Ukraine chuẩn bị vũ trang đối phó với người biểu tình ly khai

13/04/2014 08:07
Nguyễn Hường
(GDVN) - Các đơn vị thuộc Bộ quốc phòng và nội vụ Ukraine đã được triển khai thực hiện kế hoạch đối phó với các mối đe dọa.
Chính quyền Kiev đang chuẩn bị lực lượng để giải quyết những gì họ gọi là "hành động xâm lược của Nga" trong bối canh những người biểu tình ly khai vẫn chiếm giữ trụ sở chính quyền tại một số thành phố ở miền Đông thúc đẩy căng thẳng Ukraine-Nga vào một giai đoạn mới, Reuters ngày 12/4 đưa tin cho biết.

Vụ người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở Donetsk và Luhansk được Washington xem là những động thái gợi nhớ tới sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga. 

Người đàn ông vũ trang tại một trạm kiểm soát ở Slaviansk ngày 12/4.
Người đàn ông vũ trang tại một trạm kiểm soát ở Slaviansk ngày 12/4.
"Chúng tôi rất lo ngại về các chiến dịch phối hợp chúng ta thấy được tiến hành ở miền Đông Ukraine hiện nay bởi những người ly khai thân Nga, rõ ràng là có sự hỗ trợ của Nga", Laura Lucas Magnuson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng cho biết.
"Chúng tôi thấy cái gọi là hoạt động biểu tình tương tự ở Crimea trước khi sáp nhập có mục đích của Nga. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Putin và chính phủ của ông phải chấm dứt mọi nỗ lực gây bất ổn cho Ukraine và chúng tôi cảnh báo chống lại sự can thiệp quân sự hơn nữa".
Phương Tây cáo buộc Nga gây bất ổn tại khu vực phía Đông Ukraine để lấy cớ gửi quân đội tới bảo vệ những người nói tiếng Nga tại đây như từng làm ở Crimea. 
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov gọi các cuộc tấn công ở phía Đông là sự xâm lược của Nga. Theo ông, các đơn vị thuộc Bộ quốc phòng và nội vụ đã được triển khai thực hiện kế hoạch đáp ứng với các mối đe dọa.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Ukraine đã "chứng minh khả năng không thể chịu trách nhiệm về số phận của đất nước" mình và cảnh báo rằng bất kỳ việc sử dụng vũ lực chống lại người nói tiếng Nga "sẽ làm suy yếu tiềm năng hợp tác" bao gồm cả các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức vào thứ Năm tới giữa Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu.
Một khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine vẫn chưa được giải quyết, tranh chấp khí đốt đe dọa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người trên khắp châu Âu. 
Một lượng lớn khí đốt tự nhiên Nga bán cho các nước EU được bơm qua lãnh thổ Ukraine. Do đó, đe dọa giảm nguồn cung cấp khí cho Kiev vì không thanh toán sẽ có thể khiến nguồn cung cấp này bị gián đoạn./.
Nguyễn Hường