Trung Quốc vẫn đòi đàm phán tay đôi tranh chấp đa phương ở Biển Đông

30/08/2013 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Phát biểu của Thường Vạn Toàn không có gì mới, nó chỉ cho thấy Bắc Kinh vẫn khăng khăng luận điệu sai trái cũ và không chịu từ bỏ cuồng vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Điều này cũng góp phần chứng minh rằng cái gọi là "thiện chí tham vấn COC" với ASEAN chỉ là một chiêu trò láu cá của Bắc Kinh, sử dụng câu từ để hoãn binh và tìm cách thực hiện tham vọng bành trướng trên Biển Đông mà thôi.

Ông Thường Vạn Toàn (bên phải).
Ông Thường Vạn Toàn (bên phải).

Nhật báo Phố Wall ngày 29/8 đưa tin, ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hôm qua 29/8 khi tham dự cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (AMMD +) tại Brunei đã chỉ trích thẳng thừng các đối tác Đông Nam Á, nói rằng Bắc Kinh từ chối bất kỳ phương pháp tiếp cận đa phương nào để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Toàn nói rằng tranh chấp Biển Đông không nên làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN bởi vì "ASEAN không có vai trò trực tiếp trong các bất đồng" ở Biển Đông và "những tranh chấp này "nên được giải quyết bởi các nước liên quan trực tiếp", "Trung Quốc phản đối bất kỳ nỗ lực quốc tế hóa hay làm phức tạp thêm tranh chấp"?!

Phát biểu của Thường Vạn Toàn đã đi ngược lại xu thế chung của thời đại cũng như mong muốn, nguyện vọng chung của cả khu vực khi tiếp tục một mình một kiểu.

Thực tế hòa bình và ổn định ở Biển Đông là điều kiện, là tiền đề cho sự phát triển, thịnh vượng chung của khối ASEAN nói riêng và khu vực nói chung, điều này đã được thể hiện trong kết quả phiên họp Ngoại trưởng ASEAN tại Hua Hin, Thái Lan vừa qua, ASEAN nhất trí cao độ phải có cùng tiếng nói trong việc thúc đẩy Trung Quốc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC.

Mặt khác, Trung Quốc chiếm đoạt phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì đó là tranh chấp song phương (bất chấp việc Việt Nam liên tục yêu cầu giải quyết vấn đề Hoàng Sa thông qua đàm phán hòa bình, nhưng Bắc Kinh luôn tìm cách lờ đi), nhưng với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) có 5 nước 6 bên tuyên bố yêu sách chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo thì không thể nói là tranh chấp song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua tham dự AMMD + cũng khẳng định rõ, bất kỳ nỗ lực thúc đẩy hành động trên Biển Đông nhằm nâng cao yêu sách chủ quyền của bên nào đều không làm tăng giá trị pháp lý của yêu sách đó, ngược lại chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua tham dự AMMD + cũng khẳng định rõ, bất kỳ nỗ lực thúc đẩy hành động trên Biển Đông nhằm nâng cao yêu sách chủ quyền của bên nào đều không làm tăng giá trị pháp lý của yêu sách đó, ngược lại chỉ làm tăng nguy cơ đối đầu ở Biển Đông.

Bắc Kinh khăng khăng đòi đàm phán tay đôi với từng bên tranh chấp ở Trường Sa, rõ ràng là vừa đã đuối lý nhưng lại vừa tham vọng chia rẽ ASEAN để độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.

Trong một xã hội văn minh, khi các nước đều là thành viên trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt các bên tranh chấp ở Biển Đông hầu như đều thừa nhận và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) thì việc sau khi không thống nhất được với nhau về quan điểm, cách thức áp dụng UNCLOS ở Biển Đông mới đưa vấn đề ra cơ quan tài phán phân xử là việc làm hết sức văn minh, phù hợp, đúng luật và làm cho các tranh chấp trở nên đơn giản.

Nếu không đuối lý, Trung Quốc đã không sợ đưa vấn đề ra cơ quan tài phán đến thế.

Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới, nơi phần lớn hàng hóa thương mại của các nước Đông Á đi qua nên việc an ninh hàng hải được đảm bảo là lợi ích quan trọng của các quốc gia này và đối tác của họ.

Việc các quốc gia này bày tỏ quan tâm tới an ninh Biển Đông, mong muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng chung của khu vực cũng như dư luận quốc tế, đâu phải chuyện làm phức tạp tình hình như ông Toàn đang nói? Đối tượng cố tình làm phức tạp tình hình ở đây chính là Trung Quốc chứ không phải ai khác.

Phát biểu của Thường Vạn Toàn không có gì mới, nó chỉ cho thấy Bắc Kinh vẫn khăng khăng luận điệu sai trái cũ và không chịu từ bỏ cuồng vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Điều này cũng góp phần chứng minh rằng cái gọi là "thiện chí tham vấn COC" với ASEAN chỉ là một chiêu trò láu cá của Bắc Kinh, sử dụng câu từ để hoãn binh và tìm cách thực hiện tham vọng bành trướng trên Biển Đông mà thôi.




Hồng Thủy