"Trung Quốc vẫn sẽ đối đầu Shinzo Abe, Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam"

18/02/2015 11:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số nước láng giềng Trung Quốc lo lắng tự hỏi, nên kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ hay chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh tháng 11/2014.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh tháng 11/2014.

CNN ngày 16/2 bình luận, trên sân khấu chính trị quốc tế Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc đã nổi lên như một nhân vật lớn kể từ khi ông lên nắm quyền tại quốc gia đông dân nhất thế giới năm 2012. Ông Bình 61 tuổi được coi là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Với ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng trưởng 2 con số môi năm, là người đứng đầu bộ máy chính quyền và quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình đã không hề "nhút nhát" trong việc phô trương sức mạnh quân sự của quốc gia này, bao gồm các vũ khí tiên tiến nhất như tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới.

Trung Nam Hải nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu cho Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bị phát hiện rằng, một loạt vấn đề trong nước và quốc tế khác đang bủa vây, ràng buộc Nhà Trắng. Chiến lược xoay trục sang châu Á nổi tiếng của Obama đã bị gián đoạn, nhà phân tích chính trị lâu năm Willy Lam từ đại học Trung Quốc ở Hồng Kông bình luận.

Tuy nhiên ông Obama vẫn quan tâm tới việc khẳng định uy quyền của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam, Philippines và Ấn Độ để tạo thành bánh xe kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Willy Lam cho biết. Thời Ân Hoằng, một giáo sư đại học Nhân dân từ Trung Quốc dự đoán, đối đầu ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington là một viễn cảnh đáng lo ngại.

Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên trong tháng 9 tới, và chính phủ Mỹ sẽ phải quyết định xem có chấp nhận được lợi ích chiến lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương hay không, ông Hoằng cho biết. Cái gọi là "lợi ích chiến lược" này theo CNN bao gồm cả nhóm đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát trên biển Hoa Đông.

Quan hệ ngoại giao giữa hai đối thủ lịch sử giờ đã trở nên xấu đi rất nhiều. Vì lo ngại gia tăng các vụ xung đột quân sự tiềm ẩn, Tập Cận Bình cuối cùng cũng đồng ý tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh năm ngoái. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của 2 ông kể từ khi lên cầm quyền.

Một bức ảnh nổi tiếng chụp lại khoảnh khắc Tập Cận Bình bắt tay Shinzo Abe với ánh mắt của chủ nhà lảng đi nơi khác, không hề nhìn vào khách. Hai nguyên thủ lúng túng bắt tay trước một biển ánh sáng flash của cánh phóng viên, những người đã chứng kiến rõ nhất sự lạnh lẽo giữa nguyên thủ 2 nước Trung - Nhật.

Thời Ân Hoằng cho rằng, chính phủ 2 nước Trung - Nhật đã nối lại một cố cuộc đàm phán, đó là sự tiến bộ đáng kể. Nhưng Trung Quốc sẽ vẫn đối đầu với Thủ tướng Shinzo Abe trong khi nói chuyện với ông, Bắc Kinh sẽ kết hợp cả hai yếu tố, Thời Ân Hoằng cho biết. Trong khi các quan chức ngoại giao tiếp tục công việc đối thoại, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng căn cứ hải quân ở một hòn đảo gần vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc dường như còn áp dụng một cách tiếp cận tương tự như ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh (lao vào) tranh chấp lãnh thổ gay gắt với một số nước láng giềng Đông Nam Á. Một mặt Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt căng thẳng, nhưng mặt khác vẫn cứ nỗ lực thúc đẩy tuyên bố lớn hơn ở Biển Đông, Willy Lam bình luận. Điều này khiến "một số nước láng giềng Trung Quốc lo lắng tự hỏi, nên kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ hay chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc?"

Hồng Thủy