Trung Quốc xây pháo đài nổi di động khổng lồ trên biển

15/08/2015 08:11
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ngoài tiềm năng sử dụng như một trung tâm mua sắm và du lịch, công trình này cũng có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự di động cho lực lượng Hải quân

Hai công ty Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một công trình nổi khổng lồ dài hàng km bao gồm cả đường băng, bến cảng, sân đỗ trực thăng, doanh trại.

Công trình nổi này được thiết kế giống như một căn cứ an ninh toàn diện có thể di chuyển tới bất kỳ đại dương nào, tờ Sputnik nhấn mạnh.

Mô hình căn cứ nổi khổng lồ của Trung Quốc. Ảnh Sputnik
Mô hình căn cứ nổi khổng lồ của Trung Quốc. Ảnh Sputnik

Feng Jun, Chủ tịch Hainan Offshore Industry - một công ty phát triển công nghệ, nói với tờ Financial Times rằng hiện công trình nổi này vẫn đang ở giai đoạn thiết kế và nghiên cứu. 

Công nghệ chế tạo nên công trình này chủ yếu là công nghệ đã giúp Bắc Kinh chế tạo ra những chiếc giàn khoan khổng lồ.

Feng Jun cũng thừa nhận rằng ngoài tiềm năng sử dụng như một trung tâm mua sắm và du lịch, công trình này cũng có thể được sử dụng như một căn cứ quân sự di động cho lực lượng Hải quân trong bối cảnh chủ quyền của Bắc Kinh đang bị "thách thức" (?!).

Kế hoạch này của Bắc Kinh được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của mình ở Biển Đông.

Điều đó dẫn đến các suy đoán và lo ngại rằng trong tương lai, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng công trình nhân tạo này như một căn cứ quân sự nhằm củng cố tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình.

Các chuyên gia cũng tin rằng việc triển khai các cấu trúc nổi khổng lồ (VLFS) ở Biển Đông có thể làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng trong khu vực.

"Đưa một trong những cấu trúc này ra Biển Đông sẽ là một hành động khiêu khích khủng khiếp", Richard Bitzinger, một chuyên gia về an ninh hàng hải, nói với Financial Times.

Mối lo ngại này là có cơ sở thực tế bất chấp các tuyên bố trấn an của phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng họ không biết về kế hoạch mua sắm thiết bị như vậy. 

Trước đó, Quân đội Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến dự án VLFS tại các diễn đàn và hội nghị công nghiệp quân sự và quốc phòng thời gian gần đây.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, Jidong Development, một công ty nhà nước là đơn vị đóng góp phần lớn kinh tế cho dự án nghiên cứu chế tạo VLFS. VLFS đầu tiên đang được chế tạo ở Bắc Kinh và có thể được sử dụng như một "cơ sở an ninh toàn diện ngoài khơi".

Chuyên gia Bitzinger đã bày tỏ hoài nghi về giá trị quân sự của chúng trong một cuộc xung đột nếu hoạt động độc lập. Theo ông, công trình này quá tốn kém và khá khó khăn trong việc di chuyển. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phối hợp nó với tàu sân bay để nó hoạt động hiệu quả hơn./.

Nguyễn Hường