo toàn cầu nếu Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Bắc Kinh sẽ gặt hái được nhiều từ chính sách thương mại của Donald Trump

So với các chính sách mơ hồ của Donald Trump đối với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, riêng về thương mại ông đã đưa ra 7 điểm cải cách thương mại Mỹ - Trung.

Mục tiêu cuối cùng của Donald Trump là mang lại hàng triệu việc làm cho công dân Hoa Kỳ. Ông đề nghị đánh thuế 45% đối với các sản phẩm Trung Quốc để đảm bảo sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ.

Thoạt nghe điều này có vẻ là tin xấu với Bắc Kinh, bởi trong năm 2015 Trung Quốc đã vượt Canada trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. 30 năm qua, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu sản phẩm giá rẻ.

Chính sách bảo hộ hàng nội địa của Donald Trump có thể gây hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên thực tế chưa chắc đã diễn ra theo hướng này. Bởi lẽ Bắc Kinh đã điều chỉnh mô hình tăng trưởng và dần rút ra khỏi mô hình sản xuất, xuất khẩu hàng tiêu dùng giá rẻ mà Donald Trump đang nhăm nhe trừng phạt.

Thay vào đó, bắc Kinh chuyển sang xuất khẩu các chuỗi tích hợp sản xuất và cung ứng, trong đó bao gồm đầy đủ các yếu tố về sản phẩm, công nghệ, vốn, quản lý, các dịch vụ và hệ thống tiêu chuẩn.

3 năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu một loạt chính sách công nghiệp để nâng cao năng lực công nghiệp và thay đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng lực sáng tạo và sức tiêu thụ.

Trung Quốc sẽ thành bá chủ toàn cầu nếu Donald Trum trúng cử Tổng thống? ảnh 2

Biển Đông càng rối thì Nga càng có lợi?

(GDVN) - Nếu Nga tiếp tục hành xử như hiện nay, thì thật đáng tiếc bởi Nga sẽ bị gạt ra ngoài lề khu vực.

Trung Quốc tập trung vào ngành chế tạo đường sắt cao tốc, năng lượng hạt nhân, công nghệ sinh học và hàng không. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố mục tiêu chiến lược cải thiện lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp "Made in China 2025".

Với cam kết bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ, nhiều khả năng Donald Trump sẽ đánh thuế bảo hộ các dòng sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên điều này không những sẽ không làm khó cho Trung Quốc, mà sẽ tạo ra áp lực buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải đổi mới và di chuyển về phía chuỗi giá trị toàn cầu theo đúng những toan tính của Trung Nam Hải.

Mặt khác, Donald Trump còn cam kết sẽ rút khỏi TPP, một hiệp định tự do thương mại giữa Mỹ với 11 nước, trong đó có Nhật Bản, Úc, Việt Nam, Mexico...TPP được coi là sản phẩm của Barack Obama để ngăn chặn Trung Quốc hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường ưu đãi. Nếu Donald Trump rút khỏi TPP, thì đó là một thắng lợi của Trung Quốc.

Ngoài ra Donald Trump còn chỉ trích các công ty Mỹ chuyển doanh nghiệp, nhà máy của họ ra nước ngoài làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền công nghiệp Mỹ. Nếu Donald Trump làm Tổng thống, ông có thể ép các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ phải rời khỏi các thị trường mới nổi như Trung Quốc.

Và đương nhiên chính sách này sẽ tạo ra khoảng trống trên thị trường, các doanh nghiệp Trung Quốc đã được chuẩn bị sẵn sàng để thế chỗ, mà theo người viết, tất nhiên là sẽ với cái giá rất hời kết hợp với hệ thống nhà xưởng, công nghệ hiện đại mà doanh nghiệp Mỹ để lại.

Chính phủ Trung Quốc đã có những chính sách "ngược đãi đầu tư nước ngoài" để giúp doanh nghiệp Trung Quốc nẫng tay trên tài sản có giá trị của doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc.

Biển Đông và an ninh châu Á - Thái Bình Dương sẽ ra sao nếu Trump làm Tổng thống?

Zhibo Qiu cho rằng, với những gì Donald Trump trả lời phỏng vấn The New York Times hôm 26/3 thì có thể thấy, tỷ phú này không mấy quan tâm đến lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược "xoay trục sang châu Á" mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi có thể trở về con số 0 nếu Trump thành ông chủ Nhà Trắng.

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là dường như Donald Trump không thích Nhật Bản. Ông cho rằng, trong số các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ thì xếp sau Trung Quốc là đến Nhật Bản.

Trung Quốc sẽ thành bá chủ toàn cầu nếu Donald Trum trúng cử Tổng thống? ảnh 3

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga

(GDVN) - Việc Mỹ chỉ điều động 250 quân tới Syria trong giai đoạn này là một nước đi đầy khôn ngoan của Obama.

Còn riêng trong lĩnh vực an ninh, Donald Trump đã khiến hai đồng minh cốt lõi của Mỹ ở Đông Á hết sức lo ngại khi ứng viên này tuyên bố, nếu ông làm Tổng thống, Trump sẽ rút quân khỏi châu Á.

Donald Trump giải thích rằng, Mỹ không thể cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc một cách miễn phí mãi được. Donald Trump dường như chẳng quan tâm gì tới Biển Đông khi được The New York Times hỏi quan điểm của ông về điểm nóng này, thay vào đó ông lái câu chuyện sang vấn đề cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung.

Rõ ràng nếu Donald Trump làm Tổng thống và rút quân khỏi châu Á sẽ tạo ra khoảng trống chiến lược địa chính trị và Trung Quốc sẽ lập tức nhảy vào, đặc biệt là ở Biển Đông và Hoa Đông.

Thậm chí ngay cả định chế NATO cũng bị ông trùm bất động sản này nghi ngờ. Donald Trump cho rằng, NATO đã tiêu tốn khá nhiều tài sản của Mỹ nhưng lại không chi trả đủ cho Washington.

Học giả Thomas Wright từ Viện Brookings nhận xét, nếu Donald Trump làm ông chủ Nhà Trắng thì Nga và Trung Quốc đã đạt được mục tiêu hủy diệt NATO mà chẳng tốn hòn tên mũi đạn nào, một rào cản Moscow và Bắc Kinh phải tìm cách vượt qua trong hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, không phải cứ Donald Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ là Trung Quốc có thể dễ dàng xưng hùng, xưng bá trong khu vực.

Nếu phương án này xảy ra, chắc chắn Nhật Bản sẽ phải có kế hoạch nhảy vào thế chỗ để bảo vệ lợi ích an ninh, địa chính trị của chính mình. Thậm chí Tokyo có thể phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi gánh nặng đối phó với CHDNCD Triều Tiên sẽ dồn cả lên vai Trung Quốc.

Gay cấn nhất là khu vực Biển Đông, nếu Mỹ rút quân khỏi châu Á dưới thời Donald Trump, các nước láng giềng sẽ gặp khó khăn phiền phức hơn rất nhiều khi đương đầu với Trung Quốc.

Vai trò lãnh đạo toàn cầu

Chính sách của Donald Trump muốn Hoa Kỳ rút khỏi vai trò "cảnh sát toàn cầu" hiện nay để tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp trong nước. Nếu Donald Trump làm Tổng thống, Mỹ có khả năng sẽ giảm vai trò lãnh đạo và cam kết đối với Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc sẽ thế chỗ Hoa Kỳ nếu Donald Trump trở thành Tổng thống, đó là một nguy cơ có thật. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Trung Quốc sẽ thế chỗ Hoa Kỳ nếu Donald Trump trở thành Tổng thống, đó là một nguy cơ có thật. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.

Trump không hề đánh giá cao vai trò của Liên Hợp Quốc. Tháng 3 năm nay, ông bình luận rằng định chế quốc tế này "thiếu năng lực".

Trong khi đó Trung Quốc đang vận động theo hướng ngược lại, từ một "game thủ" đến "nhà sản xuất game". Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc cam kết sẽ đóng vai trò hàng đầu trong quản trị quốc tế với khuôn khổ của Liên Hợp Quốc.

Năm nay Trung Quốc trở thành nước đóng góp tài chính lớn thứ 3 cho Liên Hợp Quốc và có kế hoạch tăng thêm đóng góp tiền bạc cho tổ chức này lên 7,9% trong 3 năm tới. Trong thời gian này, Bắc Kinh cũng sẽ tăng đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc lên 10,2%.

Nhìn vào chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu, xu hướng co cụm của Donald Trump và hình ảnh không được lòng dân của ông có thể đe dọa quyền lực mềm và sức mạnh ngoại giao của Mỹ. Thậm chí Nghị viện Anh đã phải thảo luận về việc cấm Donald Trump nhập cảnh vào vương quốc này.

Donald Trump chủ trương xiết chặt chính sách nhập cư bao nhiêu thì Bắc Kinh lại nới lỏng chính sách này bấy nhiêu. Trung Quốc đang cạnh tranh thu hút nhân tài toàn cầu, những người được đào tạo ở Mỹ nếu gặp khó khăn khi ở lại Hoa Kỳ thì Trung Quốc có thể là một lựa chọn thay thế.

Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ luôn luôn chứa đựng những điều bất ngờ và hiện tượng Donald Trump đang là ví dụ điển hình về sự bất ngờ ấy. Tuy nhiên người viết cho rằng, cử tri Hoa Kỳ sẽ đủ tỉnh táo và khôn ngoan để lựa chọn cho mình nhà lãnh đạo đất nước biết bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia sống còn của Hoa Kỳ trước các đối thủ tiềm tàng. Đối thủ của Hoa Kỳ không phải tổ chức khủng bố ISIS, càng không phải Nga, mà chính là Trung Quốc.

Hồng Thủy