Truyền thông Nhật bình luận gì vụ Trung Quốc tuyên bố "bồi lấp sắp xong"?

18/06/2015 09:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Nikkei cho biết, nhiều quan điểm trong quân đội Trung Quốc vẫn cho rằng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này vẫn chưa đủ rộng cho mục đích quân sự.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.

BBC tiếng Trung Quốc ngày 17/6 tổng hợp phản ứng và bình luận của chính phủ cũng như truyền thông Nhật Bản xung quanh tuyên bố "sắp bồi lấp xong, chuẩn bị xây dựng hạ tầng phục vụ mục đích quân sự và dân sự" (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố trong cuộc họp báo ngày hôm qua rằng, Nhật Bản đặc biệt quan tâm theo dõi các hành động đơn phương làm căng thẳng tình hình của phía Trung Quốc.

Nhật Bản không để Trung Quốc biến việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông thành "sự thật đã rồi". Ông Yoshihide Suga nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải hành động trên cơ sở luật pháp quốc tế.

BBC cho rằng tuyên bố của Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 16/6 đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Hoa Kỳ trở nên căng thẳng. Động thái này của Bắc Kinh cũng dấy lên sự chú ý và bàn luận sôi nổi của truyền thông Nhật Bản.

Đài NHK khẳng định hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc rõ ràng là nhằm mục đích quân sự. Đài Fuji Television cũng nhận định: "Xem ra mục đích của Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo này đã trở thành hiện thực".

Tờ Nikkei của Nhật Bản thì phân tích, tuyên bố của Lục Khảng còn nhằm mục đích tránh tranh cãi với Hoa Kỳ ngay trước thềm Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung năm 2015 sẽ khai mạc ngày 23/6 tới. Tuy nhiên Nikkei cũng lưu ý, Trung Quốc có thực sự kết thúc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo hay chỉ là kế hoãn binh tạm thời còn phải chờ xem.

Nikkei cho biết, nhiều quan điểm trong quân đội Trung Quốc vẫn cho rằng các đảo nhân tạo (bất hợp pháp) này vẫn chưa đủ rộng cho mục đích quân sự. Bởi vậy có khả năng sau khi hạ nhiệt tạm thời và đạt được một số mục tiêu trong đàm phán với Mỹ, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động bồi lấp và xây dựng.

Hãng thông tấn Kyodo News thì cho rằng tuyên bố của Lục Khảng hôm 16/6 chẳng qua là để tránh chỉ trích của Hoa Kỳ và các nước láng giềng về sự hung hăng thái quá của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Xung quanh nghi vấn này, đài NHK đã phỏng vấn Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) về việc sau khi bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trên 7 bãi đá (Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay) ở Trường Sa, Bắc Kinh có tiếp tục bồi lấp đảo nhân tạo nữa không.

Ngô Sỹ Tồn nói rằng, theo những gì ông ta biết thì không có ý tưởng nào như vậy. Ông Tồn cho rằng, với 7 đảo nhân tạo này là đủ để Trung Quốc "bảo vệ chủ quyền" (vô lý, phi pháp) ở Biển Đông.

Hồng Thủy