Tướng tham gia Chiến tranh Biên giới Việt-Trung có thể làm Phó Chủ tịch Quân ủy

29/10/2015 14:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Trương Hựu Hiệp được giới chức quân sự nước này cho là "có nhiều biểu hiện tích cực" trong cuộc chiến xâm lược biên giới Việt Nam giai đoạn 1979-1984 nên...
Trương Hựu Hiệp, ảnh: SCMP.
Trương Hựu Hiệp, ảnh: SCMP.

Hội nghị Trung ương 5 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 họp tại Bắc Kinh từ 26/10 đến 29/10 có khả năng củng cố bộ máy chỉ huy các lực lượng vũ trang Trung Quốc - Quân ủy Trung ương, mở đường cho Trương Hựu Hiệp, Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương thứ 3, South China Morning Post ngày 28/10 cho biết.

Nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng, Thường vụ Bộ chính trị sẽ trình Hội nghị Trung ương 5 về nhân sự bổ sung thêm một ghế Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương 10 thành viên do ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch. Ông Hiệp, một "đại tướng tâm phúc" của Tập Cận Bình có thể trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương để chuẩn bị phò tá ông Tập Cận Bình xây dựng quân đội cho nhiệm kỳ tới 2017 - 2022.

Trước đó truyền thông người Hoa hải ngoại có nhiều đồn đoán về tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần có khả năng được lựa chọn. Tuy nhiên 3 nguồn tin độc lập của South China Morning Post đều khẳng định, cơ hội cho Lưu Nguyên trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương rất mong manh.

Lương Quốc Lượng, một nhà phân tích quân sự Hồng Kông nói với South China Morning Post: "Trương Hựu Hiệp là viên tướng có tính cách hòa đồng, sẽ giúp Tập Cận Bình thống nhất ý kiến thực hiện cải cách trong quân đội".

Trong tháng này, tờ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên kêu gọi quân đội nước này học hỏi cấu trúc chỉ huy các binh chủng hợp thành của quân đội Hoa Kỳ. Tháng trước, South China Moning Post cho biết quân đội Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng, từ bỏ mô hình đại quân khu theo phong cách Liên Xô và học theo mô hình tổ chức của quân đội Mỹ.

Trung Quốc sẽ cơ cấu 7 đại quân khu hiện nay thành 4 Bộ Tư lệnh binh chủng hợp thành. Từ năm ngoái Trương Hựu Hiệp đã ra sức xúc tiến phương án này vì lòng trung thành cũng như xuất thân tương tự Tập Cận Bình.

Cả Tập Cận Bình và Trương Hựu Hiệp đều quê ở Thiểm Tây, thuộc tầng lớp "hạt giống đỏ thứ 2", cha đẻ hai người đã là đồng chí anh em chung đơn vị từ những năm 1940. Trương Tông Tốn, cha ông Hiệp là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần những năm 1970, Phó Tư lệnh Dã chiến quân số 1 còn ông Tập Trọng Huân, cha đẻ Tập Cận Bình khi đó làm Chính ủy đơn vị này.

Trương Hựu Hiệp nhập ngũ năm 18 tuổi (1968), tham gia chiến tranh tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam (Chiến tranh Biên giới phía Bắc) năm 1979. Trương Hựu Hiệp được giới chức quân sự nước này cho là "có nhiều biểu hiện tích cực" trong cuộc chiến xâm lược biên giới Việt Nam giai đoạn 1979-1984 nên năm 1984 được thăng lon Đại tá.

Trong số 10 thành viên Quân ủy Trung ương hiện nay, chỉ có Trương Hựu Hiệp và Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng là từng tham gia chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam những năm 1980.

Lưu Nguyên có công lớn trong chiến dịch đả hổ đập ruồi của Tập Cận Bình, cũng xuất thân "vương hầu" - con trai Lưu Thiếu Kỳ, nhưng không giống như Trương Hựu Hiệp và các viên tướng khác nhập ngũ từ thời trai trẻ, Lưu Nguyên vào quân đội năm 1992 khi đã 41 tuổi. Lưu Nguyên được cho là có công đầu trong việc lật đổ Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

Tuy nhiên 2 nguồn tin quân sự từ Bắc Kinh nói với South China Morning Post cho rằng việc bổ nhiệm Lưu Nguyên vấp phải nhiều phản kháng vì "quá thẳng tính, xúc phạm nhiều quan chức cao cấp đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu". Chống tham nhũng trong quân đội chỉ là phần đầu tiên trong công việc của Tập Cận Bình, việc tiếp theo tập trung vào cải cách, cần người có khả năng, trẻ hơn và trung thành với Tập Cận Bình.

Việc Hội nghị Trung ương 5 bầu thêm 1 Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương thứ 3 được cho là để đào tạo người kế nhiệm Phạm Trường Long, tướng thân tín nhất của Tập Cận Bình và là người đã đến tuổi nghỉ hưu, 68 tuổi.

Hồng Thủy