Trung Quốc tấn công ngoại giao, tập trận toàn diện trên Biển Đông

06/05/2016 06:27
Hồng Thủy
(GDVN) - Lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng sẽ tham gia tập trận.

South China Morning Post ngày 6/5 đưa tin, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc diễn tập quân sự chiến đấu toàn diện ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu chiến hiện đại nhất của mình.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Chiến hạm Trung Quốc, hình minh họa: SCMP.
Chiến hạm Trung Quốc, hình minh họa: SCMP.

2 khu trục hạm, 2 hộ vệ hạm và 1 tàu tiếp tế đã rời Tam Á hôm Thứ Tư và bắt đầu các cuộc tập trận. Giới phân tích nói rằng, hoạt động này nhằm thúc đẩy khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các tàu khu trục khác sẽ được điều động sớm tham gia tập trận chung.

Lực lượng quân sự Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cũng sẽ tham gia tập trận, cùng với cả một lực lượng từ Hạm đội Bắc Hải.

Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự ở Thượng Hải nói với South China Morning Post, tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc sẽ được biên chế cho Hạm đội Nam Hải là một phản ứng của Bắc Kinh với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên hai bên sẽ thận trọng để tránh ma sát. "Tập trận lần này là một cuộc biểu tình của cơ bắp", ông Hùng bình luận.

The New York Times hôm nay bình luận, trước phán quyết của PCA, Trung Quốc đang thực hiện nhiều động thái quân sự và ngoại giao để thể hiện rằng họ đang bám chắc vào tuyên bố chủ quyền của mình khi đứng chân trên 7 bãi cạn, rặng san hô ở Trường Sa (mà Bắc Kinh xâm lược, chiếm đóng và quân sự hóa trái phép).

Trong khi đó Tân Hoa Xã ngày 5/5 đăng bài xã luận của Đại sứ Trung Quốc tại Anh chụp mũ cho Hoa Kỳ và Anh quốc "quân sự hóa Biển Đông". Ông Đại sứ Trung Quốc tiếp tục đánh tráo khái niệm trong vụ kiện của Philippines từ chỗ áp dụng, giải thích sai UNCLOS thành tranh chấp chủ quyền để nói PCA không có thẩm quyền thụ lý.

Việc Hoa Kỳ và Anh quốc kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA được ông Đại sứ chụp mũ thành "can thiệp thô bạo vào Biển Đông".

Trước đó hôm 4/5, Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận đổ tội cho Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ trở thành "nguồn cơn lớn nhất của tâm lý bi quan căng thẳng của cả hai nước" Trung Quốc và Mỹ.

Bài báo cho rằng, một số quan chức cấp cao Trung Quốc, đặc biệt là giới tướng lĩnh quân đội cho rằng hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông là làm "phức tạp tranh chấp, xúi các bên đứng lên chống lại Trung Quốc".

Theo Navi Times ngày 5/5, việc Trung Quốc từ chối cho cụm tàu sân bay USS John C. Stennis cập cảng Hồng Kông đã khiến một số quan chức và nhà lập pháp Mỹ tức giận. Hạ nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện kêu gọi Mỹ điều cụm tàu sân bay này thăm đảo Đài Loan để đáp trả thái độ khiêu khích của Bắc Kinh.

Hồng Thủy